Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh... lãng mạn lắm!

Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh... lãng mạn lắm!

Nhân danh một người lính, ông luôn đẩy chiến tranh đến tận cùng của sự trần trụi nhưng không phải để thấy những thương đau mất mát mà để thấy những… lãng mạn của tình yêu.

Cất lên từ tình yêu...

“Chiến tranh là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật” – khi nói đến nhà văn Chu Lai, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã luôn “đặc tả” như thế. Cũng phải thôi, cả cuộc đời cầm bút của Chu Lai dù ở thể loại nào cũng luôn là người lính và chiến tranh. Trong số đó có thể kể đến “Người im lặng”, “Đôi ngả thời gian”, “Vùng đất xa xăm”, “Phố nhà binh”...(truyện ngắn); “Người đi tìm dĩ vãng”, “Phố”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Biệt đội báo đen”... (kịch); “Nắng đồng bằng”, “Khúc bi tráng cuối cùng”, “Ba lần và một lần”, “Phố”, “Mưa đỏ”, “Ăn mày dĩ vãng”... (tiểu thuyết).

Có thể nói, những trang văn, trang kịch viết về chiến tranh của Chu Lai luôn trần trụi – sự trần trụi đến chân thật như thể nhân vật đang hiện hữu ở đời thường. Chỉ đó điều, sự trần trụi này được nhà văn thể hiện qua lớp ngôn từ vừa tưng tửng, hài hước vừa giàu sức gợi tả, gợi cảm chứ không phải cái kiểu trần trụi thô thiển, vô duyên. Và xen giữa những mất mát, hi sinh, đau thương bởi những trần trụi ngay trong cuộc chiến hay thời hậu chiến luôn là những giọt lãng mạn yêu thương ngọt ngào, lâng lâng.

Nhắc lại tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng”, nhà văn Chu Lai chia sẻ, ông đã kể được 2 câu chuyện hoàn toàn hiện thực về những người lính ở những nhu cầu hết sức đời thường và coi như xong phận sự cầm bút. “Trong đó, tôi đã viết đi viết lại, viết mãi mới xong chuyện người con gái đi tiểu tiện trong lòng đất ở một trung trạm. Câu chuyện ấy có màu sắc, có hình khối, nó tắc nghẽn trong âm thanh lòng đất, đấy là âm thanh của lòng đất chiến tranh”, nhà văn Chu Lai nói.

Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh... lãng mạn lắm! ảnh 1

Cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.

Vì thế, bên cạnh sự lạnh lùng đưa ra định nghĩa “Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình”, nhà văn Chu Lai còn bảo, nếu chiến tranh chỉ là sự trần trụi đơn thuần thì người lính trầm cảm mà chết hết. Thế nhưng, chiến tranh không phải là một ngày hội để mà reo ca nên nhà văn không thể viết theo kiểu bôi đen hay tô hồng. Chiến tranh đòi hỏi viết nó như chính nó.

Với quan điểm ấy, Chu Lai cứ say sưa với đề tài chiến tranh, viết mãi viết hoài cũng chẳng bao giờ thấy cạn... chuyện. Ông lý giải: Nó là một đề tài càng đào sâu càng màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu, càng lùi ra xa thì trầm tích của chiến tranh càng dội về mãnh liệt. Có một điều hết sức diệu kỳ là chiến tranh không là cái gì nếu không có một nền tình yêu đằng sau được nổi lên ở những trang viết về tình yêu trận mạc, luận về anh hùng.

Mà cái cách luận về anh hùng của Chu Lai cũng rất khác: “Anh hùng là người sợ chết nhất nhưng vượt qua được cái sợ chết sẽ là anh hùng. Cũng bởi lẽ, những người lính gan dạ nhất cũng có những lúc yếu đuối mượn một trận pháo để tự thương tự sát, để được về Hà Nội nhìn thấy mẹ thấy cha một lần.  Nhưng sau đó, hơi ấm của đồng đội, hơi ấm của vùng đất, hơi ấm của những người bà con trong ấp chiến lược tạo nên trong họ một khí phách. Khí phách ấy không do ngọn gió nghìn năm lịch sử thổi thốc tháo sau lưng và tạo nên lòng tự trọng vô cùng trong mỗi người lính”, ông nói.

...Để luôn “đắt giá”

Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh... lãng mạn lắm! ảnh 2

Cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất sáng tác trong 30 năm đổi mới.

Trong dịp trò chuyện, nhà văn Võ Thị Xuân Hà “ca cẩm” rằng, tiểu thuyết của Chu Lai nhàm chán làm sao được khi luôn kể những câu chuyện tình yêu đẹp và nhiều chi tiết đắt giá như thế. 

Theo chị, đọc những câu chuyện, chi tiết ấy, độc giả hôm nay sẽ không khỏi thầm cảm ơn ông đã ghi chép lại chúng hết sức chân thực, dưới góc nhìn lãng mạn về sự hy sinh của những người lính, có khi là chính đồng đội cùng ông trực tiếp chiến đấu. “Ca cẩm” thế để rồi nữ nhà văn này thắc mắc: “Tôi cảm thấy tình yêu trong chiến tranh của các anh, các chị hình như nó là một sự thuần nhất, trong trẻo, nồng ấm và rất sâu sắc. Khác với bây giờ nếu nói về tình yêu, mọi người sẽ cười đấy là thứ xa xỉ phẩm”. 

Nhà văn Chu Lai đằng thẳng đáp lại: “Tình yêu mỗi thời một khác nhưng bao giờ cũng có một mẫu số chung. Cũng giống như lòng yêu nước của chúng tôi ngày xưa là vượt Trường Sơn còn lòng yêu nước của tuổi trẻ bây giờ sẽ khác nhưng mẫu số chung vẫn là như vậy”.

Trong khi đó, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, người được mệnh danh là một nhà “Chu Lai học” vì có rất nhiều duyên “gặp gỡ” với các tác phẩm của Chu Lai như lần bình luận về tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” tại Thư viện Hà Nội (1992) rồi là người đầu tiên viết bài phê bình cuốn “Mưa đỏ” (2016) lại ví von Chu Lai là một đầu bếp khéo tay. Vẫn là một chất liệu chiến tranh nhưng ông đã chế biến thành đủ món. Phong cách của đầu bếp ấy rất đặc biệt, không đóng khung trong phương pháp nào mà nó uyển chuyển trong rất nhiều phương pháp khác nhau.

Cùng với đó, cũng theo ông Thắng, để có thể viết về chiến tranh lâu, bền và luôn dẫn dụ độc giả hấp dẫn như thế là vì nhà văn Chu Lai trải nghiệm đời sống chiến tranh với tư cách là một người trong trận mạc. Đặc biệt, nhà văn vốn sinh ra trong một gia đình có vốn văn hóa sâu, rộng (cha ông là nhà văn, nhà viết kịch Học Phi) nên có nhiều trải nghiệm văn hóa và không bị đứt gánh giữa đường.

“Tôi yêu Chu Lai nên viết về ông chứ không phải là nhà “Chu Lai học” như nhiều người vẫn gọi. Nghiên cứu các tác phẩm của ông, tôi thấy văn Chu Lai luôn trường sức vì có rất nhiều tình yêu và gieo rất nhiều tình yêu. Vốn là người trải qua nhiều thực tế khốc liệt của chiến tranh nên cảm xúc của tôi không tránh khỏi những chai lỳ. Vậy nhưng khi đọc tiểu thuyết “Mưa đỏ” tôi đã xúc động. Theo tôi, đề tài chiến tranh, nhân vật người lính không bao giờ cũ nên các nhà văn theo đuổi trung thành với đề tài này chắc chắn sẽ có thành tựu và luôn được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt”, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng bày tỏ.

Nhà lý luận phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái thì đặc biệt chúc mừng Chu Lai vì đây là nhà văn hạnh phúc hơn rất nhiều nhà văn khác. Cái lẽ của niềm hạnh phúc ấy là các nhân vật của ông không “tĩnh” trên những trang văn mà có đời sống rất đỗi sinh động trên sân khấu. Đã có nhiều nhân vật đóng đinh vào nghệ sĩ. Vả lại, những vở kịch của Chu Lai luôn mang không khí chiến tranh nóng hổi. Cái sự nóng hổi này rất khác biệt khi tác giả truyền đến khán giả thông điệp, chiến tranh không chỉ là đánh nhau, mà còn là yêu đương, lãng mạn nữa.

Người bạn cùng tuổi - nhà văn Bùi Việt Sỹ đặc biệt bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ông kể, hồi tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” của Chu Lai ra mắt bạn đọc là một điều khiến ông phải ngả mũ kính nể, cũng vì hồi đó (1978) một tác giả có truyện in chung là ghê gớm lắm rồi, vậy mà... “Chu Lai – người thế nào văn thế ấy. Cuộc đời anh hầu như chỉ viết duy nhất về một đề tài: Người lính. Nhưng có một điều rất may là những người lính trong anh không lặp lại. Trong số các tác phẩm của anh, tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” là cuốn để đời khi lọt top những tác phẩm văn học xuất sắc nhất sáng tác trong thời kỳ 30 năm đổi mới...”, nhà văn Bùi Việt Sỹ nói.

Không biết làm gì nên... viết văn

Hỏi chuyện nhà văn Chu Lai về duyên cớ gì mà đến với văn chương, ông dông dài trong câu chuyện vì... không biết làm gì cả. Lúc trước khi trở thành lính đặc công, ông từng là diễn viên kịch thuộc biên chế Tổng cục Chính trị. 

Nhưng như ông kể, với mặt mũi, hình hài của mình, đạo diễn không bao giờ giao cho ông vai diễn ra hồn, hết vai địch đến tướng cướp, cùng lắm là ông già du kích. Ông tự nhủ mình chọn sai nghề nên bỏ đi chiến đấu. Chưa kịp đi chiến đấu ông lại được chuyển về Trường Đại học Quân y khóa I. 

Nhưng sau lần đi tham quan giáo cụ trực quan, ông tiếp tục thấy đây không phải là nghề dành cho mình, thế là lại bỏ để trở thành lính đặc công quanh năm ngày tháng: “Đánh như không đánh gì, bò như không bò gì, chết như không chết gì” cho đến tận ngày đất nước thống nhất.

Sau khúc khải hoàn khi Sài Gòn được giải phóng, anh đại đội trưởng lính đặc công Chu Lai đã 30 tuổi, nếu trở về đi học thì già mà diễn kịch thì ai xem. Thế thì anh xoay sang tham gia thi tuyển sĩ quan tình báo để tiếp tục với nghiệp nhà binh. 

Đi suốt từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu, cán bộ phụ trách đợt tuyển vừa nhìn thấy mặt Chu Lai đã vội lắc đầu ngay: “Mời đồng chí về - Này đồng chí nói năng cẩn thận nhé, tôi là đại đội trưởng đặc công, chưa có một vết tày nào trong chiến đấu cả, sao đồng chí nói thế? - Mong đồng chí thông cảm, ngành tình báo chúng tôi là một khuôn mặt nhìn 10 lần còn quên, mặt đồng chí chưa nhìn đã nhớ, không làm tình báo được. Thế là tôi không thể tiếp tục nghiệp nhà binh. Từ đó, cũng vì không biết làm gì nên tôi bắt tay vào viết lại những gì mình biết. Tôi bắt đầu viết, viết cuồn cuộn cuồn cuộn như là sự thúc đẩy”, nhà văn Chu Lai kể.

Khi bước vào viết văn, Chu Lai thường sống bằng những hoài niệm. Hàng năm ông đều trở về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại cảnh cũ người năm nao – như một sự ăn mày chân thành cái... dĩ vãng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của ông – cuốn “Ăn mày dĩ vãng”.

 Ông cũng chia sẻ rằng, cái tên của cuốn tiểu thuyết được đặt theo câu “Ăn mày cửa chùa”, nghĩa là dĩ vãng quá thiêng liêng, quá đau thương, quá hào sảng. Nghĩa là một dĩ vãng quá nặng nề khiến người lính sống bằng quá khứ mà không bay ra được, không thoát ra được.

“Càng khai thác đề tài chiến tranh càng phải khẳng định một điều rằng, nếu không có sự lãng mạn trong chiến tranh thì cuộc chiến tranh sẽ thất bại – yếu tố quan trọng nhất là sự lãng mạn trong tâm hồn của người lính. Điều thứ hai, hình bóng những cô gái trong trận mạc làm giàu cho cuộc chiến. Nếu như không có những cô du kích, giao liên, y sĩ, bác sĩ thì cuộc chiến tranh bỗng nghèo đi nhiều lắm. Như tôi chỉ huy đặc công cấp đại đội, đánh thắng trận này không phải để về báo công, mà để trở về nằm trên võng, được cô du kích ấy mang đến cho tôi một bát cháo gà rừng nóng bỏng và nhìn lên bầu trời vùng ven kia, trần mình viết thơ. Cuộc chiến đấu nó chỉ đơn giản thế thôi”. Nhà văn Chu Lai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.