Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu. Cùng dự có lãnh đạo, công chức, nhân viên các thời kỳ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Những thành tựu đáng tự hào
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những kết quả Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đạt được trong 65 năm.
Thứ trưởng cho biết, 65 năm trước (năm 1957 - PV), nhằm đáp ứng nhu cầu xuất bản sách phục vụ cuộc cải cách giáo dục 1956, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trên cơ sở Ban Tu thư thực hiện nhiệm vụ thay sách, ngày 1/6/1957, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký ban hành nghị định thành lập Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Từ tiền thân là Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát triển thành một đơn vị lớn mạnh bậc nhất trên toàn quốc về xuất bản, in ấn và phát hành sách giáo khoa với hơn 3.000 cán bộ nhân viên; 6 đơn vị trực thuộc; 39 công ty thành viên và mạng lưới phát hành với hơn 70 đối tác phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Những đóng góp của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương lao động hạng Nhất; hạng Nhì 2016; hạng Ba…
Xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn, cộng tác viên giàu kinh nghiệm về giáo dục: 150 tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa; 700 tác giả; 300 biên tập viên; họa sĩ, kĩ thuật viên có tay nghề cao.
Tổng doanh thu, lợi nhuận tăng đều theo từng năm; bảo toàn, tăng trưởng vốn điều lệ và đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng theo từng giai đoạn.
Qua 4 lần thay sách, suốt 65 năm hình thành và phát triển, trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi từ khi chiến tranh thống nhất đất nước đến giai đoạn đổi mới và giai đoạn hiện nay, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhà nước giao phó là in ấn, cung cấp đầy đủ sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên trên mọi miền của đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Các thế hệ cán bộ, công nhân viên NXBGD Việt Nam dự lễ kỷ niệm. |
Bên cạnh đó, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; góp phần vun đắp tình hữu nghị cao quý giữa hai nước; được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Lào trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng tự hào Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để cùng phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới…
Vượt lên thách thức
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong công cuộc cùng toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ, lãnh đạo, nhân viên và tập thể Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải quyết tâm hơn nữa, cố gắng hơn nữa.
Để làm được điều đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Đảng ủy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên đều có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, không dao động trước khó khăn, tác động của kinh tế thị trường đối với lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa; có nhận thức đúng đắn, hành động phù hợp, kịp thời trong giai đoạn phát triển mới của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh, trở thành các hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị được Bộ GD&ĐT giao.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng cường hơn nữa việc đầu tư, nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm khác ngoài sách giáo khoa như: sách tham khảo, chuyên luận, chuyên khảo chất lượng cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, nâng cao dân trí; góp phần lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập; tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước; đủ năng lực dẫn dắt ngành xuất bản của nước ta; đủ sức cạnh tranh với các NXB trong khu vực và trên thế giới, tránh tình trạng chỉ đơn thuần là Nhà xuất bản "sách giáo khoa”.
Tập trung, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là nhân sự lãnh đạo chủ chốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 và sự phát triển bền vững của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đối với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam: Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, trong đó đặc biệt lưu ý đề ra được các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục, không để xảy ra vi phạm, khuyết điểm thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2027, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính trị cốt lỗi phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về dân chủ ở cơ sở bảo đảm sự trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch trong mọi hoạt động của toàn đơn vị; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan...
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tặng hoa chúc mừng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. |
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trong bối cảnh ngành Giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội, trong đó có trọng tâm là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Đó là lần đầu tiên, ngành Giáo dục thực hiện việc xã hội hóa sách giáo khoa. Với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, thay vì việc độc quyền tự nhiên trong xuất bản, in ấn sách giáo khoa như trước đây, phải cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân khác trong việc tổ chức biên soạn, in ấn, cung cấp sách giáo khoa thực hiện chương trình GDPT mới.
Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái vì bất ổn chính trị; tác động của đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các quốc gia, để phát huy giá trị thương hiệu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đòi hỏi tất cả phải đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để có thể tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT giao; giữ vững và phát triển thương hiệu 65 năm qua.
Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đồng thời cam kết thời gian tới Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ tốt nhất, mang tới các sản phẩm có giá trị cao, góp phần tích cực vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Khẳng định những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, song Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ tin tưởng và mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đã đạt được; xây dựng chiến lược phát triển bền vững để góp phần cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo...