Thu ca Hà Nội

GD&TĐ - Từ bao đời nay, mùa thu vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nghệ thuật bởi vẻ đẹp, vẻ quyến rũ đến mê hoặc.

Thu Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh
Thu Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh

Mùa thu lãng mạn, chút u buồn vấn vương, nét duyên dáng tuyệt vời của hương sắc níu chân, mời gọi bao du khách đến với trời thu Hà Nội. 

Với vẻ đẹp không nơi nào có thể sánh được, mùa thu Hà Nội rất đặc biệt với vẻ phiêu lãng, nét lôi cuốn không cưỡng nổi, mùa thu Hà Nội đã lả lướt nhẹ bay vào những nốt nhạc, thổi vào tâm hồn ta những rung cảm như thực như mơ và những bản tình ca về mùa thu Hà Nội luôn luôn là những bản tình ca phiêu bồng, đẹp nhất chạm vào hồn ta, ru ta vào những ngọt ngào, say đắm. 

Cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã làm nên một mùa thu Hà Nội đẹp đến nao lòng trong bản nhạc đẹp “Nhớ mùa thu Hà Nội” nổi tiếng. Trong bản tình ca tuyệt vời này có tất cả nét đẹp đặc trưng cho Thủ đô ngàn năm văn hiến: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…. Mùa hoa sữa về thơm về thơm từng ngọn gió, màu cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua…”.

Đẹp nhất, quyến rũ nhất vẫn là vẻ đẹp của Hồ Tây chiều thu dát vàng trên từng sóng nước trong cái mênh mang lan tỏa “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…”. 

Mùa thu Hà Nội đẹp đến khó tin như vậy để cho một Phú Quang mời gọi ta quay về một chiều thu trong tha thiết “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ tôi vội vã trở về…”, trở về để được cảm nhận những con phố nhỏ Hà nội mùa thu, những hình ảnh đã trở thành nỗi nhớ, sự trông ngóng, chờ đợi, thành nỗi ám ảnh khôn nguôi khi phải xa Hà Nội: “Vội vã trở về, vội vã ra đi, chẳng thể nào qua từng con phố. Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió. Và rêu xanh bên những gốc cây già… Tôi vội vã trở về để nghe tim rưng rưng trong nước hồ thu” (Hà Nội ngày trở về)

Là một người con của Hà Nội, nhạc sĩ tài năng Phú Quang đã có nhiều, rất nhiều những bài hát tuyệt hay về Hà Nội và nàng thu kiều diễm của mảnh đất Thủ đô đã được nhạc sĩ ngợi ca trong những bản tình ca của mình thật ngọt ngào, sâu lắng như chính tâm hồn người Hà Nội.

Trong bản tình ca “Im lặng đêm Hà Nội” là một giai điệu buồn, khắc khoải của một đêm thu Hà Nội u sầu với hương hoa sữa nồng nàn quyện với hương thơm mê mẩn của các loài hoa trong đêm lan tỏa thấm sâu vào con tim đưa ta đến một không gian thu Hà Nội sâu lắng “Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn…đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương. Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ lan sâu thẳm. Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về…”. 

Với “Có phải em mùa thu Hà Nội”, nhạc sĩ Trần Quang Lộc còn làm con tim ta thổn thức hơn nhiều trong cái miên man như chìm vào một mùa thu Hà Nội mê đắm hơn, si mê hơn đến nỗi tác giả phải thảng thốt hỏi mãi “có phải em mùa thu Hà Nội” trong ngất ngây, đắm đuối: “Tháng Tám mùa thu lá vàng rơi chưa nhỉ… Có phải em là mùa thu Hà Nội, tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi… Có phải em là mùa thu Hà Nội, nghìn năm sau ta níu bóng quay về. Ơi mùa thu của ước mơ”. 

Mùa thu Hà Nội đã trở thành ước vọng của những người con đất Việt, trở thành khao khát được chiêm ngưỡng, được trở về dù nơi chân trời góc bể nào vẫn còn đó mùa thu Hà Nội gọi réo ta quay về, về với mảnh đất ngàn năm văn hiến, đã có một bề dày lịch sử hơn một ngàn năm, hơn một ngàn mùa thu đã đến trên mảnh đất thiêng liêng này, ngàn mùa thu đã mê hoặc trái tim ta, níu kéo ta trở về với cội nguồn đất mẹ dấu yêu như trở về với vẻ đẹp vĩnh hằng của mùa thu Thủ đô. 

Dù ta có được thưởng thức mùa thu của thủ đô ánh sáng Paris, được chiêm ngưỡng những mùa thu vàng của nước Nga xa xôi, hay của nơi nào đó trên thế gian rộng lớn này ta cũng không bao giờ có thể lãng quên một mùa thu của trái tim ta, mùa thu Hà Nội của riêng ta, những người con đất Việt thân yêu, Tổ quốc mẹ hiền đã nuôi dưỡng tâm hồn ta, nâng ta lên trong vẻ đôn hậu của những vẻ đẹp thuần Việt, nhắc nhở ta về quê hương yêu dấu, gọi ta trở về cùng với những bản tình ca bất diệt về mùa thu Hà Nội.

Trong “Hà Nội mùa lá bay”, nhạc sĩ Hữu Xuân đã phác họa một Hà nội mùa thu thật đẹp, giản dị với hương hoa sữa, hương cốm ngọt ngào lan toả, có màu trắng tinh khôi áo học trò, có tiếng lá rơi như tiếng mùa thu nhẹ bước bên hồ Tây một chiều thu thơ mộng.

“Mùa thu, cốm đầu mùa dịu ngọt. 

Trên cao, hoa sữa hương 
ngạt ngào. 

Hồ Tây chiều hôm nay, nỗi nhớ ai 
những tháng ngày xưa ấy. 

Mưa Ngâu rơi, rơi trên mặt hồ. 

Gió heo may tím ngát mong chờ 

Tà áo trắng, tóc em bay trong chiều mùa thu. 

Ôi mùa thu, mùa thu Hà Nội "

Nhạc sĩ Trọng Đài lại cho ta một không gian khác, một bức tranh sinh động khác về Hà Nội trong những nốt nhạc tươi vui, rộn rã của mùa hè vẫn tiếng ve sầu rả rích râm ran trong từng tán lá nhưng lại vẫn gợi niềm háo hức về một mùa thu Hà Nội, mùa thu đó có màu áo tinh khôi học trò, có hàng me, có tiếng rao đêm, có điệu dân ca, có tiếng sấu rơi trong “Hà Nội đêm trở gió”. Có một mùa thu Hà nội tươi xinh, lộng gió trên từng khuôn mặt học trò phơi phới: “Hà Nội ơi, tươi xanh màu áo học trò.

Những con đường thân quen còn đó. Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm… Ta nhớ không quên những tháng năm qua. Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai là nhắc đến những kỉ niệm đã qua. Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng Mười…chiều mùa thu gió về rộng trên phố phường, nắng vàng hồng tươi những nụ cười. Hà Nội ơi ta nhớ không quên. Hà nội ơi trong trái tim ta”.

Những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của những bản tình ca về mùa thu Hà Nội trú ngụ mãi trong con tim ta, nuôi dưỡng tâm hồn ta về cái đẹp, cái đẹp đã cứu rỗi thế giới, cái đẹp đã làm nên cốt cách tinh hoa của những con người Hà Nội tài hoa, lịch lãm, quý phái.

Như một ai đó đã từng yêu mùa thu Hà Nội đến si mê: “Thu Hà Nội yên ả, rải rác lá vàng trên từng con phố trải gót bước chân lãng du của những kẻ tình si”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.