Tối 27/6, tại tang lễ Giáo sư Trần Văn Khê ở ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TPHCM) quan khách chứng kiến khoảnh khắc xúc động về tình bạn đẹp giữa cố giáo sư và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.
Khi biết môn sinh của Giáo sư Khê là anh Hồ Nhựt Quang thực hiện buổi đọc văn tế theo nghi thức Nam Bộ xưa, nhạc sư bày tỏ mong muốn đến tham gia và hòa đàn.
Lời đề nghị của bậc thầy đàn tranh 98 tuổi khiến mọi người vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là được xem như là lần hòa đàn cuối cùng của Vĩnh Bảo bên người bạn tri âm. Nhưng ai cũng lo tuổi cao sức yếu sẽ khiến ông không thực hiện được ước nguyện.
Đúng lời hẹn, vị nhạc sư xuất hiện trong bộ bà ba giản dị. Ông chậm rãi đi vào căn phòng khách, nơi từng nhiều lần ngồi hòa đàn với Giáo sư Khê, nay lại là chỗ đặt linh cữu của bạn mình.
Khi Vĩnh Bảo ngồi vào chiếc đàn tranh đặt bên cạnh linh cữu, hơn 100 quan khách có mặt ở phòng viếng tang không ai bảo ai, người đứng, người ngồi bệt xuống đất quây thành vòng tròn xung quanh vị nhạc sư, im lặng chờ nghe ông đàn.
Hướng mái đầu bạc phơ, ánh mắt rưng rưng rồi rơi giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi già, ông nhìn về di ảnh Giáo sư Khê đang mỉm cười bên cạnh một hồi lâu và nói:
"Giờ tôi sẽ đàn một đoạn tùy hứng để tặng cho bạn thân Trần Văn Khê. Chắc có lẽ là từ nay trở đi tiếng đàn của Vĩnh Bảo không còn ở trước nụ cười của bạn Khê nữa rồi".
Dứt lời, ông nhấn đôi bàn tay gầy guộc lên dây đàn. Từng tiếng nhạc thanh thoát, réo rắt, nỉ non cất lên quyện hòa vào làn khói hương tỏa khắp gian phòng.
Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê từng bày tỏ, nghe tiếng đàn của Vĩnh Bảo, ông cảm nhận được sự trẻ trung bất chấp tuổi tác. Giáo sư Khê chỉ muốn hôn lên mười ngón tay của bạn mình - người đã tạo nên những giai điệu cổ nhạc tuyệt vời.
Danh ca Bạch Yến và Giáo sư Quang Hải không kìm được xúc động khi nghe tiếng đàn tri âm của Nguyễn Vĩnh Bảo dành cho cha mình. |
Sau đoạn nhạc tùy hứng, Vĩnh Bảo buông tay thõng trên dây đàn, yên lặng rất lâu như muốn chia sẻ điều gì nhưng không nên lời. Nhìn khoảnh khắc này, trong đám đông khán giả có tiếng khóc sụt sùi.
Danh ca Bạch Yến và chồng chị - Giáo sư Trần Quang Hải (con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê) bật khóc. Bạch Yến ôm vị nhạc sư cao niên, khe khẽ nói lời cám ơn ông.
Đến khi vượt qua được khoảnh khắc xúc động, ông tiếp tục chơi chiếc đàn gáo, đàn sến được chuẩn bị sẵn. Đây đều là những đoạn nhạc ông ngẫu hứng ứng tác ứng tấu dành cho bạn.
"Thầy Vĩnh Bảo với cha tôi như Bá Nha - Tử Kỳ. Tiếng đàn của bác, cha tôi hiểu rất rõ. Tình bạn đã giúp bác vượt qua tuổi tác, sức khỏe để có mặt hôm nay.
Sự có mặt của thầy Vĩnh Bảo là vinh dự, là giây phút quý báu nhất trong cuộc đời của chúng tôi. Tiếng đàn của bác là tiếng nói dành cho cha tôi trong giây phút cuối cùng" - GS Hải vừa khóc vừa nói.
Diễm Tiên (trái) - cháu ngoại GS Khê - hát "Lý con sáo" để tặng ông. |
Theo kế hoạch ban đầu, phần đọc văn tế và phần đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo chỉ trong khoảng 30 phút. Tuy vậy, tinh thần của vị nhạc sư 98 tuổi truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mọi người.
Ngay sau lời tri ân của Giáo sư Hải, một cách tự nhiên, đêm viếng tang trở thành đêm biểu diễn âm nhạc cổ truyền. Nhạc sư Vĩnh Bảo tiếp tục ngồi lại để hòa đàn kìm, nghệ sĩ Hải Phượng chơi đàn tranh, nhạc sĩ Nhất Dũng chủ trì dàn nhạc lễ gồm trống, kèn phụ họa.
Chị Diễm Tiên, cháu ngoại của Giáo sư Khê vừa từ Mỹ trở về, xin được đóng góp cho chương trình bài dân ca Lý con sáo. Diễm Tiên không đi theo con đường âm nhạc truyền thống của gia đình nhưng chị là một trong số những người thân có thời gian gần gũi với Giáo sư Khê nhất.
Cách hát nhấn nhá và nhả chữ trầm buồn của chị qua điệu lý như lời khóc ông của đứa cháu xa quê hương, chỉ kịp quay về tiễn ông lần cuối. Bà Xuân Lan - cựu nghệ sĩ của đoàn cải lương Thanh Minh -Thanh Nga ngày xưa, cùng các nghệ sĩ Lê Phước, đạo diễn Tấn Phát, nghệ sĩ cải lương Chí Tâm (vừa từ Mỹ trở về)... mỗi người góp vài câu giọng cổ.
Bà Xuân Lan trình bày bản vọng cổ mang tên Tiếng hò gửi tặng thầy Khê (Hồ Nhựt Quang sáng tác). Khi bà cất giọng: "Hò ơi ai về Bà Chiểu lăng Ông, ghé thăm gia thất thầy Trần Văn Khê. Để nghe quá khứ quay về. Thương hồn xứ sở, hò ơi, thương hồn xứ sở đam mê nhạc tuồng...", khán giả đồng loạt vỗ tay tán thưởng.
Còn nghệ sĩ Chí Tâm nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người khi ông khép lại bài vọng cổ tự sáng tác mang tên Tiếng hát đầu nôi bằng câu: "...ở nơi đâu còn cải lương còn người nghe vọng cổ thì nơi đó còn dân tộc Việt Nam".
Tối 27/6, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - đến thắp hương, chia buồn với gia đình Giáo sư Trần Văn Khê. |
Chương trình ngẫu hứng kéo dài gần hai giờ đồng hồ, càng về cuối càng hào hứng. Phút chốc, mọi người tưởng như Giáo sư Khê vẫn còn hiện diện trong gian phòng khách quen thuộc để cất tiếng đàn, cất giọng nói trầm hùng, hào sảng của ông bình luận về tiếng đàn Vĩnh Bảo, nói về điệu cải lương, điệu hát ru con ba miền, về điệu ca trù, trống chầu...
Vài ngày trước khi cấp cứu phải nằm viện một thời gian rồi qua đời, Giáo sư Khê có buổi giao lưu âm nhạc cổ truyền cuối cùng tại nhà với chủ đề "Lịch sử cải lương Nam Bộ xưa".
Trong đêm đó, khi chia tay mọi người, ông bảo: "Niềm vui của ngày hôm nay giúp tôi sống thêm năm ngày nữa". Nhớ lại lời nói này của Giáo sư Khê, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bày tỏ: "Sự có mặt hòa đàn của thầy Vĩnh Bảo và nhiều người hôm nay tại lễ tang của Giáo sư là minh chứng cho thấy thầy Khê sẽ sống mãi mãi với mọi người, ở trong lòng mọi người".