Trung úy công an tuần hai buổi nhẫn nại dạy đàn cho trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Tối thứ 3 và 5 hằng tuần, Trung úy Lê Hoàn (Đội An ninh, Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để dạy đàn guitar miễn phí cho học sinh bị khiếm khuyết cơ thể.

Các em nhỏ bị khiếm khuyết cơ thể được anh Hoàn dạy học đàn guitar.
Các em nhỏ bị khiếm khuyết cơ thể được anh Hoàn dạy học đàn guitar.

Tình yêu thương “miễn phí”

Gần 2 năm qua, tại Trung tâm Hướng nghiệp và Từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn) thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng, “thầy” Trung úy Lê Hoàn vẫn cần mẫn cứ 2 buổi/tuần lại đến dạy học đàn guitar miễn phí cho các em bị khiếm khuyết trên cơ thể.

Lớp học đàn guitar miễn phí của anh Hoàn được thành lập từ tháng 9/2019. Ban đầu với khoảng 7 học viên. Và đều đặn cứ tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, chàng Trung úy công an lại sắp xếp công việc, dành khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ lên lớp hướng dẫn các em nhỏ từng nốt nhạc, lời ca.

Chia sẻ về lớp học, anh Hoàn cho biết, sau những lần tham gia công tác từ thiện, gặp gỡ các em tại trung tâm, nhận thấy nhiều em rất thích văn nghệ. Bên cạnh đó, ngoài những giờ học nghề, các em thường khá lặng lẽ. Thấy vậy, trung úy Hoàn nảy ra ý nghĩ dạy đàn guitar để đem lại niềm vui cho các em. Anh Hoàn đã đặt vấn đề với lãnh đạo trung tâm và được đồng ý.

“Khi tôi thông báo, nhiều em rất vui và đăng ký học. Để có đàn cho các em học, tôi đi vận động bạn bè và một số mạnh thường quân mua được 3 cây đàn mới”, anh Hoàn chia sẻ.

Đàn guitar đã có, lãnh đạo trung tâm cũng đã đồng ý. Thế nhưng, việc dạy học với những đứa trẻ khiếm khuyết tại trung tâm luôn khó khăn. Việc dạy không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có tâm và tình yêu thương. Đó chính là sự đồng cảm đối với mỗi đứa trẻ theo học tại đây.

Trung úy Hoàn chia sẻ: “Ban đầu, việc dạy đàn guitar cho các em nhỏ bị khiếm khuyết gặp khá nhiều khó khăn. Với người bình thường, học 3 tháng có thể tự đàn, tự hát một số bài cơ bản. Còn với các em nhỏ ở trung tâm, việc thành thục kỹ năng đàn gần như là không dễ”.

Mặc dù đầy khó khăn, nhưng trung úy Hoàn vẫn không hề bỏ cuộc, mà ngược lại còn tràn đầy nhiệt huyết chỉ dạy cho các em nơi đây. Anh tâm niệm, việc dạy học đã mang đến niềm vui, tạo một sân chơi cho các em, bên cạnh đó là sự sẻ chia, sự đồng cảm với những mảnh đời không may bị khiếm khuyết. 

Con đường không bằng phẳng

Bạn Trương Quang H. (quê Quảng Ngãi) tâm sự: “Mặc dù rất yêu thích, nhưng mắt kém, không nhìn rõ dây đàn guitar nên rất khó khăn trong việc học. Quãng thời gian ban đầu, anh Hoàn đã chỉ dạy, động viên tinh thần để giúp bọn em ngày càng nỗ lực, đam mê cây đàn guitar hơn nữa”.

Còn bạn Nguyễn Thị Vân A. (quê Quảng Nam) lại mắc chứng run tay bẩm sinh. Việc cầm chắc cây đàn guitar với em là điều khó khăn khi mới tập luyện. “Do bị tật run tay, nên nhiều lần em bị sưng bầm, đau ngón tay vì cố gắng giữ dây đàn quá lâu. Nhưng nhờ nỗ lực dùng ý thức điều khiển, bệnh run tay của em cũng nhờ thế được cải thiện”, A. chia sẻ.

Trung úy Hoàn tâm sự: “Có bạn mới tập được 1 - 2 tuần đã bỏ cuộc, nhưng cũng có một số bạn tập không được, tay bị run vẫn muốn học đàn. Tôi ấn tượng nhất là A. và H. Thấy 2 em tay run, tôi năn nỉ nghỉ vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng các em vẫn quyết tâm theo học khiến tôi xúc động. Bây giờ tay các em đỡ run hơn, đánh tốt hơn. Từ đó, tôi nghĩ đôi khi việc học đánh đàn còn là vật lý trị liệu cho các em”.

Ông Lê Tấn Hồng - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết, thông qua chương trình này, một số em cũng đã hiểu thêm và có cảm hứng với lĩnh vực âm nhạc, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, giúp sớm hoà nhập với cộng đồng.

“Bản thân Trung úy Lê Hoàn rất nhiệt tình, dù hạn chế nhiều về thời gian nhưng vẫn tận dụng những buổi tối rảnh rỗi để giúp đỡ các em khuyết tật. Đây là hoạt động hiệu quả, tạo cho các em sự tự tin, mạnh dạn trong sinh hoạt cộng đồng”, ông Hồng thông tin.

Mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau. Nếu ai cũng chọn con đường bằng phẳng thì không biết các em khiếm khuyết sẽ đi về đâu trong cuộc sống này. Chính vì thế, lớp học của chàng Trung úy Lê Hoàn như là một sự sẻ chia, một niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.