Ông tiến sĩ “ngoại”… hướng nội

GD&TĐ - Là người con Điện Biên, sau khi du học Úc trở về, Tiến sĩ (TS) Lò Văn Pấng dành trọn tâm sức xây dựng quê hương. Nhiều trường đại học danh giá “mời gọi”, song TS Pấng đã “quay lưng” để trở về vùng cao Tây Bắc.

TS Lò Văn Pấng (thứ 4 bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc.
TS Lò Văn Pấng (thứ 4 bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc.

Cậu bé tự ti chinh phục ước mơ đại học

Những ngày cuối tháng 11, tôi có dịp gặp TS Lò Văn Pấng - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Ông vừa từ Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII trở về.

Ông chia sẻ, Bộ GD&ĐT có phát động tinh thần: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tôi nhận thấy cuộc vận động có ý nghĩa thiết thực, giúp các nhà giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người”.

Nó giúp khơi dậy lòng nhân ái, lương tâm nhà giáo. Tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vốn là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Điện Biên nên cá nhân TS Pấng luôn tâm niệm bản thân mình phải nêu gương. Có như vậy mới có thể xứng đáng làm thầy.

“Tôi luôn cố gắng rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của một người thầy. Đa số học sinh và sinh viên của tôi là người dân tộc thiểu số. Chính vì thế, tôi luôn yêu quý và làm gương cho các em noi theo”, TS Pấng chia sẻ.

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Pấng đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Cho đến nay, ông đã dành trọn thanh xuân mình cho sự nghiệp phát triển của nền giáo dục tỉnh nhà.

Là người dân tộc thiểu số, suốt những năm học phổ thông, ông gặp nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Việt.

“Tôi từng thiếu sự tự tin trong giao tiếp, mặc cảm do năng lực tiếng Việt hạn chế. Tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng để chinh phục giấc mơ giảng đường đại học”.

Được là học sinh của thầy thật may mắn!

TS Lò Văn Pấng (áo trắng) trong thời gian du học tại Úc.
TS Lò Văn Pấng (áo trắng) trong thời gian du học tại Úc.

20 năm nay, cùng với việc giảng dạy, TS Pấng luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Ông đã trở thành thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Ông cũng hoàn thành khóa học tiến sĩ giáo dục từ Trường Đại học Flinders của Úc vào năm 2017.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc về, nhiều trường đại học ở các thành phố lớn mời ông về công tác. Nhưng vị TS “ngoại” này đã từ chối tất cả để “kết duyên” với Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Em Lò Mí Sang, sinh viên năm 2, chia sẻ: “Quá trình giảng, thầy Pấng luôn truyền cảm hứng cho chúng em. Thầy là động lực thúc đẩy ý thức tự học cho sinh viên, đặc biệt là các bạn dân tộc thiểu số. Chính bởi sự quan tâm của thầy mà chúng em từ những người chỉ biết học thi, giờ chúng em có thể tự nghiên cứu, thảo luận và sáng tạo trong các đề tài được thầy hướng dẫn. Được là học sinh của thầy thật may mắn”.

Nhà nghiên cứu trong quá trình giảng dạy

Trăn trở về những khó khăn, thầy Pấng cho biết, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn luôn thiếu thốn đủ bề. Vị trí địa lý đã làm giảm đi cơ hội tiếp cận, tham gia các hội thảo lớn.

Nhưng khó khăn không khiến ông lùi bước. Ông luôn tìm cách tiếp cận mới, sáng tạo vào giảng dạy và đào tạo. Sự nỗ lực của ông đã được ghi nhận khi được mời tham gia chia sẻ nghiên cứu 5 hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, Lào và Úc. Các bài tham luận của TS Pấng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, các chuyên gia về giáo dục trong nước và quốc tế.

“Trong mỗi nhà trường, mục tiêu nâng cao chất lượng luôn thúc đẩy người thầy tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy và học. Cải tạo những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và việc học.

Những kết quả nghiên cứu lý thuyết được áp dụng, thử nghiệm vào thực tiễn nhà trường, lớp học cũng sẽ trở nên phổ biến trong các môi trường khuyến khích văn hóa chất lượng. Khi người thầy nghiên cứu, cải tạo thực tiễn giáo dục của nhà trường bằng những tác động sư phạm, do vậy đã trở thành nhà nghiên cứu thực hành, ứng dụng”, TS Pấng chia sẻ.

Ông cũng chia sẻ rằng, người thầy phải là một chuyên gia có kiến thức uyên thâm về tâm lý và giáo dục. Được vậy mới có thể hỗ trợ, giúp đỡ các em khi gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nhờ những sự can thiệp kịp thời của các thầy cô, mà các em có thể vượt qua những trở ngại của bản thân và tập trung vào việc học tập của mình. Nhà giáo là nhà nghiên cứu và là nhà thực hành để kiểm nghiệm các công trình nghiên cứu của mình.

“Thông qua thực tế giảng dạy của mình, tôi luôn quan tâm đến các vấn đề nảy sinh trong giảng dạy và cố gắng nghiên cứu tìm nguyên nhân, giải pháp để cải thiện tình hình. Quá trình công tác, tôi đều có đề tài khoa học và có các bài báo xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành trong nước cũng như quốc tế.

Những nghiên cứu của tôi không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi của trường, mà còn có ý nghĩa tham khảo cho các giáo viên cả nước về giảng dạy tiếng Anh cho học sinh có nhu cầu đặc biệt”, TS Pấng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ