Khắp nơi vẽ tranh tường
Nhiều người cho rằng, phong trào trang trí lên những bức tường ở Hà Nội bắt đầu từ năm 2010 với con đường gốm sứ ven sông Hồng.
Thực tế không hẳn vậy. Lần giở lại lịch sử có thể thấy, người vẽ tranh tường đầu tiên tại Việt Nam là họa sĩ Victor Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người thầy của rất nhiều danh họa nước ta.
Trên bức tường có diện tích gần 80m2 tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội), họa sĩ Victor Tardieu đã vẽ một bức tranh sinh động về cảnh sinh hoạt ở Hà Nội, thể hiện sự kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn minh phương Tây, ở giữa là những biểu tượng tôn thờ sự giáo dục, tiến bộ của cả phương Đông và phương Tây.
Bức tranh được thực hiện từ năm 1921 đến 1928, tuy không còn nhưng phác thảo nguyên gốc hiện vẫn được lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội.
Năm 2006, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Đại học Tổng hợp), bức tranh tường của họa sĩ Victor Tardieu đã được các họa sĩ Việt Nam phục dựng. Tuy nhiên, đây là bức vẽ trong nhà.
Còn với những bức tường trên phố, người Hà Nội bắt đầu quen với hình thức trang trí bằng khẩu hiệu, hình vẽ cổ động bắt đầu từ cuối những năm chống Pháp, nở rộ trong thời kỳ chống Mỹ và vẫn còn được ưa chuộng đến những năm 80 của thế kỷ trước.
Thời điểm đó, nhiều bức tranh cổ động cùng những câu vè đã được vẽ lại trên tường, truyền tải những thông điệp trực quan, ấn tượng, dễ hiểu, dễ nhớ về công cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như cổ động cho nếp sống mới…
Bước ngoặt trong việc trang trí tường phố ở Hà Nội chính là công trình con đường gốm sứ được xây dựng nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dài gần 4 km từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Tân Ấp với tổng diện tích lên tới 6.500m2, con đường gốm sứ đã được kỷ lục Guinness ghi danh là “bức tranh gốm lớn nhất thế giới”.
Năm 2016, hơn 100 ngôi nhà thuộc xã Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam đã được các nghệ sĩ Hàn Quốc biến hóa bằng hình thức dùng màu vẽ để tạo những bức tranh 2D, 3D sinh động trên tường. Việc này đã tạo ra một cơn sốt khiến phong trào bích họa lan rộng ở phạm vi cả nước.
Cuối năm 2017, dự án phố bích họa Phùng Hưng được triển khai. Cùng với đó, phong trào bích họa đã len lỏi vào từng con đường, ngõ phố Hà Nội. Những tác phẩm quy mô có thể kể đến: 40 bức tranh với tổng chiều dài 300m trên phố Hồ Tùng Mậu, 28 bức tranh được vẽ ở bức tường bao quanh Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), 30 bức tranh 3D được vẽ tại Khu tập thể Phụ nữ Trung ương (Đống Đa, Hà Nội), bức tranh tường với chủ đề Hà Nội bốn mùa hoa dàihơn 40m, cao 2,2 m nằm trên đường Phó Đức Chính…
Ngoài ra, ở hầu hết những con ngõ, khu dân cư hiện nay, người ta đều dễ dàng thấy các bức họa trang trí nhiều màu sắc. Từ nội đô, phong trào vẽ tranh tường lan đến các vùng ven với những bức bích họa dài hàng trăm mét dọc theo đường làng.
Thích gì vẽ nấy?
Dễ nhận thấy bích họa hiện nay được làm tự phát. Ở nhiều ngõ phố, một số hộ dân ban đầu nảy ra ý tưởng vẽ trang trí mặt tường phía ngoài nhà chỉ để tránh những người dán tờ rơi, để rác hay bôi bẩn lên đó mà dần dần trở thành… ngõ bích họa.
Chính vì thế, nhiều bức tranh được trang trí cầu kỳ nhưng lại không ăn nhập gì với xung quanh.
Chẳng hạn giữa lối vào khu tập thể cũ ở Đống Đa bỗng xuất hiện một… con rồng xanh. Giữa chật chội những cột điện ở ngõ phố Khương Thượng là bức tranh nhà cũ nhiều gam tối đứng lạc lõng. Hay lối vào một ngõ rất nhỏ ở khu Hồ Tây là bức tranh tường cỡ lớn, cao tới 5m mà muốn xem được phải rất mỏi cổ…
Chất lượng mỹ thuật của các tác phẩm cũng muôn màu, muôn vẻ. Người ta vẽ đủ thứ: Từ chim, hoa, cá, phong cảnh, cổng làng, bờ ao, giếng nước, tháp rùa, tranh cổ động tuyên truyền bảo vệ môi trường hay sinh đẻ có kế hoạch, chép cả thơ ca hò vè… khiến nhiều bức tường dường như bị bôi bẩn bằng những nét vẽ ngô nghê.
Ngay cả những tác phẩm được công chúng thích thú thì giới hội họa vẫn có những tranh luận trái chiều. Chẳng hạn, phố bích họa Phan Đình Phùng được nhiều bạn trẻ thích thú nhưng có ý kiến cho rằng, các bức vẽ này làm ảnh hưởng vẻ thanh lịch, trầm mặc của con phố, không phù hợp với các di tích xung quanh…
Cần có sự quản lý
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Sự nở rộ của phong trào bích họa gần đây khiến một số nơi người ta cứ thấy tường là vẽ. Khi đó thay vì làm đẹp sẽ “kéo lùi thị hiếu”, “ô nhiễm thị giác” với cộng đồng.
Quan điểm này của ông được giới họa sĩ, kiến trúc sư đồng tình, nhất là đặt trong bối cảnh một thành phố có bề dày hàng nghìn năm lịch sử, có nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa như Hà Nội.
Thị hiếu thẩm mỹ của công chúng Hà Nội cũng có mặt bằng khá cao. Đôi khi chỉ là việc sơn lại tường của Văn Miếu, sơn lại Nhà hát Lớn… cũng gây ra trong công chúng nhiều tranh luận. Bởi vậy, theo họa sĩ Trần Khánh Chương việc ai vẽ tranh gì, đặt tranh vào đâu phải hết sức thận trọng, rất cần sự quy hoạch, quản lý chứ không thể thả nổi.
Do dự án bích họa nhỏ hơn tại các đường phố được thực hiện theo đơn đặt hàng của chính quyền địa phương. Còn lại, phần lớn thực hiện theo kiểu tự phát do tập thể ngõ, xóm, thậm chí có nơi chỉ do cá nhân tự vẽ. Chính điều này đã tạo nên bất cập trong quản lý về mặt chất lượng các bức tranh tường.
Do vậy, theo các họa sĩ, kiến trúc sư, đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc, chấn chỉnh lại phong trào bích họa, để thành phố thực sự được làm đẹp một cách đúng nghĩa.