(GD&TĐ) – Một HS tiểu học đã đánh một bạn trai khác và vi phạm quy định của nhà trường, khiến GV đưa ra những hình phạt, bao gồm cả bằng roi. Ngày hôm sau, mẹ của HS gọi điện tới nhà trường và đe dọa báo cảnh sát nếu con mình bị quật bằng roi. Nhà trường vẫn chưa quyết định hình phạt của cậu HS này.
Một lớp học ở Singapore |
Trong khi đó, một HS tại trường khác, từ chối không tham gia vào một hoạt động thể thao với bạn bè, mặc dù được giáo viên của em đó huyến khích. Mẹ của HS này cũng cảnh báo GV về việc bảo con bà cần phải làm gì.
Cho dù những hành vi như trên của các bậc phụ huynh là thiểu số và cực đoan, những câu chuyện trên đã phản ánh nỗi lo ngày càng tăng của hầu hết các nhà giáo dục Singapore ngày nay. Trong những năm gần đây, các bậc phụ huynh ngày càng trở nên lớn tiếng và đòi hỏi, khiến GV phải chịu thêm áp lực.
Các bậc phụ huynh muốn có tiếng nói trong một loạt các vấn đề như quản lý phòng học, phương pháp giảng dạy và có người còn đối mặt với GV, hoặc đe dọa đưa ra truyền thông – các nhà giáo dục cho biết. Trong khi đó các bậc phụ huynh nói rằng họ chỉ muốn điều tốt đẹp nhất cho GV của con cái mình.
Bộ trưởng GD Singapore Heng Swee Keat đã nói rằng Bộ này sẽ đứng về phía GV có hành động đúng đắn, bao gồm duy trì kỷ luật và thúc giục các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ GV.
Ông Heng Swee Keat cho rằng những bậc phụ huynh vô lý không phải là nhiều và cho biết “một mặt GV có một nhiệm vụ khó khăn khi phải cư xử với phụ huynh. Chúng tôi sẽ trang bị cho GV cách cư xử với những phụ huynh lớn tiếng”. Bộ trưởng GD Singapore cho rằng nếu không làm như vậy điều này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chuẩn kỷ luật và việc học tập của trường, tạo ra cảm giác bất công trong phụ huynh nếu yêu cầu của họ được xử lý khác nhau. “Khi nhà trường áp dụng hình phạt, mục tiêu không phải là phạt cá nhân (em HS đó) mà giúp HS học được bài học và giúp HS khác biết được điều đúng, sai.
Trong khi các trường áp dụng những cách thức như gặp gỡ phụ huynh, gửi email để giữ liên lạc, từng lời than phiền của phụ huynh sẽ được điều tra rốt ráo. Nếu có sai phạm, GV sẽ chịu trách nhiệm và phải xin lỗi – các nhà GD nói.
Nhà xã hội học Tan Ern Ser nói, các bậc phụ huynh trở nên to tiếng khi họ bị áp lực về việc học hành của con, họ lo con mình không thể theo được hoặc không thể vượt trội. “Chúng ta cũng đang trở thành một xã hội tiêu dùng hơn, theo đó phụ huynh và con cái họ coi mình là khách hàng và GV, nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ” – ông Tan nói và cho biết thêm rằng nhiều bậc phụ huynh còn có khả năng ngang bằng hoặc cao hơn GV và họ nói GV những chỗ mà họ cho là chưa đúng.
Ông Tan kêu gọi phụ huynh và trường học hợp tác chặt chẽ hơn, nếu không GV sẽ trở nên mệt mỏi, nản chí và vô tình truyền sự tiêu cực này cho HS và hậu quả là HS là nạn nhân.
Hà Châu (Theo Today)