Chủ động và linh hoạt
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Phú Thọ khiến nhiều trường mầm non phải cho học sinh nghỉ học (dừng đến trường). Tuy không thể triển khai các hoạt động giáo dục trực tiếp cho trẻ nhưng thay vào đó, nhiều trường đã tận dụng các phương tiện, nền tảng mạng xã hội để truyền tải kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà cho phụ huynh.
Xã Chu Hóa là tâm dịch của thành phố Việt Trì nói riêng của tỉnh Phú Thọ nói chung, dịch bùng phát từ ngày 17/10 đồng loạt các trường học đã phải cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/10. Trên tinh thần “trẻ dừng đến trường nhưng không dừng học”, Trường Mầm non Chu Hóa đã chủ động xây dựng nội dung, đồng thời kết nối với phụ huynh cùng chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường.
Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo tới giáo viên chủ nhiệm các khối lớp thật sát xao trong việc thông tin 2 chiều với cha mẹ học sinh hàng ngày để nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ tại nhóm lớp của mình và có báo cập nhật số liệu từng ngày nhằm rà soát các trường hợp F0, F1 có thể xuất hiện trong thời điểm dịch bệnh bùng phát để có ứng phó kịp thời cùng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của địa phương.
Ngoài ra, thông qua các trang nhóm Zalo, Facebook, Viber…của nhóm lớp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối kết hợp với các bậc phụ huynh với các nội dung hướng dẫn phụ huynh các chăm sóc xây dựng thực đơn, chế độ ăn của trẻ ở gia đình hợp lý khoa học, kiểm tra sức khỏe trẻ về chiều cao, cân nặng khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu…
Tại Trường Mầm non Thụy Vân (thành phố Việt Trì), năm học 2021-2022, nhà trường có 410 học sinh, trong đó có 3 lớp 5 tuổi với 126 học sinh, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường cũng được nhà trường thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Mục tiêu chung là trẻ em được đảm bảo an toàn, chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng cao. Trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1 bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Theo quy định, nhà trường không dạy trực tuyến cho trẻ mà hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ các hoạt động vui chơi, học tập tại gia đình trong thời gian chưa đến lớp để phòng, chống dịch.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thành phố, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên trang bị những kỹ năng cần thiết cho học sinh trong thời gian nghỉ dịch tại nhà như: kỹ năng phòng chống dịch; tự chăm sóc bản thân, kỹ năng học đọc, kỹ năng tập tô, viết các chữ cái, tên của mình.... theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Trong quá trình triển khai, tất cả giáo viên trong trường đều thực hiện linh hoạt, ứng dụng tối đa kỹ thuật, công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng, đảm bảo đầy đủ khối lượng kiến thức và kỹ năng theo quy định của chương trình giáo dục mầm non.
Cũng theo cô Hoa, nội dung bài giảng thường là những câu chuyện, bài thơ, bài hát, những trò chơi và hoạt động tạo hình sáng tạo, đơn giản, dễ làm... để các bé có thể thực hiện được ở nhà. Dù là sản phẩm do trường tự sản xuất nhưng qua theo dõi, các video này có nội dung rất phong phú, dễ hiểu.
Không chỉ có hình ảnh giáo viên mà song song với lời hướng dẫn của giáo viên còn có những hình ảnh sinh động minh họa cho lời hướng dẫn nên rất dễ làm theo, rất phù hợp với trẻ em.
Bằng hình thức học này, các bé không chỉ thích thú khi vẫn nhìn thấy cô giáo mà còn được học và làm mọi việc không khác gì ở trên lớp. Riêng trẻ 5 tuổi, giáo viên lựa chọn nội dung cốt lõi, cần thiết và chú trọng việc nhận dạng, làm quen chữ cái, số, tập tô nét chữ... nhằm giúp trẻ có nền tảng vào lớp 1.
Sẵn sàng chuyển trạng thái dạy và học
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Phú Thọ có nhiều dấu hiệu tích cực. Ngày 15/11 học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung được trở lại trường học.
Cô giáo Hoàng Thị Kim Liên, Hiệu trường Trường Mầm non Thanh Đình (TP Việt Trì) chia sẻ: Trẻ trở lại trường sau một thời gian nghỉ dịch là điều vô cùng phấn khởi đối với nhà trường là phụ huynh. Tuần đầu tiên khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, nhà trường yêu cầu giáo viên tạo tâm thế thư thái trong học tập và tinh thần chống dịch cho học sinh; không nhồi nhét kiến thức, không giao nhiệm vụ quá tải; tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh.
Căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh mục tiêu, nội dung giáo dục theo chủ đề phù hợp với các độ tuổi. Ôn tập lại những kỹ năng mà trẻ đã được cô giáo hướng dẫn trong thời gian nghỉ ở nhà. Rèn thêm các kỹ năng còn yếu của trẻ ví dụ kỹ năng nhận biết so sách các sự vật...
Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, nhà trường ưu tiên lựa chọn một số mục tiêu giáo dục cốt lõi, cần thiết; xây dựng nội dung và các hoạt động giáo dục đảm bảo đều ở các lĩnh vực phát triển; tăng cường các hoạt động giúp trẻ đạt được kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị tốt cho trẻ em tâm thế để vào học lớp 1.