Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường tiểu học Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Có một bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn lựa chọn các hình thức truyền thống để duy trì sự chú ý của học sinh với tâm lý e ngại sự thay đổi, sợ mất thời gian khi thực hiện.
Có thể họ đạt được phần nào mục đích của mình nhưng lại không thoả mãn được yêu cầu đổi mới của chính môn học mà mình đang dạy, không kích thích được sự năng động, sáng tạo của học sinh và trên hết chưa tạo ra được không khí một giờ học ngoại ngữ đặc trưng.
Đây là một trong những hạn chế cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy đưa ra từ thực tế dạy học.
Hình ảnh trong tiết học của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy. |
Thu hút sự tập trung, chú ý của học sinh theo cách truyền thống
Phân tích hạn chế này, cô Thủy cho rằng, phần lớn các giờ học tiếng Anh ở trường tiểu học vẫn tồn tại kiểu duy trì sự tập trung, chú ý của học sinh bằng các biện pháp truyền thống như: giáo viên gõ thước lên bảng, lên bàn, quát to...
Đôi khi các giáo viên còn áp dụng kiểu giáo viên cơ bản hay làm: Học sinh – Trật tự. Hoặc, nếu bắt buộc phải dùng tiếng Anh thì giáo viên có xu hướng nói những câu mệnh lệnh như: Stop! Be quiet! ...
Ở một khía cạnh nào đó, những cách làm này vẫn nhận được kết quả là học sinh tạm thời giữ được trật tự, nhưng sự chú ý không được lâu.
Đôi khi, theo thói quen học sinh miệng thì trả lời: Trật tự nhưng sau đó lại nói chuyện riêng ngay được. Kết quả là, dần dần học sinh chỉ trả lời như một thói quen mà không ý thức được mình đang nói gì.
Đối với giáo viên, cứ nhắc nhở học sinh mãi như vậy mà học sinh không thay đổi nhiều, dẫn tới nhiều lúc mất kiểm soát mà quát mắng học sinh, bản thân mình cũng ức chế mà học sinh thì căng thẳng.
Quan trọng hơn cả là không khí lớp học chưa thể hiện được phong cách của một giờ ngoại ngữ đặc trưng, do vậy chưa thu hút được sự chú ý học tập của học sinh hiệu quả.
Cũng theo cô Thủy, giáo viên vẫn chưa có thói quen sử dụng một câu chuyện hay một trò chơi làm chủ đề xuyên suốt một giờ học. Các hoạt động trong bài sẽ được thiết kế theo mạch của câu chuyện để tạo ra sự lôi cuốn.
Tương tự vậy, kiểm soát sự tập trung của trẻ theo hình thức này là điều vẫn còn xa lạ với phần lớn giáo viên tiểu học. Đa số giáo viên sẽ cho rằng điều này mất thời gian và cần phải có sự duyên dáng nhất định mới có thể làm được.
Thực ra, nếu không thử thay đổi thì chúng ta không bao giờ làm được. Hình thức duy trì sự tập trung của học sinh theo kiểu này rất thu hút học sinh, không hề phức tạp và luôn tạo ra một không khí thoải mái, tự nhiên. Khó hay dễ thực hiện tất cả là do chính thầy cô chúng ta.
Ảnh minh họa |
Các hoạt động luyện tập còn diễn ra hình thức
Theo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, hầu hết các giáo viên đều chú ý, áp dụng các hình thức luyện tập như cá nhân, theo cặp, theo nhóm....trong một tiết dạy.
Tuy nhiên chưa có nhiều sự đổi mới đa dạng, có nhiều giáo viên cho học sinh luyện tập theo cặp có khi cả học kỳ vẫn chỉ luyện nói với một bạn duy nhất ngồi cạnh mình.
Mặt khác, do sĩ số học sinh trong một lớp ở trường công lập thường khá đông, có trường lên tới 50, 60 học sinh thì việc kiểm soát hoạt động của trẻ trong quá trình luyện tập không thể chặt chẽ nếu giáo viên không có những cách thức riêng.
Đưa ra nhận định này, cô Thủy cho biết, trên thực tế vẫn còn tồn tại những giờ luyện tập mà thoạt nhìn vào có cảm giác các học sinh đang hăng say luyện tập, nhưng nếu quan sát kỹ thì chỉ có một số bộ phận học sinh làm việc thực sự, số còn lại cũng rất nhiệt tình bàn luận những việc chẳng liên quan đến nội dung đang làm.
Vì những hoạt động luyện tập theo cặp, theo nhóm là môi trường học sinh dễ lợi dụng để nói chuyện riêng mà giáo viên khó phát hiện ra.
Vì vậy, để quá trình luyện tập diễn ra hiệu quả, giáo viên không những phải đổi mới các hình thức luyện tập nhằm thu hút sự hứng thú của học sinh, mà còn phải kiểm soát được hoạt động đó theo đúng mục đích yêu cầu bài dạy.
Giáo án chưa đầu tư kỹ, cách dạy còn dập khuôn
Nhiều giáo viên vẫn dạy theo kiểu cũ mà họ cho là an toàn, không mất nhiều công sức soạn giảng cũng như trong quá trình giảng dạy.
Điều này dẫn tới những giờ học dập khuôn, máy móc, không có sự thay đổi hình thức, dẫn tới học sinh không có hứng thú học. Nếu bị ép buộc thì học sinh sẽ học nhưng là học đối phó. Kết quả học tập thực sự của học sinh thu được không cao, học sinh bị động trong môn học.
Do đó, việc hướng tới một giờ dạy thu hút theo phong cách ngoại ngữ vẫn còn là vấn đề nằm trên lý thuyết nếu chính những người giáo viên chúng ta chưa chịu thay đổi.
Ảnh minh họa |
Tác phong, thái độ giáo viên
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, các giáo viên ngoại ngữ phải tạo được không khí thoải mái, giờ học nhẹ nhàng nhằm kích thích sự sáng tạo và phát triển tư duy cho các con, nhưng thực tế giảng dạy cho thấy vô hình họ bị chi phối bởi cách đứng lớp của giáo viên cơ bản về tác phong, thái độ.
Bên cạnh đó, ngay bản thân nhiều giáo viên ngoại ngữ cũng không tự thay đổi mình, không ít người cho rằng thân thiện quá sẽ khiến học sinh “nhờn”, dẫn đến tiếng nói của giáo viên không còn có uy nữa.
"Thông qua việc quan sát thái độ của thầy cô giáo người nước ngoài trong khi giảng dạy, tôi nhận ra rằng các thầy cô luôn khen ngợi, động viên học sinh ngay cả khi học sinh nói hoặc làm chưa đúng, luôn sử dụng óc hài hước để giải quyết vấn đề trong giờ học để tạo cảm giác rất thân thiện, cởi mở với học sinh khiến học sinh không sợ học.
Điều này không phải giáo viên người Việt nào khi dạy tiếng cũng làm tốt được" - cô Thủy cho hay.