“Chuyện người lính”: Sự kết hợp uyển chuyển của nhạc kịch và nghệ thuật thị giác 

GD&TĐ - Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Xưởng kịch và nghệ thuật ATH phối hợp giới thiệu tác phẩm nhạc kịch và nghệ thuật thị giác “Chuyện người lính”, tối 16 và 17/4/2021.

“Chuyện người lính”: Sự kết hợp uyển chuyển của nhạc kịch và nghệ thuật thị giác 

Luôn giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Nga vĩ đại Igor Stravinsky, vở opera thính phòng này được sáng tác dành cho bảy nhạc công và ba giọng kể qua lời văn Charles-Ferdinand Ramuz.

“Chuyện người lính” là một phiên bản đầy tính cách tân  với sự dung hợp tinh tế của nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như âm nhạc thính phòng, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác. 

Dự án sáng tạo này được khởi nguồn từ nhạc trưởng Honna Tetsuji (người Nhật) từ lâu đã được nhiều công chúng yêu âm nhạc Việt Nam yêu thích. Ông từng giữ vị trí chủ huy trong nhiều vở Opera cổ điển và đương đại và cũng là chủ nhân của hàng chục giải thưởng danh giá.

HonnaTetsuji hiện là Giám đốc âm nhạc kiêm Nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Ông từng làm việc với rất nhiều nghệ sĩ solo hàng đầu thế giới và chỉ huy dàn nhạc tại những khán phòng hòa nhạc danh tiếng như New York Carnegie Hall (Mỹ), La Fenice (Ý), Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Tchaikovsky và khán phòng Saint-Petersburg (Nga)... 

Đảm nhận cương vị giám đốc nghệ thuật của vở Opera thính phòng đương đại này là đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valiente. Ông là một nghệ sĩ đa tài, hoạt động và thành công ở nhiều vai trò khác nhau, như biên đạo múa, đạo diễn phim, sân khấu. Valiente từng lưu diễn tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Ý, Pakistan, Estoniavà Na Uy.

Tranh minh họa cho vở Opera “Chuyện người lính”
Tranh minh họa cho vở Opera “Chuyện người lính”

“Chuyện người lính” qua phần dàn dựng và điều phối của ông hứa hẹn sẽ là một sự thể nghiệm đầy mới mẻ và thậm chí là một sự đoạn tuyệt tuyệt đối với những sáng tạo trước đó. “Chuyện người lính” dưới bàn tay biên đạo củaValiente được chuyển vị sang một thời không vũ trụ khác, nơi sử thi gặp gỡ khoa học viễn tưởng, nơi câu chuyện mang một bối cảnh đương đại và thậm chí là vị lai. 

Nếu như hình tượng Faust, nhân vật bán linh hồn cho quỷ dữ vẫn được khắc họa rõ nét trong tác phẩm thì đạo diễn Valiente lại phá vỡ hoàn toàn cấu trúc thời không của câu chuyện. Các nghệ sĩ của sân khấu kịch ATH sẽ không trình diễn thông qua ngôn ngữ cơ thể mà bằng giọng nói.

Bên cạnh đó, những minh họa đầy huyền ảo của nhà thiết kế hình ảnh Nguyễn Mỹ Anh với phần cố vấn của họa sĩ Nguyễn Thành Phong sẽ dẫn dắt người xem trong suốt buổi biểu diễn. Họ là đồng tác giả của “Long thần tướng”, bộ truyện tranh Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc nhất trong vòng 10 năm gần đây và là một trong số ít  những bộ truyện tranh Việt Nam hiếm hoi nhận được các giải thưởng uy tín trên thế giới. 

Trong phiên bản “Chuyệnngười lính”lần này, câu chuyện của người lính cũng là chuyện của ác quỷ, cái ác trở nên vô hạn độ, vợi xa, bất định, không thể nắm bắt, không ngừng truy vấn lại sự vô thường của kiếp nhân sinh. Vở diễn “liêu trai” quy tụ tài năng của ba lĩnh vực nghệ thuật: âm nhạc, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác từ ba quốc gia: Việt Nam, Nhật Bản và Pháp hứa hẹn một vở diễn độc đáo, mới lạ cùng những khoảnh khắc đáng nhớ. 

Vở nhạc kịch  và nghệ thuật thị giác “Chuyện người lính” được thực hiện với sự hỗ trợ của AIC Group và Đại sứ quán Thụy Sỹ trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ