Tiếp sức mùa Covid-19: Để dòng yêu thương chảy mãi

GD&TĐ - Ước mong thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập, thế nhưng, trước cánh cửa giảng đường đại học, không ít học sinh phải phân vân về những khoản chi phí không nhỏ cho chặng đường dài phía trước.

Ông Hoàng Trung Dũng thăm và động viên một trường hợp học sinh khó khăn tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Ông Hoàng Trung Dũng thăm và động viên một trường hợp học sinh khó khăn tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Để không học sinh nào phải dừng bước trước cánh cổng trường đại học, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ học sinh nghèo vào học đại học.

Không để học sinh lỡ ước mơ vì nghèo

- Xuất phát từ đâu Hà Tĩnh quyết định xây dựng Quỹ Hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi vào học đại học, thưa ông?

- Theo khảo sát của các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Hà Tĩnh 613 thí sinh có điểm thi đại học theo tổ hợp môn các khối đạt từ 27 điểm trở lên. Trong đó, có 50 em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng theo học đại học nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng.

Chia sẻ với những khó khăn của các em cùng gia đình, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất phải có giải pháp để giúp đỡ. Trên cơ sở đề xuất của các ngành liên quan, Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã ra đời. Quỹ có quy chế hoạt động cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho các ngành chức năng, theo dõi, giám sát kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng

- Điều kiện và mức hỗ trợ của quỹ như thế nào, thưa ông?

- Tỉnh đã giao Hội Khuyến học thành lập Đoàn bao gồm Hội Khuyến học, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, chính quyền địa phương đến động viên đồng thời khảo sát hoàn cảnh gia đình. Quỹ sẽ xem xét hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có mức xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên. Đối với những em dưới 27 điểm, trên 25 điểm nhưng gia đình quá khó khăn, Ban Quản lý quỹ sẽ xem xét, thống nhất quyết định mức hỗ trợ   phù hợp.

Đối với những học sinh đáp ứng các điều kiện trên nhưng đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các cá nhân tổ chức với mức trên 120 triệu đồng (đại học Y) và 100 triệu đồng (với các trường đại học khác) sẽ không thuộc nhóm đối tượng quỹ hỗ trợ.

Về mức hỗ trợ, với sinh viên học các trường sư phạm và trường đại học khác được nhận 2 triệu đồng/tháng; các trường đại học Y là 2,5 triệu đồng/tháng. Riêng trường thuộc quân đội, công an do được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nên quỹ hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng. Quỹ do Hội Khuyến học tỉnh quản lý, triển khai ngay từ năm học 2021 - 2022.

- Việc hỗ trợ hàng tháng cho học sinh sẽ thực hiện theo phương thức nào? Tỉnh sẽ quản lý như thế nào để đảm bảo nguồn hỗ trợ từ quỹ được học sinh sử dụng đúng mục đích?

- Tỉnh đã thống nhất, sau mỗi học kỳ, các em sẽ báo cáo và gửi giấy xác nhận kết quả học tập, rèn luyện về Hội Khuyến học tỉnh để hội báo cáo với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và đồng hành cùng các em trong các kỳ học tiếp theo. Theo đó, mỗi năm học, quỹ sẽ hỗ trợ 10 tháng sinh hoạt phí cho sinh viên. Số tiền này sẽ chia đều và gửi theo từng tháng vào tài khoản cá nhân để các em sử dụng. Thời gian hỗ trợ theo quy định của các trường đại học (4 - 5 năm đối với trường đại học nói chung và khối kỹ thuật, 6 năm đối với các trường đại học Y khoa).

Có thể, có những em học kỳ đầu chưa đạt được yêu cầu đặt ra theo quy định của quỹ nhưng Hội Khuyến học sẽ xem xét các yếu tố khách quan để tạo điều kiện. Mục đích chính của quỹ chính là song hành và tạo động lực cho học sinh nghèo học giỏi tiếp tục vươn lên trong học tập. Ngoài ra, trong những năm học tiếp theo, quỹ giúp tất cả học sinh tự tin đăng ký những trường đại học theo đúng nguyện vọng và sở trường của mình.

Ông Hoàng Trung Dũng cùng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại trong lần khánh thành nhà cho học sinh nghèo ở Hà Tĩnh.
Ông Hoàng Trung Dũng cùng Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại trong lần khánh thành nhà cho học sinh nghèo ở Hà Tĩnh.

Hãy nối dài yêu thương

- Mỗi năm học, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa bao nhiêu em? Để nguồn quỹ duy trì hoạt động lâu dài, tỉnh đã có kế    hoạch gì?

- Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt được huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp. Năm học 2021 - 2022, quỹ dự kiến sẽ hỗ trợ 50 học sinh theo các tiêu chí đề ra. Còn những năm học sau, số lượng học sinh hỗ trợ sẽ tùy thuộc nguồn kêu gọi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Ngoài ra, tỉnh dự kiến trích một phần ngân sách để duy trì, phát triển quỹ hay phân công cho các đơn vị, cơ quan nhận đỡ đầu trực tiếp cho các em. Một điều đáng mừng, ngay sau khi có chủ trương, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực đồng hành. Đến nay, quỹ đã kêu gọi được hơn 4 tỷ đồng.

- Với những học sinh được hỗ trợ, tỉnh sẽ có chính sách nào thu hút hay ràng buộc về mặt pháp lý để sau khi các em ra trường trở về xây dựng quê hương?

- Có ý kiến đề nghị, đối với các em đã được hỗ trợ học đại học, sau khi tốt nghiệp phải về phục vụ quê hương, nhưng lãnh đạo tỉnh không đưa ra điều kiện này. Mong muốn lớn nhất của tỉnh, các em học tập, rèn luyện tốt thì cơ hội việc làm sẽ rất lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhân lực, các em có nguyện vọng vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh sẽ tạo điều kiện. Nếu các em làm việc ở các địa phương khác trong cả nước, trở thành những cán bộ, công chức, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học giỏi, doanh nhân thành đạt cũng là giúp ích cho tỉnh, đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các em có quyền tự hào bởi đã vượt lên chính mình. Kết quả học tập của các em tạo sức lan tỏa trong xã hội, tạo động lực cho thầy cô, bạn bè. Từ đó, các em phải nỗ lực hơn, để sau này cống hiến cho quê hương, đất nước. Và cũng có thể, khi có việc làm, thu nhập ổn định, các em lại là cầu nối để giúp đỡ những học sinh khác gặp hoàn cảnh tương tự vươn lên, khẳng định chính mình. - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ