Mấy năm vừa rồi, cây hoa sữa chịu nhiều truân chuyên quá, khi bị nhiều người dân sống ở Hà Nội đồng loạt lên tiếng kêu ca. Ở những khu phố mới, hoa sữa được trồng dày đặc. Thơ nhạc đâu chẳng thấy, mùi hoa sữa đậm đặc khiến người dân quanh đó không thở nổi, có người dị ứng thì phát ốm vì hoa. Người ta quy trách nhiệm cho các ông nhà thơ, nhạc sĩ đã khiến “dịch hoa sữa” lây lan. Tại cây, tại nhà thơ hay tại các nhà quy hoạch cây xanh cho thành phố quá cực đoan, đem trồng hoa với mật độ dày đặc không tính toán. Một biểu tượng của Hà Nội trong tâm trí người xa thành phố giờ bỗng trở thành nỗi sợ.
Mà đâu chỉ ở Hà Nội, hàng loạt tỉnh thành như ở miền Trung hay Lạng Sơn, hoa sữa cũng được trồng quá nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Cây xanh nào phù hợp để trồng trong đô thị, đó là bài toán nhiều mặt mà những người làm công tác quy hoạch phải tính hết được câu trả lời. Nay trồng, mai chặt gây tốn kém, làm xấu cảnh quan, cản trở giao thông sinh hoạt, bao giờ mới có được một “thành phố xanh” như khẩu hiệu.
Và đến bây giờ, khi người dân khu Trích Sài, phường Bưởi khiếu nại mùi hoa sữa, việc rễ cây làm hỏng vỉa hè, thì người ta giải quyết bằng cách cắt cành, bứng cây lên trồng ở bãi rác tập trung của thành phố, như lời giải thích của lãnh đạo phường là để giảm bớt sự khó chịu cho người dân sở tại, tạo vành đai cây xanh và khử mùi cho bãi rác. Tội nghiệp cây hoa sữa. Hương hoa sữa vốn đẹp trong không gian của nó, giờ không ai hình dung được mùi hoa đậm đặc gây khó chịu cộng với mùi rác thải sẽ khiến người dân sống quanh khu bãi rác Nam Sơn phải chịu đựng những gì.
Thật ra thì việc cắt tỉa và bứng cây lên bãi rác Nam Sơn có thật sự đáng làm không? Liệu lần này đã có sự cân nhắc cẩn thận, hay là cứ làm cho có. Hoa sữa có tác dụng khử mùi thật, hay chỉ là một sự tùy tiện, ngẫu hứng? Chi phí di chuyển cây không nhỏ, liệu có là một sự lãng phí với giải pháp này.
Nhắc đến bãi rác Nam Sơn lại nhớ đến những vụ chặn xe không cho đổ rác, nhớ đến việc Hà Nội mãi không tìm ra được một giải pháp nào lâu dài, triệt để nhằm xử lý rác thải của thành phố, đến dự án làm sạch sông Tô Lịch sắp đến ngày cho kết quả thì bỗng bị nước Hồ Tây cuốn trôi... Hà Nội thay đổi rất nhiều, nhưng những gì còn tồn tại thì cứ từ từ, “Hà Nội không vội được đâu”.
Năm ngoái Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trước hai năm so với kế hoạch đề ra, với tỷ lệ cây sinh trưởng tốt chiếm đến 95%. Năm nay, Hà Nội sẽ trồng tiếp 600.000 cây xanh cho giai đoạn 2019 – 2020. Hy vọng là bài học hoa sữa đã được ghi nhận, cây xanh Hà Nội được trồng có quy hoạch, để hoa sữa không phải chịu những bất công, còn người dân sẽ có một Hà Nội 4 mùa hoa.