Nông dân vùng cao Hòa Bình thoát nghèo nhờ cây gai xanh

GD&TĐ - Nhờ trồng cây gai xanh phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, anh Hà Văn Luân (xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã vươn lên thoát nghèo.

Cây gai xanh được ví như cây "xóa nghèo" của người dân vùng cao Đà Bắc.
Cây gai xanh được ví như cây "xóa nghèo" của người dân vùng cao Đà Bắc.

Cải thiện thu nhập...

Thời gian qua, tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc (Hoà Bình), cây gai xanh được người dân trồng và nhân rộng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Loại cây gai xanh này đang mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với trồng ngô, sắn và ruộng lúa. Nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, xây được nhà cửa khang trang. Vì vậy, cây gai xanh được người nông dân ví như “phao cứu sinh”, giúp họ thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Anh Hà Văn Luân, xóm Lang, xã Yên Hòa cho biết, trước đây gia đình anh trồng ngô, trồng sắn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, khiến cuộc sống gặp khó khăn thiếu thốn. Xem truyền hình, sách báo, thấy nhiều nơi ở Hà Giang, Tuyên Quang trồng cây gai xanh cho thu nhập cao nên anh đã đặt cây giống về trồng thử trên 350m2 đất ruộng.

"Qua thời gian thử nghiệm, tôi thấy loại cây này phát triển tốt, thu nhập ổn định nên nhân rộng lên 5.000m2", anh Luân nói.

z5659127301041_45060d9f93c67d14569ab36d60189524.jpg
Mô hình cây gai xanh đang được người dân nhân rộng.

Theo anh Luân, từ khi chuyển sang trồng cây gai xanh, thu nhập của gia đình anh đã cải thiện đáng kể, chứ không như trồng ngô, sắn trước đây.

"Cây gai xanh dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Đối với cây gai xanh trồng mới thường cho thu hoạch sau 75 ngày. Khi thu hoạch sẽ chặt sát gốc, cây sẽ mọc lại, sau đó chỉ cần bón phân và làm cỏ. Các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 47 - 50 ngày. Cây gai xanh cho thu hoạch 4 lứa chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể được 5 lứa và cho thu hoạch liên tục trong vòng 10 năm", anh Luân nói thêm.

Anh Nguyễn Viết Hùng, Trưởng xóm Lang, xã Yên Hòa thông tin, hiện tại xóm có 14 hộ trồng gai xanh với diện tích hơn 10ha. Đầu ra của sản phẩm ổn định. Trung bình 1ha gai xanh cho thu khoảng 4 -5 tạ vỏ khô. Giá bán 40.000 đồng/kg vỏ khô, mỗi hecta người dân có thể thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm.

“Hiện, gia đình tôi đang trồng 9.000m2 cây gai xanh. Nhờ cây này, sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Về hiệu quả kinh tế, đây thực sự là cây thoát nghèo cho người dân chúng tôi”, anh Hùng nói.

z5659127314607_b055fccd8eef6f7c4f98975ff4181661.jpg
Anh Nguyễn Viết Hùng đang kiểm tra quá trình phát triển cây gai xanh.

Cây "xóa nghèo"

Theo quan điểm của ông Bùi Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cây gai xanh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà cây trồng này đang giúp các hộ dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo ông Thương, người dân bắt đầu trồng gai xanh nhiều từ năm 2021, đến nay đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần với cây trồng khác. Thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích cây gai xanh thay thế cho cây trồng kém hiệu quả, góp phần xóa nghèo tại địa phương.

z5659127315004_74e9032bd293005c407ba86bf869855d.jpg
Trên địa bàn huyện Đà Bắc có hơn 95ha gai xanh.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế tại địa phương, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền người dân áp dụng nhân rộng mô hình này.

Huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cho người dân, thực hiện các chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển sản xuất cây gai xanh. Song song với đó, đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Qua đó, thay thế dần cây trồng kém hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Đà Bắc giai đoạn 2021 - 2025.

z5659127304429_4e7ade97ff880ba96e5b3b1d847f6fbb.jpg
Hai bên đường bê tông vào xóm Lang, xã Yên Hòa được người dân trồng phủ xanh cây gai xanh.

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết, cây gai xanh được trồng chủ yếu tại các xã như: Tú Lý, Cao Sơn, Mường Chiềng, Đồng Chum, Đoàn Kết, Yên Hòa, Trung Thành với diện tích hơn 95ha. Cây gai xanh được trồng nhiều tại xã Trung Thành, với diện tích 48ha.

Cây gai xanh hoàn toàn thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp với trình độ canh tác của nhân dân ở các xã vùng cao của huyện. Loài cây này có thể trồng thay thế một số cây trồng khác như: Ngô, sắn.

Theo ông Vinh, tới đây huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân. Từ đó, nâng diện tích trồng gai xanh tại các xóm, xã khác trên địa bàn huyện lên khoảng 150ha.

Huyện sẽ tổ chức tốt hệ thống dịch vụ liên kết kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hợp tác, đầu tư trồng cây gai xanh.

Phòng NN&PTNT huyện cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án nông nghiệp để triển khai. Qua đó, giúp người dân đầu tư phát triển trồng cây gai xanh để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ