Phát triển chăn nuôi gia súc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo

GD&TĐ - Với nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi gia súc, huyện Sa Thầy hướng đến việc đưa ngành này trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo.

Ông A Grim chủ động được nguồn thức ăn cho bò nên tiết kiệm được một phần chi phí.
Ông A Grim chủ động được nguồn thức ăn cho bò nên tiết kiệm được một phần chi phí.

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc

Cuộc sống khó khăn, đất đai chẳng có nên trước kia anh A Ngức (35 tuổi, ở làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, Kon Tum) phải làm thuê đủ nghề để lo cho gia đình.

Theo anh A Ngức, trước đây chăn nuôi trâu, bò chỉ dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp (cày, bừa) hoặc làm vật trao đổi, hiến tế trong lễ hội của gia đình, thôn, làng.

Nhận thấy nhiều hộ chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định, năm 2017, anh A Ngức vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện mua bò giống. Anh còn đầu tư xây dựng chuồng trại vệ sinh và tiêm phòng để bò không bị bệnh, phát triển tốt.

Mong muốn chủ động được nguồn thức ăn, anh A Ngức trồng cỏ voi, thu gom rơm khô và tận dụng nguồn lá, quả từ vườn cây ăn trái của gia đình. Nhờ vậy, gia súc của gia đình anh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/năm.

“Chuồng trại của gia đình luôn có trên 15 con trâu, bò. Với nguồn thức ăn sẵn có nên gia đình cũng tiết kiệm được một phần chi phí. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ổn định và đã thoát nghèo”, anh A Ngức nói.

Gia đình ông A Grim (69 tuổi, ở làng Lung, xã Ya Xiêr) cũng có 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi gia súc. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên trâu, bò của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh.

Với 5 con trâu, 16 con bò mỗi năm ông xuất bán từ 6 - 8 con, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng.

“Những năm trước tôi trồng ngô, mì, lúa... song song với chăn nuôi gia súc nhưng công chăm sóc và chi phí tốn nhiều, lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Riêng nuôi gia súc, việc chăm sóc bớt vất vả, lợi nhuận tăng hơn. Năm ngoái, chỉ riêng tiền bán 2 con bò đực, gia đình thu về hơn 30 triệu đồng”, ông A Grim chia sẻ.

Tương tự, tại xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) cũng đang chú trọng, phát triển chăn nuôi gia súc.

Bà Y Nói (60 tuổi, ở làng Trấp, xã Ya Tăng) có 2 sào đất nên bà tận dụng trồng cỏ và thu gom thân cây ngô, chuối để làm thức ăn cho gia súc.

Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bán chăn thả, kiểm soát tốt dịch bệnh, sau nhiều năm, đàn gia súc của gia đình bà sinh sản, phát triển tốt.

Đến nay gia đình bà có 6 con trâu, 16 con bò và 36 con heo và là hộ DTTS nuôi nhiều gia súc nhất xã. Mỗi năm lợi nhuận từ chăn nuôi mang lại cho gia đình khoảng 80 triệu đồng.

Với nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, gia đình bà xây dựng được căn nhà khang trang, có kinh phí lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Phát triển kinh tế chủ đạo của địa phương

Gia đình bà Y Nói đã duy trì và phát triển đàn gia súc gần 30 năm nay, cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng mỗi năm. (Ảnh Mai Vàng).jpg
Lợi nhuận từ chăn nuôi mang lại cho gia đình bà Y Nói khoảng 80 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết, địa phương có trên 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăn nuôi gia súc. Nguồn thức ăn từ tự nhiên dần ít đi nên người dân trồng cỏ và thu gom rơm.

Tổng đàn gia súc của xã hơn 2.000 con nên hiệu quả kinh tế mang lại khá ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, kinh tế ngày càng khấm khá.

Còn bà Tạ Thị Thùy Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho hay, địa phương luôn khuyến khích các hộ dân người đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi gia súc.

Để gia súc phát triển tốt, ít bệnh tật, xã thường xuyên tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng hiệu quả ở các địa bàn khác. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cấp con giống, vật tư cho các hộ dân.

Theo ông A Plưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Bên cạnh đó, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc và đất vườn tạp để trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi.

Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là hơn 23.600 con, trong đó, có gần 500 con trâu, hơn 10.500 con bò, trên 11.600 con heo và hơn 1.000 con gia súc khác.

Ông A Plưng cho biết thêm, thời gian tới đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân đồng bào DTTS phát triển chăn nuôi gia súc ở vùng có lợi thế về khí hậu và bãi chăn thả.

Từ đó mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Từng bước đưa chăn nuôi trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế chủ đạo của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn dinh dưỡng Pate cho mèo