Nhà trường và xã hội cùng vào cuộc bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Là quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giữ gìn và bảo vệ môi trường. Việc nâng cao nhận thức của người dân đối với việc giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh đang được đề cao. Ở đây vai trò của nhà trường đã thể hiện ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh nói không với rác thải nhựa
Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh nói không với rác thải nhựa

Thay đổi thói quen

Có một thực tế không thể phủ nhận là nếu muốn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường (BVMT) và chung sống hòa bình với thiên nhiên để thiên nhiên cung cấp những lợi ích cho ta đó là không khí sạch, nước sạch, thực phẩm sạch... Tuy nhiên, làm được điều đó lại không đơn giản chút nào.

Quan trọng nhất là vấn đề nhận thức của người dân. Thực tế là đã có không ít những vi phạm từ lớn đến nhỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Gần đây nhất là việc xả dầu thải xuống khe suối ở Hòa Bình khiến hàng trăm nghìn dân Hà Nội ảnh hưởng.

Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cho rằng: Cần phải có ý thức BVMT từ nhỏ để trở thành thói quen. Ở vùng quê biển, hơn ai hết chúng tôi hiểu tác động của môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh cư của người dân thế nào.

Chính vì thế, nhà trường đã chú trọng giáo dục nhận thức cho học sinh rằng thiên nhiên nuôi dưỡng chúng ta, các bạn phải bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động đơn giản nhất là không xả rác bừa bãi, ý thức giữ gìn BVMT. Bài học thực tế là, chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc ra quân làm sạch môi trường để học sinh ý thức tốt hơn về việc này.

Mục tiêu của những việc làm trên không chỉ là để dọn dẹp, mà còn để nâng cao nhận thức về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Nói như ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định: Thay đổi nhận thức của người dân với việc BVMT là rất quan trọng.

Ở đây là văn hóa, văn hóa trong nếp sống, sinh hoạt và ứng xử với môi trường. Khi người dân đã có ý thức giữ gìn môi trường sống quanh mình thì cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ thiên nhiên.

Có thể nói, BVMT là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết vì nếu không những tác hại của nó đem lại cho con người là vô cùng lớn. Không chỉ là vấn đề thiên nhiên, mà còn là những ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia về môi trường có những việc làm chỉ hết sức nhỏ nhưng tác động lại vô cùng to lớn. Như việc xả thải, ta chỉ cần thay đổi thói quen sẽ dẫn đến thay đổi nhận thức. Khi có nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ gìn và BVMT chắc chắn sẽ giúp ý thức chung tốt hơn trong cộng đồng.

Sức lan tỏa rộng lớn

Việc ra quân BVMT biển, nói không với rác thải nhựa của các nhà trường trên cả nước đã và đang góp phần thay đổi nhận thức trong cộng đồng dân cư. ThS Nguyễn Đồng Khởi – Giám đốc Trung tâm truyền thông & quảng bá cộng đồng, Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: Trước đây, các bạn sinh viên quen với túi nhựa, chai nhựa.

Năm học này, một trong những tuyên ngôn của trường là nói không với rác thải nhựa. Điều này đã tác động thay đổi thói quen của các bạn và qua đó lan tỏa đến cộng đồng cư dân xung quanh.

Thầy giáo Bùi Tiến Lương, GV Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Cần phải nói không với xả thải bừa bãi, kêu gọi giữ gìn BVMT và tài nguyên thiên nhiên là điều cần thiết và đã được thực hiện nhiều năm qua.

Trong nỗ lực góp phần thay đổi hành vi và góp phần BVMT, trường chúng tôi đã có nhiều biện pháp giáo dục học sinh thực hiện. Nhiều giờ ngoại khóa, các GV trong trường đã truyền đạt điều này đến học sinh và khuyên các em nói không với chai nhựa sử dụng một lần.

Mới đây tại Hà Nội, một chiến dịch dọn rác tại sông Hồng và cầu Long Biên đã thu hút 200 tình nguyện viên. Trong đó có đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện các nước thành viên EU.

Hình ảnh Đại sứ bổ nhiệm của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti tham gia dọn dẹp vệ sinh, nhặt túi nhựa đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người dân. Đây cũng là thông điệp gửi đến cho tất cả mọi người: Hãy dọn dẹp quanh nơi sống của chúng ta là hành động tốt và đơn giản nhất tự ta có thể thực hiện.

Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế của Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội. TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã chỉ ra Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu do thiếu kiến thức và năng lực ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Bà đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng để chung tay giữ gìn và BVMT.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 - 30 triệu người dân.

Các cấp chính quyền cũng như người dân cần phải chung tay vào cuộc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu như cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hạn chế sử dụng các nhiên liệu hoá thạch, bảo vệ tài nguyên rừng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, chế tạo và sử dụng năng lượng sạch. 
TS Đặng Quang Thịnh - 
Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.