Ngoại ngữ - 'đòn bẩy' cho lao động thời 4.0:

Nhà trường đón đầu xu thế, doanh nghiệp 'đặt gạch' nhân sự giỏi

GD&TĐ - Các công ty lớn luôn cần tuyển nhân sự để đáp ứng nhu cầu sản xuất song việc tuyển lao động đủ năng lực, có cả tay nghề và ngoại ngữ không đơn giản.

Người lao động mới được phỏng vấn, chia sẻ về cơ hội thăng tiến, học ngoại ngữ tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Bắc Giang.
Người lao động mới được phỏng vấn, chia sẻ về cơ hội thăng tiến, học ngoại ngữ tại Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Bắc Giang.

Các công ty lớn luôn cần tuyển nhân sự để đáp ứng nhu cầu sản xuất song việc tuyển lao động đủ năng lực, có cả tay nghề và ngoại ngữ không hề đơn giản. Do vậy, mô hình nhà trường - doanh nghiệp “bắt tay” đào tạo nghề sẽ là lời giải hay cho bài toán trên.

“Bắt mạch” nhân sự ở công ty “khủng”

Là một trong những doanh nghiệp FDI hàng đầu tại Việt Nam đặt nhà máy trong Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), ông Châu Nghĩa Văn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) chia sẻ, vấn đề tuyển dụng nhân sự rất quan trọng vì họ chính là những người sẽ xây dựng doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Châu Nghĩa Văn, các nhà máy tại các khu công nghiệp như VSIP (Bắc Ninh), Quang Châu và Vân Trung (cùng ở Bắc Giang)... cần khoảng 21.000 nhân sự trong 6 tháng cuối năm 2024. “Đây là cơ hội để kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động phổ thông, nhất là các sinh viên mới ra trường, có việc làm ổn định với thu nhập bình quân từ 9 - 12 triệu đồng/tháng...”.

Lý giải tại sao cần nhiều nhân sự vậy, ông Văn phân tích tình hình kinh tế quốc tế năm nay và sang năm dự báo có chiều hướng đi lên. Do đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng lên nhưng thị trường lao động chưa cung cấp đủ nhân lực.

Foxconn tại Việt Nam đề ra bốn hình thức tuyển dụng. Đó là đẩy mạnh tuyển dụng lao động qua giới thiệu của trung tâm việc làm, khích lệ công nhân viên giới thiệu nhân sự mới, thu hút lao động ngoại tỉnh và truyền thông qua các trang mạng xã hội, website của công ty.

“Số người sử dụng mạng xã hội, nhất là thanh niên khá đông, do vậy công ty hướng tới tuyển dụng qua trang web, fanpage Facebook, kết hợp livestream trên TikTok và Facebook. Sinh viên năm cuối có cơ hội thành nhân viên chính thức với lương cao ngay khi tốt nghiệp.

“Khi được nhận vào làm, các bạn sẽ hưởng phúc lợi, lương cao hơn các ứng viên được tuyển dụng theo cách thông thường từ 5 - 10%. Chúng tôi đã có được nhiều nhân sự qua đào tạo và tiết kiệm chi phí” - ông Văn lý giải.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng này cho biết, khi các nhân sự vào làm việc, công ty sẽ có bộ phận đánh giá hiệu quả của các kênh tuyển dụng như kỷ luật, tác phong công nghiệp, cũng như hiệu quả công việc để có sự so sánh, đặc biệt ưu tiên lao động biết ngoại ngữ.

Cơ hội nâng cao tay nghề ở nước ngoài

Ông Đỗ Quân - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam – cho biết, công ty có nhu cầu tuyển 3.000 - 4.000 người/tháng, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2024.

Với việc tuyển lao động kỹ thuật chất lượng cao, Luxshare-ICT Việt Nam đã kiến nghị các trường điều chỉnh một số nội dung đào tạo và ưu tiên cho sinh viên chuyên ngành kỹ thuật tiếp xúc sớm với máy móc, thiết bị tự động.

Ngoài hỗ trợ nhà trường trang thiết bị dạy học, doanh nghiệp còn mở rộng cửa đón sinh viên đến trải nghiệm thực tế. Công ty còn có hình thức đào tạo kết hợp với một số trường tại Trung Quốc để sinh viên kiến tập.

“Chúng tôi đang hợp tác với nhiều trường đại học tại Hà Nội và Thái Nguyên, hỗ trợ sinh viên có việc làm phù hợp và thăng tiến sự nghiệp. Các bạn học chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật thường làm kỹ sư công nghệ sản phẩm, quản lý chất lượng. Còn bạn nào học ngoại ngữ sẽ đảm nhiệm các vị trí làm việc với khách hàng đòi hỏi song ngữ Trung – Anh” - ông Quân nhắn nhủ.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, quý 3/2024, doanh nghiệp tại tỉnh cần đến hơn 37.000 lao động, tập trung vào nhóm lao động phổ thông (khoảng 60%). Nhiều công ty, tập đoàn có đãi ngộ lớn để tuyển nhân sự có tay nghề, đã qua đào tạo bởi Bắc Giang được quy hoạch là trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao.

“Đây là cơ hội tốt cho lao động có tay nghề, sinh viên sắp ra trường, người có trình độ đại học và kỹ sư trở lên tìm được việc làm có thu nhập cao. Tính chất công việc của lao động có tay nghề là ổn định, mức lương và đãi ngộ chắc chắn cao hơn. Nhưng lao động phổ thông cũng đừng quá lo lắng vì sẽ được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và có cơ hội cải thiện thu nhập…” - đại diện trung tâm bày tỏ.

ngoai ngu don bay cho lao dong (3).jpg
Ông Châu Nghĩa Văn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải.

“Bắt tay” với doanh nghiệp, sinh viên lợi đôi đường

TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, lao động qua đào tạo công nghệ cao, có kỹ năng tay nghề thành thạo, làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Nếu lao động có trình độ ngoại ngữ, họ sẽ hiểu, nhanh nhạy nắm bắt những yêu cầu, chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài cũng như bảng biểu, tài liệu, hướng dẫn, tiêu chuẩn của máy móc, trang thiết bị, sản phẩm. Từ việc thông hiểu ngoại ngữ, người lao động nâng cao năng suất, chất lượng công việc tốt hơn hẳn.

“Để thu hút được doanh nghiệp hợp tác đào tạo cùng nhà trường thì trước hết nhà trường phải khẳng định được chất lượng đào tạo, tạo niềm tin tưởng để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, đồng hành.

Qua các hội thi kỹ năng nghề của TP Hà Nội, của quốc gia, của ASEAN, Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội đã giành được rất nhiều giải thưởng, cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, bộ ngành, thành phố. Ngoài ra, sinh viên sau tốt nghiệp đã dần khẳng định được kỹ năng nghề và trở thành những chuyên gia hàng đầu của doanh nghiệp…” – TS Lê Danh Quang cho biết.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Quang, doanh nghiệp muốn thu nạp được “đầu ra” tốt của nhà trường, phải hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, trao tặng học bổng và đồng hành trong suốt quá trình đào tạo. “Khi sinh viên được đào tạo tốt về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, đương nhiên các em sẽ cạnh tranh tốt với các ứng viên khác trong thị trường lao động”.

Cũng theo ông Quang, việc kết hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường giúp sinh viên tiếp cận được tài liệu, trang thiết bị hiện đại, tham gia vào quá trình sản xuất ngay thay vì doanh nghiệp phải đào tạo lại, tiết kiệm được chi phí, thời gian.

Về mô hình đào tạo ngoại ngữ, TS Lê Danh Quang cho rằng, cần áp dụng đào tạo thực chiến. “Đào tạo phải gắn với chuyên môn, tức là tăng cường đào tạo giao tiếp để sinh viên tự tin phản xạ trong giao tiếp.

Ngoại ngữ chuyên ngành cần xây dựng theo chuyên môn nghề để các em học tập, ứng dụng, khai thác trong thực tế. Không thể học một chương trình hướng này, làm nghề theo một hướng khác. Làm sao để ngoại ngữ là phương tiện linh hoạt, hiệu quả, giúp các em phát huy tốt nhất kiến thức kỹ năng nghề…”, TS Quang nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định: Với các bạn trẻ có các kỹ năng mềm và ngoại ngữ là đã giành “điểm cộng” trước các nhà tuyển dụng.

Người lao động phải chủ động tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp và tự trang bị kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, trau dồi ngoại ngữ để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động. Ngoại ngữ là công cụ hữu hiệu giúp các bạn trẻ thêm nhiều hướng đi phát triển tốt trong công việc. Thoát khỏi tư duy ngoại ngữ chỉ là một môn học, thay vào đó xác định rõ ràng rằng đây là một kỹ năng sinh tồn cần có trong xã hội hiện đại, khi đó năng lực ngoại ngữ mới có thể cải thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.