* Trả lời:
Nhai khi ăn không chỉ làm nhỏ thức ăn mà còn kích thích sự bài tiết nước bọt ở miệng (chứa men ptyalin, có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose), dịch vị ở dạ dày (chứa men pepsin, có tác dụng tiêu hóa chất đạm). Bình thường, hai hàm răng vận động có tính đối xứng để răng trên và răng dưới phối hợp nghiền nát thức ăn.
Tuy nhiên, rất nhiều người do thói quen hoặc có thể vì một bên hàm răng bị khuyết, bị sâu do khe răng rộng,... nên chỉ nhai một bên (nhai lệch). Trong quá trình nhai lệch khiến cơ quai hàm chỉ phát triển một bên.
Cơ quai hàm bên kia co lại, nếu nhai lệch một thời gian dài bộ mặt có thể bị lệch mặt, nghiêm trọng hơn có thể lệch cả sống mũi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Đối với trường hợp răng hàm bên nhai nhiều nên phải làm việc nặng hơn, trong một thời gian dài mặt răng bị mài mòn nhiều hơn khiến men răng nhanh hỏng, viêm tủy răng.
Ngược lại hàm bên kia do vận động ít nên tổ chức chung quanh răng mỏng và yếu, dễ tích cặn răng, gây sâu hoặc viêm răng. Đối với trường hợp của con bạn, do mới tập ăn nên không đáng ngại, nếu do thói quen cần giúp bé sửa chữa.
Tuy nhiên, tình trạng kéo dài hoặc do một bên hàm thiếu răng, răng sâu hoặc có khuyết tật,... cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt khám và có hướng điều trị sớm.