Iris Cao là một cây bút được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, với các tác phẩm thuộc dòng sách tản văn viết về hành trình trải nghiệm và trưởng thành của những bạn trẻ trước những vấp ngã, tổn thương, như Thương nhau để đó, Ai rồi cũng khác, Mỉm cười cho qua, Mình sinh ra đâu phải để buồn, Hôm nay người ta nói chia tay…
Can đảm chọn lối đi riêng
Sinh ra vào giữa tháng 03 năm 1988, thuộc cung hoàng đạo Song Ngư, Iris Cao tự đánh giá bản thân là một chú cá điển hình, đa sầu đa cảm, giàu trí tưởng tượng, hơi bi quan và đôi khi mâu thuẫn với chính mình. Thời niên thiếu, cô từng là vận động viên bóng rổ thi đấu dưới màu áo đội tuyển TPHCM. Năm 2008, Iris Cao lên đường sang Singapore học ngành Quản trị kinh doanh tại Trường SIM (Singapore Institute of Management) theo định hướng của gia đình.
Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của Iris Cao và là tiền đề tạo nên tính cách của cô sau này. Chỉ 9 tháng sau khi đặt chân đến Đảo quốc Sư Tử, cô nhanh chóng nhận ra mình không thể theo được ngành nghề nặng về lý trí này. Những chiến lược, kế hoạch, con số, tỉ lệ, thống kê… hoàn toàn không phù hợp với một người có tâm hồn đa sầu đa cảm như cô. Iris gọi điện về cho gia đình xin được chuyển trường, nhưng lúc đó mẹ cô từ chối và nói: “Con ráng học đi, con người ta học được thì mình cũng học được…”.
Iris Cao trong một buổi ký tặng sách |
Theo lý thuyết về những cung hoàng đạo, Song Ngư là chòm sao được biểu trưng bởi 2 chú cá bơi ngược chiều nhau. Người Song Ngư có 2 lựa chọn, một là trở thành chú cá thả mình trôi theo dòng nước, mặc cuộc đời xô ngã về đâu cũng được. Hai là tự thân nỗ lực để bơi ngược dòng, quyết chọn cho được con đường mình muốn. Iris Cao đã lựa chọn bơi ngược dòng để tìm con đường riêng cho mình.
Cô cãi lời mẹ, rời bỏ trường cũ, lên mạng tìm trường mới và chuyển sang học môn Quảng cáo và Thiết kế. Quyết định này nhanh chóng khiến Iris Cao trả giá. Việc rời trường cũ khi chưa đăng ký vào trường mới khiến visa du học của cô bị hủy, cô trở thành công dân cư trú bất hợp pháp và bị Sở Di trú buộc trục xuất khỏi Singapore. May thay, đó cũng là lúc Iris Cao tìm được ngôi trường mới của mình. Đích thân hiệu trưởng đã đến giải thích với cơ quan Di trú và giúp Iris Cao được ở lại để theo đuổi việc học.
Gian nan vẫn chưa buông tha cô gái khi mới bước sang tuổi đôi mươi. Iris Cao kể lại: “Sau khi được trở thành sinh viên của trường mới, tôi phải đóng 20.000 SGD, tức toàn bộ học phí trong các năm tới cho trường. Trong khi đó, tôi tự ý đổi trường và chưa báo với gia đình nên số tiền đó coi như… vô phương. Cuối cùng, tôi đánh liều e-mail cho trường, thể hiện nguyện vọng theo đuổi ngành học mình mơ ước và xin phép trường cho tôi được… trả góp. Cuối cùng, trường cũng chấp nhận phương án này. Học được 3 môn, tôi mới điện thoại về thông báo với gia đình”.
Ngay sáng hôm sau, mẹ cô đã bay sang Singapore với con gái. Không một lời trách móc hay giận dữ, bà chỉ lặng lẽ chăm sóc và quan sát con gái học tập ở ngôi trường mới trong vòng 1 tuần rồi trở về Việt Nam với một mẩu giấy nhỏ “Con ráng học, gia đình luôn tin tưởng con”…
“Tôi không ngồi đó tưởng tượng và viết ra”
Đó là điều mà Iris Cao khẳng định về những tác phẩm của mình. Những câu chuyện mà cô chia sẻ qua từng trang sách chính là những trải nghiệm mà chính cô đã từng đi qua.
Iris Cao nhớ lại: “Thời gian tôi du học ở Singpore là thời gian cô độc nhất: vừa nhớ nhà, vừa không thích nghi được cuộc sống mới. Vì sự cô đơn nên mình phải tìm một chỗ dựa về tinh thần, mong nhanh chóng có được tình cảm của một ai đó để san sẻ những khó khăn”.
Thế là cô gái trẻ lao vào tình yêu, với tất cả sự ngây thơ và tinh khôi của tuổi trẻ nồng nhiệt. Rồi cũng như rất nhiều người trẻ khác, cô bị tình yêu đánh gục, tan vỡ và không ít lần cực đoan, mất phương hướng. Nhưng Iris Cao đủ mạnh mẽ để không làm điều gì có lỗi với bản thân và gia đình ở quê nhà, cô gửi những tâm sự, xúc cảm của mình vào những trang nhật ký trên mạng.
Không chỉ là những tan vỡ của tình cảm, mà còn là cảm giác cô độc, lạc lõng và nhớ quê hương của một cô gái trẻ tuổi đi du học ở một đất nước xa lạ. Và rất bất ngờ khi có không ít người đồng cảm với những dòng tự sự của Iris Cao. Sau khi chuyển trường và được theo học ngành mình thích, Iris Cao vẫn tiếp tục viết như một niềm vui nhỏ sau những giờ lên lớp. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ trở thành một nhà văn.
Trở về nước, Iris Cao đầu quân cho Wepro, một doanh nghiệp giải trí khá nổi tiếng. Và ở đây, cô gặp được Hamlet Trương, người đã “đẩy” cô vào con đường viết lách chuyên nghiệp. Khi đó, anh đã là một tác giả có tiếng với quyển Thời gian để yêu” cùng nhiều tác phẩm âm nhạc được yêu thích như Bụi bay vào mắt, Đến sau… Một lần, Hamlet Trương đọc được những bài viết mà Iris Cao chia sẻ trên mạng.
Bất ngờ với sự tương đồng giữa cách viết của Iris Cao và mình, Hamlet Trương liền bày tỏ mong muốn đưa cô bạn mới lấn sân vào văn đàn. Anh nói: “Nếu Iris Cao chỉ viết những câu chuyện này lên mạng thì uổng quá. Bởi lẽ đó đều là những tâm tư tình cảm mà chắc chắn những người trẻ trong quá trình trưởng thành đều gặp phải. Tại sao không tập hợp lại và xuất bản để nó có thể đến với nhiều độc giả hơn…”.
Và như thế, cả hai cùng nhau cho ra đời quyển sách chung đầu tiên mang tên Thương nhau để đó. Sự kết hợp giữa chất tự sự, chiêm nghiệm về cuộc sống của Hamlet Trương là sự nữ tính và nồng nhiệt của Iris Cao đã khiến Thương nhau để đó trở thành một hiện tượng với số lượng phát hành vài chục nghìn quyển và nhiều lần tái bản. Cái tên Iris Cao cũng từ đó bỗng nhiên vụt sáng và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả trẻ tuổi.
Cặp đôi Hamlet Trương và Iris Cao luôn là thỏi nam châm thu hút độc giả trẻ |