Năm 1982, ông được trao giải Nobel văn học với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. García Márquez không chỉ là một nhà văn thành đạt mà còn là một người chồng hạnh phúc với người vợ duy nhất Mercedes Barcha Pardo.
Mercedes
Đôi khi Márquez khẳng định rằng, trong những năm học phổ thông, ông hay mơ thấy Mercedes. Và, lấy cảm hứng từ giấc mơ này, ông đã viết thiên truyện ngắn về một cô bé mơ ước được đi du lịch đến nỗi đã biến thành một con bướm và bay khỏi nhà mình...
Mercedes Barcha Pardo chào đời ngày 6/ 11/1932 tại làng Magangúe, bên bờ sông Magdalena. Mẹ bà là người Colombia, xuất thân từ một gia đình chủ trại. Trong huyết quản của bố bà có dòng máu pha trộn Palestine- Ai Cập. Márquez cho rằng, Mercedes được thừa hưởng “sắc đẹp bí ẩn của dòng sông Nil huyền thoại” từ chính tổ tiên người Ai Cập. Ông nội bà xuất thân từ thành phố Alexandria, ở Colombia ông sở hữu một mạng lưới các hiệu thuốc từ những thành phố khác nhau. Gia đình thường chuyển chỗ ở, nhưng Mercedes luôn luôn được bố mẹ cho vào học trường thiên chúa giáo danh giá nhất.
Thời gian đính hôn của họ kéo dài rất lâu. Mercedes phải chờ hôn lễ của mình 11 năm, lúc Márquez đã 31 tuổi. Họ làm lễ cưới vào tháng 3/1958.
Gia đình
Họ sống ở thành phố Barranquilla, trong một căn hộ hai phòng
của tòa soạn báo El Espectador, nơi Márquez làm việc. Mercedes hoàn toàn không biết nội trợ, nhưng Gabriel không hề phàn nàn, ông tự dọn dẹp nhà cửa và kiên nhẫn dạy Mercedes nấu những món ăn ông yêu thích. Với tư cách một người nội trợ, Mercedes tiến bộ rất nhanh. Bà dễ dàng học được cách sống của người nghèo, biết chọn mua những thứ rẻ nhất và biến thành những món ăn ngon. Nhưng điều chủ yếu ở Mercedes khiến Márquez hết sức thích thú là thái độ trân trọng tác phẩm của ông. Thậm chí bà mân mê những tờ giấy của ông một cách thành kính, dường như đó là những báu vật, có thể tan biến trong bàn tay. Mercedes biết gìn giữ bếp lửa gia đình trong nghĩa đen của từ này. Ở Barranquilla, không có hệ thống sưởi ấm trung tâm, mà Gabriel không thể làm việc lúc trời lạnh. Bà tiếp khách trong một căn hộ nhỏ, vào những ngày chủ nhật bà đi dã ngoại với các cán bộ toà soạn. Tuy nhiên, bà là một người rất kín đáo và kiệm lời. Plinio Mendoza nhớ lại: “Ba ngày sau khi gặp Mercedes, tôi nói với các em gái của mình: “Gabriel cưới một cô vợ câm”.
Mercedes mang về nhà chồng chiếc tráp đựng những bức thư của Márquez, nhưng mấy tuần sau ngày cưới, Gabriel đề nghị vợ đốt đi. Theo Mercedes, chồng bà “không muốn chúng rơi vào tay kẻ khác”. Thực ra, Gabriel muốn giải thoát khỏi những vật chứng về những lời hứa hẹn của ông. Vốn là người ít nói, Mercedes tỏ ra rất bướng bỉnh và cuối cùng, Márquez buộc phải chuộc lại những bức thư của mình với giá 100 bolivari (Đơn vị tiền tệ của Venezuela). Sau đó, Mercedes đã đốt chúng ngay trước mặt chồng.
Bà mang đến cho cuộc đời ông lý trí và sự sáng suốt. Dần dần, khi lấy được sự tự tin, bà bắt đầu lập lại trật tự trong cái mớ bòng bong giấy má của Márquez. Bà phân loại các bài báo, các bài cắt ở báo ra, các truyện ngắn, bản thảo đánh máy tiểu thuyết “Ngôi nhà” và truyện vừa “Ngài đại tá chờ thư”.
Ngày 24/ 8/1959, con trai đầu lòng của họ, Rodrigo García, ra đời. Lúc bấy giờ toà soạn cử Gabriel đi làm phóng viên đặc biệt ở châu Âu. Vẫn như xưa, Mercedes lại kiên nhẫn chờ đợi. Ông đi Cuba, Đông Âu và Liên Xô, viết những bài báo đầy hào hứng. Márquez được mời làm đại diện của Prensa Latina ở New York. Nghĩ rằng đây là công việc lâu dài, ông mang theo vợ con, nhưng đã xẩy ra xung đột Mỹ - Cuba, tòa soạn thường nhận đươc những cú điện thoại đe dọa, kể cả mang tính chất cá nhân.
Kết quả là Márquez cùng với vợ và con nhỏ phải tháo chạy khỏi đất nước. Không có tiền đi máy bay, họ phải đi xe buýt đường dài, ngủ đêm trong những khách sạn rẻ tiền nhất. Một lần, Mercedes đã bỏ căn phòng đầy gián và bế con ra ngủ ngoài trời. Lần khác, một viên lính Mỹ gạ Márquez “bán” Mercedes cho hắn và hai người bạn một vài giờ... Khi đến Mexico, do căng thẳng thần kinh, Mercedes bắt đầu bị viêm dạ dày. “Trong túi còn 20 đô-la cuối cùng, tương lai vô định” - Gabriel nhớ lại.
Năm 1962, ở México, đứa con trai thứ hai của họ, Gonzalo García, ra đời. Márquez rất thích con gái giống Mercedes, nhưng họ không có con thêm nữa.
Tiểu thuyết
Mercedes ủng hộ Gabriel, khi ông chuẩn bị viết tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Márquez bán ô-tô và 18 tháng trời đóng cửa phòng, ngồi viết, thậm chí không tiếp xúc với gia đình. Trong khi đó, Mercedes lo kiếm sống. Bà chủ động tiếp xúc với chủ cửa hàng thịt và cửa hàng thực phẩm, nơi bà mua hàng ký nợ. Bà nói chuyện với chủ nhà trọ, và đây là công việc khó khăn nhất.
Khi viết xong sách, Marquez không có đủ 160 peso để gửi bản thảo tới nhà xuất bản. Họ chỉ còn 80 peso trong ống tiết kiệm. Lúc bấy giờ, Mercedes đem máy xay bột và máy sấy tóc ra hiệu cầm đồ.
Mercedes sẻ chia cùng với Gabriel sự nghèo khổ và những nỗi bất hạnh, cũng như gánh nặng của niềm vinh quang quốc tế mà nhà văn phải nếm trải sau khi cuốn sách ra đời. Năm 1967, tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” gây nên một cơn “địa chấn văn chương”, biến Gabriel García Márquez thành một nhà văn cổ điển sống. Márquez hiểu rằng, ông chịu ơn vợ rất nhiều.
Năm 1982, nhà văn được trao giải Nobel văn học. Ngôi nhà của họ bị các nhà báo bao vây. Cuối cùng, nhà văn cùng vợ lặng lẽ chuyển tới khách sạn “Castillo de Chapultepec” ngồi chờ cho qua đi những ngày đầu tiên ồn ào nhất. Sau đó, Mercedes tháp tùng chồng sang Stockholm nhận giải thưởng.
Trong bài phát biểu truyền thống, Márquez không nói một lời nào về vợ, thậm chí không nhìn về phía bà: bài phát biểu của ông không đề cập một chút riêng tư nào, chỉ toàn những vấn đề xã hội, với tiêu đề “Sự cô đơn của châu Mỹ Latinh”.
Mercedes lặng lẽ cùng chồng tham dự tất cả các hoạt động. Các nhà báo săn đón bà, nhưng bà chỉ trả lời một cuộc phỏng vấn duy nhất. Chân dung của bà, phu nhân nhà văn đoạt giải Nobel, xuất hiện trên bìa tạp chí Carrusel của Colombia.
Khi cùng Gabriel trở về nhà, Mercedes thở phào nhẹ nhõm cất vào tủ tất cả lễ phục và giày dép. Bà trở lại với công việc yêu thích: bảo đảm cho Gabriel mọi tiện nghi đời thường. Để phòng làm việc của ông được sưởi ấm, để giấy viết đúng loại ông yêu thích, để chuẩn bị kịp thời bữa ăn và cà phê, để ông luôn luôn có sẵn thuốc lá, bà còn theo dõi những bài viết về ông, phân loại bản thảo. Thỉnh thoảng, bà tiếp khách của các con, lặng lẽ quan sát chúng tranh luận ầm ĩ và nói đùa cùng bố.