Nhận diện linh vật của người Việt

Mấy hôm rồi, chuyện đưa linh vật lạ ra khỏi di tích thuần Việt được dư luận quan tâm và ủng hộ. 

Nhận diện linh vật của người Việt
Âu cũng từ tinh thần Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở VHTTDL các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, nơi công cộng, gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh.

Công văn khuyến cáo nói trên của Bộ VHTTDL xuất phát từ thực tế những năm gần đây tại một số đình chùa, công sở Việt Nam xuất hiện nhiều linh vật, vật phẩm có tạo hình, hình thức không phù hợp, đáng chú ý là sư tử đá ngoại đặt ở hai bên lối vào.

Dẫu vậy, không phải ai cũng phân biệt được đâu là linh vật Việt Nam và đâu không phải là linh vật của người Việt.
Theo phân tích của GS Tống Trung Tín, sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.

Còn theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, thời gian qua, việc các cơ quan quản lý đã có hành động kiên quyết xử lý cặp sư tử đá ở chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)… đã nhận được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu và cả cộng đồng. 

Tuy nhiên vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên từ sự thiếu hiểu biết về hệ thống các biểu tượng cổ truyền trong văn hóa Việt. Phân tích từ góc nhìn chuyên môn, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay, so với các nước trong khu vực, hình tượng sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. 

Gắn bó với Phật giáo, sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý - Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần vừa không nhọn sắc, lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. 

Đặc điểm thứ hai của sư tử thời Lý - Trần là không phô diễn sức mạnh hình thể. Trong khi các con sư tử của Trung Quốc bao giờ cũng phô trương bằng cách dướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ. Thêm nữa, các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài.

Và để giúp cho việc phân biệt đâu là linh vật thuần Việt, đâu là linh vật lạ, mới đây nhất, ngày 19/8/2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã gửi công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới Sở VHTTDL các địa phương cả nước; các cơ quan báo chí, truyền thông. 

Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện đang được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng. Theo đó, con sấu, sư tử đá, con nghê là các linh vật phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Những mẫu tượng linh vật này nhằm bước đầu giúp cho công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý cũng như hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ, để các Sở VHTTDL các địa phương, thanh tra văn hóa nghiên cứu, tham khảo.
Được biết, những hình ảnh tư liệu linh vật thuần Việt nói trên được nhiều nhà nghiên cứu, người quan tâm chia sẻ thông tin gửi về cục. Trong thời gian tới Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ tiếp tục cập nhật và đăng tải trên website của cục (tại địa chỉ: ape.gov.vn) để mọi người có thể truy cập, tham khảo và nhận diện linh vật thuần Việt từ nguồn tư liệu này.
Theo daidoanket

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ