"Sát cánh" cùng người dân vùng biên viễn
Huyện Yên Châu (Sơn La) có 5 xã đặc biệt khó khăn và 4 xã vùng cao, biên giới với hơn 85% dân tộc thiểu số. So với mặt bằng chung tại huyện, các xã biên giới vẫn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ... chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về đất đai.
Để giúp đồng bào dân tộc vùng cao biên giới ở huyện Yên Châu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chương trình, dự án… Từ đó, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu đánh giá: Dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng xã biên giới, huyện đề ra các giải pháp đối với từng vùng như: Tại các bản xa trung tâm xã, khuyến khích người dân chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị cao.
Cùng với đó, huyện phối hợp với các ban ngành tiêu thụ sản phẩm, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng trang trại, gia trại. Tại trung tâm các xã, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, hình thành các chợ đầu mối nông sản để bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.
Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Nhà nước, người dân xã biên giới Phiêng Khoài đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Xoài tượng da xanh, mận hậu, nhãn; trâu, bò, dê... vào sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày một nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho hay: Xã luôn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi, phát triển diện tích cây ăn quả phù hợp với khí hậu địa phương như: Mận hậu, chanh leo, lê, xoài, với diện tích hơn 2.900ha. Đồng thời, xã duy trì 100 ha chè, khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập HTX, hỗ trợ thành viên quy trình sản xuất hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 24,7%.
Anh Lò Văn Công, bản Cồn Huốt, xã Phiêng Khoài chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của huyện, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tôi đã chuyển đổi đất trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng mận hậu. Mỗi năm, gia đình thu 35 tấn quả, thu về gần 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn như trước nữa”.
Thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ người dân
Xã biên giới đặc biệt khó khăn Chiềng On có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (chiếm tới 70%). Để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây từng bước thoát nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Châu đã ban hành kết luận chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT - XH xã Chiềng On đến năm 2025. Cùng với đó, huyện Yên Châu đã thành lập tổ công tác, rà soát, bố trí nguồn lực, phân công nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, đoàn thể giúp đỡ xã khó khăn này.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên cho biết: Huyện đã tổ chức cho lãnh đạo xã và các bản đi học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng cây mắc ca, chanh leo tại huyện Thuận Châu; nuôi bò nhốt chuồng, trồng mía nguyên liệu tại huyện Mai Sơn... Từ những việc thiết thực này đã làm thay đổi nhận thức cho người dân xã Chiềng On, tự giác đăng ký mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Hiện nay, xã này có gần 300ha cây ăn quả, 90 ha mía nguyên liệu; nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Ông Vì Văn Trường, bản Nà Cài, xã Chiềng On kể: "Qua chuyến tham quan thực tế do huyện tổ chức, nhận thấy mô hình trồng chanh leo phù hợp, tôi vay hơn 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội mua giống và làm giàn chanh leo. Mỗi năm, vườn chanh leo cho thu hoạch 20 tấn quả. Bên cạnh đó, tôi còn trồng thêm cỏ voi phục vụ nuôi nhốt 7 con trâu, bò; tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Những năm qua, huyện Yên Châu đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho các xã biên giới. Trong đó, có Dự án “giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam - Lào” được thực hiện, đã phát triển chuỗi sản xuất cây gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững. Đến nay, đã có trên 140 ha cây gai xanh được đưa vào trồng tại các xã biên giới của huyện; dự kiến mang lại thu nhập 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, góp phần giúp người dân thoát nghèo.
Anh Tếnh Lao Bông, bản Pa Khôm, xã Chiềng Tương cho biết: Gia đình đăng ký tham gia trồng 2ha cây gai xanh. Loại cây này rất dễ trồng, chỉ vất vả năm đầu, còn các năm tiếp theo chỉ cần bón phân và làm cỏ. Vụ đầu tiên, gia đình thu được 3 tạ vỏ gai khô/ha, Công ty thu mua với giá 35.000 đồng/kg. Cây gai xanh cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây ngô.
Theo ông Cường, nhằm giúp người dân ở các xã vùng cao biên giới có cuộc sống ổn định và khấm khá, huyện đã tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719). Từ nguồn vốn được giao hơn 144 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp 31 công trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Việc tập trung nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu phát triển bền vững.