Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

GD&TĐ - Bộ “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” vừa được ban hành. Nó ra đời với mục đích khuyến khích, lan tỏa các giá trị văn hóa “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nghệ sĩ có vai trò rất lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bởi vậy, Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ: Có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhằm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ.

Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp, tình yêu quê hương đất nước… phù hợp với giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ.

Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; chọn lựa sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật. Đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn. Tôn trọng đóng góp xác đáng của công chúng. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi.

Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt, Quy tắc cũng quy định ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội như từ thiện; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm hàng hóa.

Có thể nói, các quy định trong quy tắc khá đầy đủ rõ ràng để giới nghệ sĩ ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, xét về khía cạnh xã hội để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” thì chắc chắn phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm lẫn các hành vi lệch chuẩn.

Các ồn ào liên quan hoạt động từ thiện của nghệ sĩ đã được xử lý đến đâu?

Mới đây thôi, “Cô gái mở đường” bị biến tấu biểu diễn kèm trang phục hở hang không phù hợp – ai xử lý?.

Có thể nói, để định lượng hay xác định được ranh giới giữa chuẩn và lệch chuẩn rất khó, vì tuỳ góc nhìn, quan niệm. Đa số nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi, gỡ bỏ video… đều do “sức nặng” của dư luận – ít thấy ý thức tự thân của nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật.

Dịp cuối năm phim hài Tết nở rộ, nhưng đa phần là hài nhảm, nhố nhăng và thô tục. Nhưng tất cả chỉ là cảm nhận, không có quy định nào phân định, và vì vậy khó có thể xử lý gốc rễ vấn đề.

“Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” – điều này khó trông mong vào ý thức chủ quan của một số nghệ sĩ. Nhưng ngành văn hoá có thể kết hợp song hành giữa quy tắc và quy định, cần mạnh tay với những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, kể cả áp dụng “phong sát” – lệnh cấm khi cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ