Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá sách giáo khoa trong năm học 2024-2025

GD&TĐ - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ giảm giá sách giáo khoa năm học 2024-2025.

Học sinh tham dự sự kiện Trưng bày sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông diễn ra tại Hà Nội năm 2022. Ảnh minh họa: ITN
Học sinh tham dự sự kiện Trưng bày sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông diễn ra tại Hà Nội năm 2022. Ảnh minh họa: ITN

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm: “Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào”.

Đảm an sinh xã hội

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của nhà xuất bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định, việc hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu.

“Chúng tôi đã thực hiện việc giảm giá sách giáo khoa trong năm nay” - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho hay. Trong những chi phí Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát để giảm giá sách, có hai chi phí quan trọng.

Thứ nhất, chi phí tổ chức bản thảo. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế (sản lượng phát hành thực tế này lớn hơn sản lượng dự kiến); do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.

Thứ hai, chi phí khâu lưu thông tiếp tục được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiết giảm. “Cụ thể, chúng tôi đã giảm chi phí bán hàng và chi phí phát hành thêm 2,5%. Đó là hai khoản mục giúp chúng tôi có thể giảm giá sách giáo khoa trong năm nay” - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, với sách giáo khoa các lớp đã xuất bản các năm trước theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), giá của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá của bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.

Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và vì quyền lợi của người tiêu dùng.

Đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 - sách xuất bản lần đầu trong năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng và hoàn thành việc kê khai giá theo cơ cấu giá, theo mặt bằng giá đã giảm ở các lớp đã xuất bản các năm trước.

Để thông tin rộng rãi, đầy đủ, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng sách, chúng tôi sẽ công bố giá sách giáo khoa trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đồng thời niêm yết giá tại tất cả các điểm bán sách giáo khoa trên toàn quốc.

“Với những bản sách giáo khoa đang lưu kho, đã in giá cũ khác với giá mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện dán tem giá mới trên bìa của sách để giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh dễ dàng nhận biết, không bị nhầm lẫn” - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng thông tin.

Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ tại tọa đàm.

Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ tại tọa đàm.

Lý do giá sách giáo khoa mới cao hơn

Đặt vấn đề, vì sao giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách giáo khoa theo chương trình cũ? PGS.TS Nguyễn Văn Tùng phân tích, có một số lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, sách giáo khoa cũ được tổ chức biên soạn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; còn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 biên soạn theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Theo chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, nhà xuất bản tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để thực hiện các khâu xuất bản.

Thứ hai, các chi phí như: nhuận bút, chi phí nguyên vật liệu, công in đều cao hơn trước. Một số công đoạn như: thực nghiệm sách giáo khoa, giới thiệu, quảng cáo, tập huấn giáo viên... trước đây, nhà xuất bản không phải làm và cũng không phải chi trả chi phí. Tuy nhiên, nhà xuất bản phải chi trả thêm các chi phí này. Đặc biệt, giá giấy đang tăng rất nhiều so với những năm trước.

Thứ ba, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, để đáp ứng định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, sách giáo khoa phải có khổ sách lớn hơn và có chất lượng in ấn cao hơn so với sách giáo khoa cũ.

Thứ tư, do có nhiều bộ sách giáo khoa nên sản lượng phát hành của mỗi tên sách, đầu sách sẽ giảm xuống, dẫn đến những chi phí như: tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí bản quyền và một số chi phí khác phân bổ trên mỗi bản sách tăng lên. Chi phí phân bổ trên mỗi bản sách tỷ lệ nghịch với sản lượng phát hành.

“Đây là những lý do khiến giá sách giáo khoa theo chương trình mới cao hơn chương trình cũ” - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.