Chọn ngành trước khi chọn trường

GD&TĐ - Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH CĐ 2019 mới đây, các chuyên gia nhận được nhiều câu hỏi của các phụ huynh và thí sinh; trong số đó, có nhiều thí sinh đạt điểm khá cao, có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, nhưng họ vẫn muốn được tư vấn về đào tạo nghề nghiệp.

Chăm chú nghiên cứu, tham khảo các ngành nghề của các trường. Ảnh: Sỹ Điền
Chăm chú nghiên cứu, tham khảo các ngành nghề của các trường. Ảnh: Sỹ Điền

Nhu cầu việc làm gia tăng

Theo TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, thời điểm này, bất kỳ thí sinh nào cũng có rất nhiều quyền lựa chọn ngành học, trường học cho mình. Tuy nhiên, để chọn được trường phù hợp, trước tiên các em nên chọn ngành nghề mà mình yêu thích nhất. Sau khi xác định được ngành, nghề yêu thích theo sở trường, năng lực của bản và theo nhu cầu của gia đình thì các em mới nên chọn trường.

Về chọn trường, TS Đồng Văn Ngọc “bật mí”, ngay tại Hà Nội và các vùng lân cận có rất nhiều trường chất lượng cao. Thí sinh có thể tìm kiếm bằng từ khóa “Trường nghề chất lượng cao” trên Google. Theo đó, các em sẽ thấy có 45 trường đào tạo chất lượng cao. Trong 45 trường này, có rất nhiều ngành nghề được Chính phủ, Nhà nước đầu tư. Nhiều trường cam kết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

TS Đồng Văn Ngọc (giữa): Thí sinh nên chọn nghề trước khi chọn trường. Ảnh: Sỹ Điền
TS Đồng Văn Ngọc (giữa): Thí sinh nên chọn nghề trước khi chọn trường. Ảnh: Sỹ Điền 

“Tôi khuyên các em cố gắng mô tả năng lực bản thân để chọn ngành nghề trước, sau đó chọn trường. Trường Cao đẳng Cơ điện là một địa chỉ để tham khảo, các em có thể tham khảo các trường khác, để có sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với năng lực của bản thân” - TS Đồng Văn Ngọc nói.

Ông Phạm Xuân Thu tư vấn cho thí sinh về chọn nghề, chọn trường. Ảnh: Sỹ Điền

Qua theo dõi thực tế, ông Phạm Xuân Thu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học GD nghề nghiệp (Tổng cục GD nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, một vài năm gần đây, xu hướng thanh niên tham gia học tập ở các cơ sở GD nghề nghiệp tăng cao. Đầu vào cũng đa dạng, có những em sau khi tốt nghiệp THPT đã vào học luôn ở cơ sở GD nghề nghiệp. Cùng với đó, các trường nghề cũng thay đổi rất nhanh để theo kịp với thị trường sử dụng lao động.

“Hiện nay, nhu cầu về sử dụng lao động có năng lực, trình độ trung cấp và cao đẳng đang gia tăng nhiều. Chính vì nhu cầu đó nên khả năng tìm kiếm việc làm của các em sau khi tốt nghiệp rất cao và dễ dàng hơn. Thậm chí, nhiều sinh viên học năm học thứ 2 của trường nghề đã có cơ hội tham gia vào việc làm ở những ngành nghề mà mình yêu thích” – ông Phạm Xuân Thu cho hay.

“Bật mí” những ngành nghề “hot”

Niềm vui của những người cùng ý tưởng. Ảnh: Sỹ Điền
Niềm vui của những người cùng ý tưởng. Ảnh: Sỹ Điền 

Trước những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh về việc lựa chọn ngành du lịch, tài chính, quản trị… ông Phạm Xuân Thu trao đổi, tất cả các ngành nghề đó đều có trong các cơ sở GD nghề nghiệp. Xu hướng đào tạo ở những cơ sở này là thích ứng theo thị trường lao động. Tức là bên sử dụng lao động yêu cầu các năng lực, kỹ năng gì thì nhà trường sẽ đáp ứng; đồng thời thay đổi phương thức đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động.

“Hàng năm, chúng tôi có công bố trên trang website khoảng 20 ngành nghề có thu nhập tốt và những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao. Xu hướng chung là, các cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo theo hướng liên ngành. Hiện nay, chúng tôi có nghiên cứu về phía sử dụng lao động, họ yêu cầu đào tạo liên ngành là chủ yếu. Chẳng hạn như: Học về du lịch nhưng sinh viên có thể được đào tạo thêm về quản trị… Với phương thức đào tạo này, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay” - ông Phạm Xuân Thu nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Phạm Xuân Thu, các cơ sở GD nghề nghiệp đã có liên kết với các cơ sở GDĐH, các trường quốc tế, để sau khi đào tạo xong ở cơ sở GD nghề nghiệp, sinh viên có thể học liên thông với các bậc học cao hơn, hoặc được công nhận văn bằng ở các nước mà các cơ sở GD-ĐT đó có liên kết và công nhận văn bằng lẫn nhau. Từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Rất nhiều phụ huynh và thí sinh mong muốn được tư vấn về đào tạo nghề. Ảnh: Sỹ Điền
Rất nhiều phụ huynh và thí sinh mong muốn được tư vấn về đào tạo nghề. Ảnh: Sỹ Điền 

“Hiện nay, theo khảo sát nhóm nghề điều dưỡng có cơ hội việc làm rất tốt, cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, các nhóm về quản trị khách sạn, nhà hàng là những ngành có khả năng tìm kiếm việc làm tốt và thu nhập cao… Đặc biệt một số ngành như: Hàn, mỏ, khai khoáng… có nhu cầu công việc cao nhưng các doanh nghiệp hiện nay không tìm kiếm được nguồn nhân lực” – ông Phạm Xuân Thu bật mí.

“Bất kỳ trường nào cũng có những ngành nghề có thương hiệu và đó là điểm mạnh của họ. Tất nhiên, cũng có những ngành nghề chưa phải là điểm mạnh. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ để có lựa chọn tốt nhất cho mình. Các em nên chọn ngành nghề trước, sau đó mới chọn trường”. TS Đồng Văn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ