Lớp học đặc biệt ở bản Tả Phìn của thầy Peter

GD&TĐ - Nhiều năm qua, căn phòng nhỏ đơn sơ ở góc phố Sa Pa và bản làng Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) luôn rộn rã tiếng cười, tiếng đọc bài của trẻ. Đó là lớp học tiếng Anh đặc biệt của hơn 70 em học sinh nghèo do thầy giáo Tạ Văn Thương (tên thường gọi là Peter) mở ra với hy vọng giúp học sinh xã vùng cao mang ước mơ đi xa hơn.

Thầy giáo Tạ Văn Thương (bên trái) cùng GV và HS.	Ảnh:Nhân vật cung cấp
Thầy giáo Tạ Văn Thương (bên trái) cùng GV và HS. Ảnh:Nhân vật cung cấp

“Tôi bị bỏ bùa ở Sa Pa!”

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương, chuyên ngành Xã hội học, sau đó đi du học Singapore, anh Thương trở về nước và làm cho một tổ chức phi Chính phủ về giáo dục. 8 năm rời xa Hà Nội lên Sa Pa dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, trong anh, tình yêu Hà Nội luôn tha thiết và khắc khoải. Nhưng có lẽ, duyên trời đã gắn bó anh với mảnh đất Sa Pa. 

Mùa đông năm 2006, lần đầu tiên đặt chân đến Sa Pa, anh vô cùng choáng ngợp với cảnh núi non hùng vĩ. Bản làng yên ả, ruộng lúa bậc thang đẹp mê hồn, phố núi Sa Pa bồng bềnh trong sương mờ... Buổi tối đi dạo quanh nhà thờ Sa Pa, anh bắt gặp nhiều em bé dân tộc Mông lem luốc, lang thang bán hàng vỉa hè, giơ tay xin ăn, xin tiền… Các bé nói chuyện tiếng dân tộc Mông với nhau và mời anh mua đồ. Không hiểu tiếng Mông, Peter hỏi các em có nói được tiếng Việt hoặc tiếng Anh không? Các em trả lời “có nhưng ít lắm, vài ba câu chút xíu thôi” và em dùng tay ra hiệu.

“Lúc đó trong lòng tôi cảm thấy cuộn một nỗi niềm thương cảm. Tôi lóe ra ý tưởng, Sa Pa là thiên đường du lịch quốc tế, quốc nội… Nếu các em được đến trường lớp học văn hóa, học tiếng Anh thì nhất định các em sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Các em sẽ dễ dàng kiếm được việc làm ở nhà hàng, khách sạn, không phải đi bán hàng rong, không phải ngủ ngoài trời vỉa hè nữa…”, Peter chia sẻ.

Anh ấp ủ trong lòng, nếu có cơ hội nhất định sẽ quay lại Sa Pa và mở một lớp học Tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo.

Mãi đến năm 2010, Peter mới có đủ duyên quay trở lại Sa Pa và thực hiện ước nguyện của mình. “Âu cũng là cái duyên, cái phận và có lẽ từ kiếp trước cá nhân tôi đã “nợ Sa Pa” chăng? Gia đình, anh chị và bạn bè tôi nói rằng; “Tôi bị bỏ bùa ở Sa Pa”…! Tôi cười trả lời họ: “Ừ, tôi được bỏ bùa ở Sa Pa mới đúng!”, thầy Peter trải lòng.

Lớp học “đặc biệt”

Vạn sự khởi đầu, lớp học Tiếng Anh miễn phí những ngày đầu khai giảng chỉ có vài em. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhiều phụ huynh trên địa bàn biết đến đã cho con theo học.

Lớp học ban đầu là một quán cafe nhỏ nằm dưới chân núi Hàm Rồng thiếu thốn đủ thứ như: bàn ghế, sách vở, dụng cụ dạy và học. Các em nhỏ đến lớp đa phần là trẻ em nghèo lang thang hè phố, ở trong bản sâu, khuyết bố mẹ, thiếu quần áo, đồ ăn, nước uống…

Để có chút kinh phí duy trì lớp học và mua sách vở cho các bé, ban ngày thầy Peter dạy các bé học tiếng Anh, tối bầy bán cà phê, trà đá vỉa hè. Đây cũng là nơi thu hút và tập hợp lũ trẻ. Các em đến với quán, được uống nước, xem ti vi thoải mái. Thậm chí, thầy Peter còn để lại đó đồ ăn. Khi các em đói có thể tự tìm đến và học tiếng Anh để giúp các em bán hàng tốt hơn. Lớp học của thầy đã hình thành như thế từ trái tim nhân hậu và yêu thương với trẻ em nghèo.

Lớp học ngày càng được nhiều người biết đến. Từ năm 2014, lớp học chuyển về Tả Phìn và được đặt tên là “Free English Class - Sa Pa Hope School”.  Tại đây có một nhà kho chứa mì tôm, dụng cụ dạy - học và một lớp học tạm được dựng lên bằng mấy cọc tre, trong lớp kê chừng chục chiếc bàn học. Thiếu thốn là vậy, nhưng bọn trẻ coi đây như ngôi trường thứ hai, muốn đến ngay cả những ngày không phải học chữ. 

Hiện nay, lớp học có khoảng 70 học sinh chia làm 3 level: Level 1: 27 em (độ tuổi từ 6 - 9 tuổi) - học A, B, C... tiếng Anh qua hình ảnh đồ vật; Level 2: 23 em (độ tuổi từ 9 - 12) - học Tiếng Anh giao tiếp cơ bản; Level 3: 20 em (độ tuổi 12 - 17 tuổi) - học Tiếng Anh nâng cao về homestay, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng, khách sạn…

Không chỉ dạy học miễn phí cho các em, thầy Peter còn kêu gọi và mời các thầy cô giáo thiện nguyện quốc tế qua các tổ chức thiện nguyện cùng tham gia. Người đi trước nối kết cho người đi sau, các thầy cô giáo thiện nguyện quốc tế đến du lịch Sa Pa đã đem đến cho lớp học nhiều điều thú vị, bổ ích.

Hiện nhiều em đã trưởng thành và có công việc ổn định từ lớp học của thầy Peter. Có em làm lễ tân khách sạn, có em mở cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nhiều em may mắn nhận được những suất học bổng mơ ước, được sang nước ngoài học tập. Nhưng dường như dù ở đâu, trong tim những đứa trẻ ấy luôn dành một khoảng lớn tình yêu cho người thầy của mình - Peter Thương.

Trải lòng về những dự định của mình, thầy Peter chỉ đau đáu một tình yêu cho lũ trẻ người Dao, người Mông nghèo đang phải vất vả tự mưu sinh ở mảnh đất Sa Pa. “Ước mong của tôi là có 1 ngôi trường bé bé vừa đủ cơ sở vật chất cơ bản như phòng học, phòng ăn, thư viện sách, phòng lưu trú cho các em mồ côi/cơ nhỡ, các em ở bản xa. Mơ ước có phòng lưu trú cho các thầy cô giáo thiện nguyện quốc tế đến ở và dạy học cho các bé… Mong ước ngôi trường Sa Pa Hope là mái ấm yêu thương của thầy cô và học trò sinh sống, luyện nét chữ, rèn nết người, học tập tốt, lao động tốt góp phần xây dựng quê hương”, thầy Peter chia sẻ.

Mong ước của thầy Peter là nhà nhà, người   người dân tộc Mông, đặc biệt là các bé, thế hệ trẻ nói được tiếng Anh để xây dựng bản làng phát triển       homestay, du lịch Sa Pa, phát kinh tế gia đình. Nếu quốc đảo Singapore có “sing English” thì Sa Pa sẽ có “mông English”. Đây cũng chính là lý do mà suốt 8 năm qua thầy Peter miệt mài bền bỉ duy trì lớp Tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.