Nhân 90 năm phong trào Thơ mới (1932-2022): Thi sĩ Lưu Kỳ Linh gửi sự vi diệu vào những vần thơ xưa

GD&TĐ - Lưu Kỳ Linh (1907-1974), chính tên là Lưu Trọng Lai, quê sinh ở làng Cao Lao Hạ (nay thuộc xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cha ông là Lưu Trọng Kiến, hiệu Lưu Kỳ Sơn, thi đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Tri huyện. Sau nhân việc tang mẹ, ông xin về ở ẩn.

Tác phẩm của ông có Kỳ Sơn thi tập. Lưu Kỳ Linh là anh ruột thi sĩ Lưu Trọng Lư. Lúc nhỏ từng học trường Đồng Hới, sau vào Trường Quốc học Huế (đến năm thứ ba). Đương thời Thơ mới 1932-1945, Lưu Kỳ Linh in thơ không nhiều, chủ yếu đăng trên Phụ nữ tân văn, Hà Nội báo, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ Bảy…

Vào chặng đầu phong trào Thơ mới, Lưu Kỳ Linh có cộng tác với Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn bằng chùm ba bài: Qua Văn Miếu cảm tác, Người dân quê than cùng vợ, Phận tiều (số 246, ra ngày 14-6-1934, tr.16).

Cả ba bài thơ đều in đậm tính hiện thực, bày tỏ nỗi bất bình của người dân quê, người tiều phu nghèo khổ, kể cả thái độ phê phán những đáng bậc thủ cựu nơi cửa Khổng sân Trình. Đến nay vẫn chưa thấy ba bài thơ xuất hiện trong các sưu tập văn bản thơ Lưu Kỳ Linh.

Do in thơ không nhiều và chưa xuất bản thành tập nên thơ Lưu Kỳ Linh chưa được bàn nhiều. Riêng hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu khái quát Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, 1942) có ý nhấn mạnh vị thế Lưu Kỳ Linh trong dòng thơ Đường truyền thống: “Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba. Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang.

Ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan (trong tập Xa xa), Thâm Tâm, hoặc nó kín đáo tinh vi hơn, hoặc nó rắn rỏi chắc chắn hơn, nhưng cũng nghèo hơn”...

Khi đi vào trực diện phác họa chân dung Lưu Kỳ Linh, hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển in ba bài thơ: Đợi chờ, Cành hoa thu muộn, Con bướm trắng (ngang bằng số bài của Lan Sơn, Thu Hồng, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật).

Hai nhà phê bình nhấn mạnh vẻ bình dị, mộc mạc và sâu lắng đã làm nên nét riêng của thơ Lưu Kỳ Linh trong bối cảnh đời sống thi ca sôi động đương thời: “Lưu Kỳ Linh là anh ruột Lưu Trọng Lư. Nhưng thơ em nhiều người biết mà thơ anh ít ai hay. Kể cũng đáng tiếc. Thơ Lưu Kỳ Linh tuy mới nhưng đôi bài có cái nhẹ nhàng, cái kín đáo, cái vi diệu của những vần thơ xưa.

Nó không huy hoàng, lộng lẫy. Trong vườn thơ nó chỉ là những bông hoa màu nhạt, hương thanh, e lệ nở trong một góc tường. Nhưng ai dám bảo là những bông hoa không quý?”…

Phần tuyển thơ có ba bài, xếp đồng hạng với Lan Sơn, Thu Hồng, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật. Bài thứ nhất nhan đề Đợi chờ:

Đêm xuân mộng chửa về thăm,

Cửa lòng rộng mở, em nằm nghe sương.

Tỉ tê gọi gió lên đường,

Nghe trăng âu yếm dỗ hương trên cành.

Gà vô ý giục tàn canh,

Cửa lòng vội khép cho tình ngủ thôi.

Bài thứ hai nhan đề Cành hoa thu muộn:

Muộn màng thu nở một cành hoa,

Còn một chiều nay hoa với ta.

Muốn tặng người yêu, không nỡ hái,

Bóng vàng như đã rụng non xa…

Kèm theo nhan đề bài thơ này còn có chú thích của Hoài Thanh - Hoài Chân ghi lại lời bình của chính thi sĩ Lưu Kỳ Linh trong một bức thư gửi hai ông: “Tất cả tình tứ của tôi đối với thu đều ngững đọng lại, sắc đặc lại ở bốn câu đó.

Với người yêu, ai có tiếc gì: Người ta có thể ném cả kho tàng châu ngọc như không. Thế mà một cành hoa thu muộn, tôi không nỡ… Anh để ý chỗ không liên lạc giữa hai câu thơ 3, 4”.

Bài thứ ba nhan đề Con bướm trắng (có thêm hai câu thơ đề từ: Bướm kia ai biết là thi sĩ/ Kiếp trước đa tình lại hóa thân - L.K.L):

Vừng hồng phun ánh hồng tươi,

Cả một vườn xuân loáng nét cười.

E lệ cánh trà so cánh huệ,

Hương lan thầm kín mỉa hương mai.

Những loài hoa mới bỗng xôn xao:

Con bướm lang thang đâu… lạc vào.

Phơ phất dịu dàng đôi quạt trắng,

Đu cành thấp chán nhún cành cao.

Xem xét trên phương diện văn bản, chúng tôi thấy bài thơ này từng được Lưu Kỳ Linh cho đăng trên Tạp chí Tao đàn (số 2, ra ngày 16-3-1939, tr.183), phần đề từ chỉ có ba chữ “Tặng em Lư” nhưng đến hai câu dẫn trong Thi nhân Việt Nam thực chất lại là hai câu kết của bài thơ.

Nói cách khác, bài thơ Con bướm trắng được tuyển in trong Thi nhân Việt Nam mới là phần trích gồm 8 câu (chia thành hai khổ) trong một bài thơ có tổng cộng 14 câu thơ liền mạch, đồng thời trong đó có một số chữ đã được thêm bớt, chỉnh sửa lại. Xin dẫn nguyên văn bài thơ in trên tạp chí Tao đàn để bạn đọc tiện tham khảo, so sánh.

CON BƯỚM TRẮNG

Tặng em Lư

Vừng hồng phun ánh hồng tươi,

Khắp cả vườn xuân hé miệng cười.

Kiêu hãnh, cánh đào khen cánh huệ,

Hương lan thầm kín mỉa hương mai.

Những loài hoa mới bỗng xôn xao:

Con bướm lang thang đâu… lạc vào.

Phơ phất nhẹ nhàng đôi quạt trắng,

Đu cành thấp chán, nhún cành cao.

Bao nhiêu thơm đẹp của hoa xuân,

Hầu đã ôm ghì ở dưới chân.

Tuy thế mà chưa nguôi khát vọng,

Lửng lơ lơ lửng dạo xa gần…

Bướm kia, ai biết là thi sĩ?

Kiếp trước đa tình lại hóa thân.

Cùng trong số tạp chí Tao đàn nói trên, người em Lưu Trọng Lư cũng có bài thơ Cầu nguyện ước và chính Lưu Kỳ Linh (chỉ ký hai chữ KỲ LINH) còn có bài thơ tứ tuyệt Quỳnh nở: Trong ấy… thì thầm một suối mơ/ Nhanh tay, ta vốc ít nhiều thơ/ Khuya đây, hoa đã về tiên giới/ Trơ lại bên thềm cái xác xơ…

Nhân đây chúng tôi giới thiệu toàn văn bài thơ Khúc tần tranh mới của Lưu Kỳ Linh mới sưu tầm trên Tiểu thuyết thứ Bảy (số 434, ra ngày 10-10-1942, tr.20).

KHÚC TẦN TRANH MỚI

Gió xoay chiều lại ngàn xưa,

“Tần tranh” nối bộ gửi Từ An trinh.

K.L.

Nửa bóng đèn xanh,

Canh ba canh.

Một nàng với một chiếc tần tranh.

Thao thức nước non chờ,

Vườn bên trăng đã nở.

Lắng cả một lòng thơ,

Ôi! Sao còn bỡ ngỡ?

Dịu dàng, ngón tay dịu dàng,

Trên giày đẹp múa Nghê Thường…

đẹp xưa!

Nhần hườn gợn ánh trăng mơ…

Hình tha thướt liễu, dáng lờ lững mây.

Khi mau khi chậm,

Ngọn khói trầm xây.

Khi lên khi xuống,

Cánh phượng hoàng bay…

Lành lạnh chén vàng điệu ngọc tan,

Thanh thanh tỏa phất mùi hương lan.

Phải chăng ly biệt ngày mai nhỉ?

Uống mãi cho đêm chẳng thấy tàn.

Say ta say rồi,

Thôi, đừng đi thôi!

Nhau cùng nhau,

Sầu vương sầu.

Canh sang canh,

Mơ đèn xanh.

Hà Nội, 2012 - tháng 4.2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.