Nhạc sĩ - cựu chiến binh Khánh Vinh tích cực đưa âm nhạc vào trường học

GD&TĐ - Nhạc sĩ cựu chiến binh Khánh Vinh (Nguyễn Khánh Vinh) sở hữu nhiều giải thưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Khánh Vinh tập Akido.
Nhạc sĩ Khánh Vinh tập Akido.

Ông từng đạt giải Nhất Cuộc thi viết cho tuổi hồng 1992 (bài “Tia nắng hạt mưa”); giải Nhất, giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2008 với ca cảnh “Cổ tích viết trên cát”; giải Nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức 2011 với “Lời ru”; giải Nhất (hạng A), giải thường niên của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM (2017) với bài Acappella ngợi ca TPHCM…

Cây đàn chiến lợi phẩm

Ngày 30/4/1975, Khánh Vinh cùng đồng đội đánh chiếm Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Ông còn nhớ như in chuyện ngày ấy: “Chiều 29/4 Trung đoàn 24 của tôi đã áp sát Sài Gòn. Nằm ở những rặng cây trên cánh đồng Long An nhìn vào vùng Sài Gòn thấy máy bay trực thăng bay lòng vòng loạn xạ, chúng tôi biết là Sài Gòn đã trong tầm tay.

Rạng sáng 30/4, đơn vị với nhiều mũi xung kích, tiến đánh cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y, địch chống cự yếu ớt rồi tháo chạy. Trưa 30/4 chúng tôi đã tiến được vào Tổng nha cảnh sát ngụy.

Khung cảnh ngổn ngang, đồ lính nguỵ vứt bừa ngoài đường, ở những chỗ trống, khuất, rác chiến bại chất thành đống… Chúng tôi cùng vài đơn vị khác tiếp quản Tổng nha trong khung cảnh đồn lũy này rất lộn xộn… Nhưng thật bất ngờ! Tôi “đột nhập” câu lạc bộ chất đầy nhạc cụ.

Tôi choáng ngợp trước kho tàng âm nhạc hoành tráng này, vớ ngay 1 cây ghi-ta còn mới cáu trong hộp và thế là mặc kệ tất cả sự lộn xộn, chiều đó tôi kiếm một góc phòng ngồi ôm đàn và viết “Cánh Hướng Nam”, phổ bài thơ của đồng đội, anh Trần Mạnh Phú: “Chúng tôi đi, như mũi mác /Về thành đô với ước mơ thắm sắc cờ...”.

Ngay ngày hôm sau, chúng tôi được chuyển sang bên kia cầu Chữ Y và ca khúc “Cánh Hướng Nam” được anh em tập với nhau, hát vang trong những ngôi nhà dân Sài Gòn mà chúng tôi tạm trú vài ngày, trước khi được điều về Gò Công, trấn giữ vùng biển miền Tây Nam Bộ.

Xin nói thêm về cây đàn chiến lợi phẩm kia. Bộ đội ta quân kỉ rất nghiêm, chiến lợi phẩm dù là cái kim sợi chỉ cũng phải bàn giao. Vài ngày sau 30 tháng Tư, đơn vị báo động hành quân đột xuất.

Toàn trung đoàn tập trung ở một khu đất trống và quân trang quân dụng của tất cả được khám xét. Bất cứ ai giấu giếm gì lấy trong cứ địch đều bị thu lại. Rất hay là cây đàn ghi-ta chiến lợi phẩm tôi đang cầm trên tay thì được cầm mãi cho tới ngày ra quân mới phải bàn giao!

Anh bộ đội Khánh Vinh choáng ngợp trước kho tàng nhạc cụ là có lí do. Sinh 1954, lúc đất nước chia cắt, gánh nặng chiến tranh đè lên vai, khiến cậu bé Khánh Vinh - người làng nghề, làng nghệ thuật Sơn Đồng, tỉnh Hà Tây, chuyên sơn mài mỹ nghệ và khắc gỗ tượng Phật - dù rất yêu âm nhạc, muốn học nhạc để hát lại, ghi lại những làn điệu chèo mẹ dạy mà cũng không thể lên tỉnh ghi tên. Khánh Vinh tự làm sáo trúc, làm đàn bầu để chơi nhạc! Học hết phổ thông, anh trở thành người lính, chứ không thành một nhạc sinh.

Khánh Vinh chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ từ năm 1973. Chính nhịp điệu chiến trường, với cao trào bom đạn, là vốn sống, thôi thúc để người lính có trái tim nghệ sĩ ấy sáng tác bài “Hành khúc đoàn Trung Dũng” tức Trung đoàn 24, đơn vị anh hùng mà Khánh Vinh là thành viên.

Chính những ca khúc viết tại trận ngày ấy giúp Khánh Vinh thành người lính văn nghệ, để sau 1975, cởi áo lính, học ngữ văn tại Đại học Cần Thơ, học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện TPHCM, thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Dẫu thời bình vẫn luôn ở chốt tiền tiêu âm nhạc

Trong phòng thu âm.

Trong phòng thu âm.

Mang tinh thần cựu chiến binh, ở vị trí Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam ở Cần Thơ, rồi Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam ở TPHCM, với năng lực chuyên môn được đào tạo bài bản, sáng tác của Khánh Vinh luôn đáp ứng những đòi hỏi nóng hổi của cuộc sống thời bình.

Ông viết nhạc cho nhiều ca cảnh thiếu nhi phát trong chương trình “Bông hoa nhỏ”. Nhiều ca cảnh trong số này được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các liên hoan truyền hình toàn quốc. Có thể kể “Thương cây”, “Lời trúc lời tre”, “Vỗ cánh ghe ngo”…

Riêng “Cổ tích viết trên cát” còn được giải Nhất, giải thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2008 và sau đó ca từ bài hát này được đưa vào sách giáo khoa “Bài tập Ngữ văn 7” tập 1 bộ sách “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam.

Khánh Vinh còn là người viết nhạc phim. Ông là tác giả âm nhạc các phim truyền hình “Nàng Hương” (đạo diễn Lê Văn Duy), “Ba lần và một lần” (đạo diễn Trần Vịnh), “Vòng hoa chăm-pây” (đạo diễn Huy Thành), “Hồn biển” (đạo diễn Trần Vịnh)… Ca khúc viết cho phim “Về đất Thăng Long” dài 40 tập, (đạo diễn Trần Ngọc Phong) có hơi nhạc ả đào và lời ca đậm chất thơ:

“Trong xanh trong xanh in mây trời, in bóng núi uy nghi điệp trùng/ Ơ ơ dòng Hoàng Long uốn lượn dáng rồng bay/Ôm ấp quê hương bao đời nay, như tấm gương soi bao thăng trầm ngàn năm/Nghe lao xao tiếng ngàn lau, tiếng gió thổi từ dòng sông/Gió lung lay bóng nguyệt/Nghe đâu đây tiếng gươm khua, tiếng trống trận còn âm vang/ Vút lên trời xanh tiếng sáo diều vi vu, lướt trên luống cày đồng lúa, lướt trên mái tranh nghèo bờ tre... ước mơ thanh bình vút cao”.

Nhạc sĩ Khánh Vinh tham gia tổ chức cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn” ngay từ những kì thi đầu tiên. Ở kì thi mới nhất năm 2022, trong buổi thi cuối cùng của vòng tuyển chọn khu vực phía Nam, khán thính giả cả nước lại được nghe ca khúc mở màn “Sao mai tỏa sáng” do chính ông sáng tác: “Chung một ước mơ chung niềm vui bốn phương sum họp về đây / những lời ca vút bay xa / ánh sao mai vẫy gọi / niềm tin yêu đất nước chắp cánh cho bao lời ca / những tâm hồn yêu thiết tha hát lên đón chào tương lai”.

Đặc biệt người theo dõi cuộc thi này còn nhớ, khi ngồi ghế giám khảo, ông từng dành điểm cao nhất, cao hơn tất cả các giám khảo khác, cho thí sinh Trọng Tấn ngay khi anh mới cất giọng, góp công mở đường thành công cho danh ca trẻ này.

Nhạc Khánh Vinh từ sau 1975 thường là những “ước mơ thanh bình vút cao” như vậy. Nhưng vốn là một người lính, những ám ảnh về cuộc chiến còn mãi trong ông.

Vào năm 2011, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, nhớ lại hình ảnh những bộ xương cây “tạc bia căm thù vào trời xanh căm giận” ở những cánh rừng trụi lá ông đã thấy trên đường hành quân, Khánh Vinh viết ca khúc “Lời ru” (thơ Trương Tuyết Mai) gửi dự thi: “Con có nghe mẹ hát/ru những ngón tay quăn queo/ru những ống xương xiêu vẹo/mà mẹ vẫn hằng thương/mà cha vẫn hằng yêu//Con có nghe mẹ hát/ru những giọt máu không lành/ru những nụ cười như khóc/mà cha con mang về/từ khốc liệt chiến tranh”. Bài hát đoạt giải Nhất. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng nhạc sĩ Khánh Vinh giải thưởng này.

Với tinh thần phục vụ và sức sáng tạo trẻ khỏe như một người lính, dù đã nghỉ hưu, nhạc sĩ Khánh Vinh còn tham gia giảng dạy một số tiết ở trường nghệ thuật quân đội cơ sở 2, mở ở TPHCM.

Tích cực đưa âm nhạc vào trường học

'Tia nắng hạt mưa', 1 trong 50 ca khúc thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ XX.

'Tia nắng hạt mưa', 1 trong 50 ca khúc thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ XX.

Ngày 30/12/2021 tại trụ sở Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật TPHCM, Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức Lễ tổng kết hoạt động trong năm. Tại buổi lễ này, nhạc sĩ Khánh Vinh được trao giải A với tổ khúc “Nơi cánh rừng Vi Vu”.

Lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Chuyện ở rừng Vi Vu” của Như Trân và Thùy Dung, nhạc sĩ Khánh Vinh viết tổ khúc này. Được hỏi: “Có phải ông muốn đưa thiên nhiên vào âm nhạc của mình, muốn bắt đầu làm âm nhạc sinh thái?”, nhạc sĩ cho biết:

- Vâng! Tôi kể chuyện trong rừng kia, con thỏ tai dài gieo hạt cây như gieo tình tiết, cốt truyện, còn con voi thì thu mình tự xử lí các tính huống xuất hiện từ cái mũi quá khổ của mình đặng mà làm việc tốt, cứu nạn, tưới cây… Tôi kể những chuyện vui bằng âm nhạc.

Tôi là một võ sinh Akido theo triết lí của võ phái này, con người là thành phần của thiên nhiên, biết dựa vào thiên thì có thêm sức mạnh, ngược lại đối xử thô bạo với thiên nhiên ta sẽ lãnh đủ bão giông, hạn hán của biến đổi khí hậu.

Tôi muốn nhắn nhủ các em thân thiện với thiên nhiên, chơi đùa với thiên nhiên. Không phải từ tổ khúc này tôi mới viết về thiên nhiên. Trước đây từ nhiều năm, tôi cùng các bạn văn, các đồng sự của mình bằng nhiều ca cảnh truyền hình đã dàn dựng và phát sóng những câu chuyện về cây, về con.

Chúng tôi có ca cảnh “Trang chuột về làng”, “Những con gà đất lượm hạt thóc vang”, “Dắt năm cọp về”… Nhưng đúng là càng ngày mối quan hệ giữa con người và con vật trong các ca cảnh của chúng tôi càng thân ái hơn. “Sinh thái” đang là từ khóa hấp dẫn người nghe âm nhạc.

Tôi chỉ viết đơn giản: “Con cào cào có cái cánh xanh xanh/nó bay rất nhanh từ lùm cây sang bụi cỏ/con cào cào rất thích thể thao/nên mới bay nhanh mới nhảy rất cao” mà có tới 209 triệu lượt người nghe. Tôi cố gắng “bay rất nhanh” vào âm nhạc xanh đang rất cần cho thực tế cuộc sống”!

Mở sách giáo khoa âm nhạc các cấp học, mới hay tầm “phủ sóng” của ca khúc Khánh Vinh vào trường học thật đáng nể. Bài “Ai dậy sớm” khơi gợi lối sống tích cực: “Ai dậy sớm bước ra nhà, cau ra hoa, đang chờ đón/Ai dậy sớm đi ra đồng, cả hừng đông đang chờ đón” (phổ thơ Võ Quảng) được dạy ở lớp 2.

Bài “Vườn Xuân” vinh danh lãnh tụ: “Hãy nhớ ơn người trồng cây người gieo hạt/Hãy chăm cho đất nước mình luôn xanh tươi hoa trái” được dạy ở lớp 5. Bài “Mẹ yêu cô yêu” đề cao mối quan hệ nhà trường với gia đình tới mức, quan hệ ấy tạo ra động lực phát triển liên tục nối ngày vào đêm: “Mặt trời lặn rồi mọc/trên đôi chân lon ton Hai chân trời của con/Là mẹ và cô giáo” được dạy ở lớp 1.

Nhạc sĩ Khánh Vinh còn tìm tới các đại học khi ca khúc “Một chân trời mới” của ông thường được dùng làm bài hát khai mạc, thành nhạc hiệu của cuộc thi người máy Robocon. Ca khúc có đoạn: “…Một chân trời mới đang chờ chúng ta/Chân trời rộng lớn đang vẫy gọi ta/Chân trời khoa học mở ra trước mắt/Gọi niềm mê say, gọi lòng khao khát”.

Trong mối quan hệ giữa giáo dục và âm nhạc, Khánh Vinh không chỉ ngồi đợi những người làm chương trình, làm sách, đưa tác phẩm của mình vào sách giáo khoa, ông còn chủ động đến với học sinh bằng “nhạc sống”.

Ông tham gia viết nhạc cho kịch múa thiếu nhi “Con vịt xấu xí” theo tác phẩm lừng danh của văn hào Đan Mạch Andersen rồi dàn dựng cho thiếu nhi thành phố Cần Thơ và trình chiếu trên VTV.

Cũng trên sóng VTV, ông là người tổ chức, biên tập, khi dàn dựng ca cảnh truyền hình “Khăn đỏ lúa vàng” của thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp. Chính ca sĩ Phương Thảo nổi tiếng đang hát bên Mỹ, khi còn ở tuổi khăn quàng đỏ đã cùng các bạn Đồng Tháp, hát ca cảnh này: “Chưa ráng như cây lúa nước/Mỗi mùa vươn mấy thước cao/Vai lúa chưa mang bông nặng/Đâu biết Tháp Mười bao sâu//Chưa ráng làm con én liệng/Đo dọc đo ngang bầu trời/Không bay khi mùa xuân hết/Nào hay mênh mông Tháp Mười…”.

Mới đây khi sách “Tiếng Việt 3” tập 1 bộ “Chân trời sáng tạo” dùng bài tản văn “Thuyền giấy” của Trương Huỳnh Như Trân làm bài tập đọc, nhạc sĩ Khánh Vinh bằng chính câu chữ của bài tập đọc này viết thành ca khúc “Thuyền giấy” tặng các thầy cô giáo như tặng một giáo cụ trực quan.

Nhạc sĩ Khánh Vinh viết nhiều cho tuổi học sinh và thời gian đã sàng lọc giữ lấy những giai điệu còn mãi. Ngoài những giải nhất đã kể, ca khúc “Tia nắng hạt mưa” (phổ thơ Lệ Bình) còn được khán thính giả cả nước, đưa vào danh sách 50 ca khúc thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 trong cuộc bình chọn do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo của Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Viết tới nhịp cuối bài viết, bạn văn Khánh Vinh của tôi vui mừng đưa cho xem tấm thiệp mời ông ra Hà Nội lãnh giải thưởng Nhà nước mà ông được trao tặng đợt này, tổ chức vào những ngày cuối năm 2022. Xin chúc mừng nhạc sĩ của những bông hoa nhỏ, của những sao mai điểm hẹn trên bầu trời âm nhạc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.