Nhạc sĩ Hồng Đăng – tác giả các ca khúc: Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ… qua đời ở tuổi 86 vào hồi 5 giờ 57 phút sáng 21/3 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Người thầy âm nhạc
Ngày 21/3, bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng - cho biết, từ đầu tháng 3 sức khỏe ông suy yếu do bị suy tim và nhiều bệnh nền. Đến lúc ra đi là sức cùng lực kiệt. Gia đình đang liên hệ với hội nhạc sĩ và các cơ quan đoàn thể để lo liệu hậu sự cho ông.
Nhạc sĩ Phan Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Yên Thành (Nghệ An), là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Những năm 1950, khi còn là học sinh, ông đã sáng tác các ca khúc: Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh... Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông thuộc lứa “nhạc sĩ vàng”, cùng: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát...
Gốc Nghệ An nhưng Hồng Đăng gắn bó cả cuộc đời, từ lúc tuổi trẻ cho tới khi về già ở Hà Nội. Và vì sinh ra trong một gia đình trí thức, theo Tây học chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Pháp, nên ông càng gần gũi với “chất kinh thành lịch lãm”.
Sự nghiệp âm nhạc của Hồng Đăng để lại khoảng 700 tác phẩm. Trong đó có trên 70 tác phẩm âm nhạc cho phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình, như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (trong nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển)... Ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam.
Trong đó, ca khúc “Hoa sữa” được ông viết cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn vào 1978 với sự thể hiện của NSND Lê Dung đã trở thành ca khúc bất hủ và sống mãi trong lòng người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hồng Đăng được đánh giá là người hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ông nổi bật nhất trên cương vị là một thầy giáo – đào tạo được nhiều thế hệ học trò tài năng về lĩnh vực âm nhạc. Trong số đó có Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thuận Yến, Phú Quang...
Năm 2001, ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng Năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, và hợp xướng “Lửa rực cháy”.
Năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, bởi những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô.
Một thời hoa sữa học trò
Trong các ca khúc rất thơ của Hồng Đăng, bài “Hoa sữa” tuy nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội từ những năm 1980, nhưng phải đến hàng chục năm sau mới được biết tới rộng rãi trong công chúng cả nước.
Lúc đó, ca khúc viết về Hà Nội theo đơn đặt hàng của nữ đạo diễn Đức Hoàn cho bộ phim đầu tay bà làm đạo diễn - phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” năm 1978. Lúc ấy, phim quay đã gần xong mà Hồng Đăng vẫn chưa có ý tưởng. Một người bạn đã gợi ý ông viết về hoa sữa - một loài hoa thơm nhưng ít người biết, được trồng nhiều ở phố Nguyễn Du.
Lúc ấy, dù chưa biết hình dáng, hương thơm hoa sữa thế nào nhưng ông bỗng thấy dạt dào cảm xúc, nhanh chóng hoàn thành ca khúc. “Hoa sữa” nói về tình yêu đẹp của đôi trẻ không đến được với nhau, họ trân trọng kỉ niệm mùa thu với mùi hoa sữa.
Nhạc sĩ so sánh nỗi nhớ của người con gái lãng mạn: “Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng. Như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng”. Tình cảm của người con trai cũng vô cùng da diết: “Anh vẫn từng đợi em trên những chặng đường quen, tiếng hát ai xao động, thoáng mùi hoa êm đềm”.
Hoa sữa trở đi trở lại trong bài hát, là chứng nhân tình yêu nhưng đầy hoang hoải: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em”.
Bài hát ngắn, chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 câu nhưng vương vấn lòng người với nỗi buồn man mác: “Có lẽ nào anh lại quên em? Có lẽ nào em lại xa anh?”.
Sinh viên, học sinh thời ấy thích ca từ, giai điệu lãng mạn của “Hoa sữa”, họ truyền nhau chép lại trong những cuốn sổ lưu niệm. Năm 1986, ca sĩ Nhã Phương thu âm nhạc phẩm qua băng cassette. Lúc ấy, chị em Bảo Yến - Nhã Phương đang nổi đình đám, ca khúc nhờ vậy càng nổi tiếng hơn.
Sau này, nhiều nghệ sĩ phía Bắc như Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương... cũng hát lại “Hoa sữa”, phổ biến nhất là bản của Thanh Lam. Mỗi ca sĩ thể hiện với một phong cách, lối cảm nhận mang đến vẻ đẹp riêng. Hồng Nhung trong trẻo, Thanh Lam lại nồng nàn và quyến rũ.
Dù có đến 700 ca khúc, nhưng chỉ cần một bài “Hoa sữa” cũng đủ định vị tên tuổi Hồng Đăng trong số các nhạc sĩ viết hay nhất về Hà Nội.
Có một điều ít biết, Hồng Đăng đến với nghệ thuật không phải âm nhạc, mà là kịch nghệ. Sinh thời, ông từng thổ lộ: “Thời kháng chiến chống Pháp, sân khấu quần chúng rất sôi động. Tôi sang âm nhạc vì thời trai trẻ có người bạn chơi guitar, tôi thích lắm liền xin mượn tập nhạc lý, nhưng anh ta không cho.
Tức quá, tôi đi bộ từ Yên Thành về TP Vinh mượn được một tập tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp. Tôi miệt mài tự học, chập chững sáng tác “Đời học sinh” và bén duyên với âm nhạc từ đó”.