Miếng bánh Syria

GD&TĐ - Ngay tuần đầu tiên sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hôm 8/12, Syria đã hứng chịu một loạt động thái can thiệp trực tiếp từ nước ngoài.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Việc chính quyền Assad sụp đổ ở Syria sau vài thập kỷ cầm quyền đang biến nước này rơi vào tình trạng giống như một số nước Trung Đông sau Mùa xuân Ả Rập năm 2010, khi đất nước rơi vào thế bị tranh giành lợi ích giữa các nước lớn.

Ngay trong những tuần đầu tiên sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hôm 8/12, Syria đã hứng chịu một loạt động thái can thiệp trực tiếp từ nước ngoài. Đầu tiên là Israel tấn công các kho vũ khí của Chính phủ Syria bị lật đổ và chiếm giữ loạt mục tiêu chiến lược bên trong lãnh thổ Syria, giáp Israel với lý do đảm bảo an ninh cho Israel trong bối cảnh Syria rơi vào tình trạng không có chính phủ.

Trong khi đó, Mỹ tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào tàn dư của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng can thiệp để gây sức ép với dân quân người Kurd ở Đông Bắc Syria, lực lượng mà Ankara coi là khủng bố. Hai nước khác là Nga và Iran vốn là đồng minh của chính quyền Assad cũng lập tức phải tổ chức lại lực lượng đang đồn trú tại Syria hoặc rút quân khi chính quyền ở nước này rơi vào phe nổi dậy.

Các nguồn tin cho biết, Nga đang rút bớt nhân sự và khí tài tại các căn cứ quân sự đặt trên đất Syria nhưng không có con số cụ thể. Hiện, Nga cũng đã cho rút quân khỏi các căn cứ ở miền Trung Syria và chuyển họ đến căn cứ không quân Hmeimim nằm bên bờ Địa Trung Hải. Còn Iran thông báo họ đã sơ tán khoảng 4.000 quân khỏi Syria kể từ sau chính biến ngày 8/12.

Syria nằm ở vị trí quan trọng về địa chính trị tại Trung Đông, ngã tư giao thoa giữa các tôn giáo, hệ tư tưởng khác nhau và giáp ranh với 5 quốc gia trong khu vực. Trong suốt 5 thập kỷ qua, bộ máy chính trị của nước này đã định hình ổn định với sự kiểm soát của gia tộc Assad với lập trường chống phương Tây, đồng thời tập trung đối phó với các thế lực chống đối nhờ mối liên minh thân cận với hai đồng minh Nga và Iran.

Nhưng chỉ sau những cuộc tấn công chóng vánh trong vài ngày vào đầu tháng này của lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhanh chóng sụp đổ như lâu đài cát, buộc ông phải từ chức và nhờ quân đội Nga thu xếp để chạy sang Moscow lưu vong cùng gia đình.

Lăng mộ của cha ông là cố Tổng thống Hafez al-Assad, người mở đầu thời kỳ lãnh đạo kéo dài của gia tộc Assad từ năm 1970, cũng đã bị HTS nhanh chóng đốt phá ở quê nhà như một hành động biểu tượng cho việc xóa bỏ chế độ cũ ở Syria.

Việc các tay súng Hồi giáo HTS thuộc dòng Hồi giáo Sunni nổi dậy xóa bỏ sự lãnh đạo của gia tộc Assad sau 5 thập kỷ cầm quyền đã làm thay đổi hoàn toàn không chỉ cục diện chính trị tại Syria mà được ví như cơn địa chấn chính trị của cả khu vực Trung Đông.

Sự kiện này cũng dẫn đến lo ngại Syria sẽ rơi vào vết xe đổ của những nước từng trải qua chính biến tương tự sau một thời gian dài nằm dưới sự lãnh đạo của một gia tộc như Iraq thời hậu Saddam Hussein năm 2003 và Libya thời hậu Muammar Gaddafi năm 2011. Cả hai nước này đều rơi vào cuộc nội chiến kéo dài sau đó, một viễn cảnh được dự đoán có thể xảy ra tương tự tại Syria.

Cuộc nội chiến và tranh chấp ảnh hưởng tại Syria được coi là khó tránh khỏi nếu lực lượng lật đổ chính phủ của ông Assad tìm cách trả thù chính quyền cũ, hoặc khi liên minh nổi dậy này bị chia rẽ và các thế lực bên ngoài tìm cách can thiệp sâu hơn. Điều này sẽ khiến đất nước Syria đẩy vào tình trạng bị chia năm xẻ bảy về lợi ích ảnh hưởng, khiến tương lai chính trị của nước này không mấy sáng sủa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ