Ðào tạo lại có vai trò quan trọng như đào tạo các hệ bậc tập trung hiện nay |
Giải pháp rất đáng chú ý này là của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long – Trưởng phòng đào tạo ĐH&SĐH (ĐH Giao thông vận tải)
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long, làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội luôn là yêu cầu, đòi hỏi trách nhiệm của những người làm công tác đào tạo. PGS Nguyễn Ngọc Long cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, trước hết phải tập trung đổi mới công tác tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo.
Cụ thể, cần kết hợp đào tạo tập trung và đào tạo thường xuyên trong việc mở rộng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Câu hỏi đặt ra là, giải pháp nào cho mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo với nhu cầu xã hội để tạo lập uy tín cho trường. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường cần đổi mới quan niệm đào tạo. Hiện nay, các trường còn nặng về đào tạo theo kế hoạch.
Theo đó, hàng năm xây dựng chỉ tiêu đào tạo các bậc học, hệ đào tạo và tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức đào tạo theo hướng này. Điều đó là cần thiết, tuy nhiên chưa đủ bởi trong thực tế hiện nay, nhiều tổ chức sử dụng nguồn nhân lực phải đào tạo lại các kỹ sư sau khi tốt nghiệp. Để tận dụng ưu thế về trình độ lý luận, sự cập nhật thông tin nhanh, nhà trường cần kết hợp với các doanh nghiệp để cùng tham gia quá trình đào tạo lại bằng việc tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn để phục vụ thiết thực nhu cầu thực tế của doanh nghiệp đồng thời gắn thực tiễn trong đội ngũ giảng dạy và tăng nguồn kinh phí trong hoạt động đào tạo cho nhà trường.
PGS. Long cho rằng, công tác đào tạo lại có vai trò quan trọng như đào tạo các hệ bậc tập trung hiện nay. Giải pháp này tạo ra nguồn kinh phí không nhỏ, bổ sung nguồn kinh phí hàng năm của nhà trường và sẽ là thị trường vô tận không bao giờ ngưng nghỉ.
Vấn đề tiếp theo PGS. Nguyễn Ngọc Long đặt ra là điều chỉnh hợp lý mối quan hệ giữa quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo là 2 vấn đề thường luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Muốn tăng quy mô đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trong khi các điều kiện đi kèm như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất chưa được cải thiện thì hoàn toàn duy ý chí, mâu thuẫn và khó có thể thực hiện.
Trong chừng mực nào đó, theo PGS Long, giải pháp có tính khả thi, phù hợp với khả năng, điều kiện của nhà trường là mở rộng thêm các loại hình đào tạo như đào tạo chương trình chất lượng cao, liên kết với các trường ở nước ngoài để đào tạo theo 2 giai đoạn nhằm thu hút khả năng đóng góp từ người học. Tuy nhiên, có vấn đề nảy sinh là mô hình này (hiện đã được ứng dụng thí điểm ở một số trường) có tạo ra sự bất bình đẳng trong đào tạo hay không? Chúng ta cần chấp nhận chất lượng đào tạo tốt hơn cho 1 bộ phận sinh viên. Tuy nhiên, những sinh viên có điều khó khăn nhưng học tốt cần có chính sách hỗ trợ để các em có cơ hội được tham gia chương trình nhằm khuyến khích học tập và phát hiện bồi dưỡng sinh viên có năng lực.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, vấn đề thứ ba PGS Long đề cập đến là nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý đào tạo. Để thực hiện được điều này cần tập trung vào một số vấn đề như: tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ; đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới phương pháp đánh giá kết quả.
Riêng với đào tạo theo tín chỉ hiện các trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai. PGS Long cho rằng, cần xây dựng lộ trình triển khai một cách hợp lý, giúp nhà trường tránh được kiểu triển khai hình thức, dàn đều, giảm chất lượng đào tạo, gây tâm lý dị ứng với đào tạo tín chỉ. Cần thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi phương pháp học và đào tạo theo tín chỉ ở các cấp độ khác nhau giúp cho sinh viên hiểu đúng và đầy đủ hơn về loại hình đào tạo này. Cùng với đó, cần đưa các thông tin về đào tạo tín chỉ một cách rộng rãi, giúp sinh viên có thể thu nhận được dù họ đang ở đâu. Ngoài ra, cần có đội ngũ cán bộ trợ giảng để giúp giáo viên hoàn thành tốt các công việc của mình trong việc đánh giá chất lượng của từng sinh viên trong quá trình học tập một cách chính xác và có chương trình học tập tốt hơn.
Về phương pháp đánh giá kết quả, để cải thiện chất lượng đánh giá cũng như cải thiện chất lượng đào tạo, giáo dục đại học trên thế giới đã chuyển từ đánh giá kết quả cuối cùng sang đánh giá quá trình học tập. Phương pháp này tạo sự tương tác và tham gia tích cực của người học trong quá trình tiếp thu kiến thức. Tài liệu, sách vở hiện nay rất nhiều nhưng rõ ràng chưa thể thay thế được vai trò của người giảng viên. Giảng viên vẫn là người có nhiều thông tin nhất để đánh giá chính xác chất lượng học tập của mỗi sinh viên. Vì thế, thái độ tôn trọng quyền giảng viên trong khâu đánh giá người học là rất quan trọng.
Như vậy, trong quản lý đào tạo cần chú ý cơ chế trao quyền nhiều hơn cho người dạy và tăng tính tự chủ trách nhiệm cao. Những phiếu đánh giá định kỳ người học, những thông tin từ người học về đạo đức người thầy sẽ là những căn cứ quan trọng để lãnh đạo nhà trường ứng xử với người dạy ở góc độ nhà quản lý.
Cuối cùng, theo PGS Nguyễn Ngọc Long, được học ĐH là một cơ hội lớn. Nó là trách nhiệm của thầy và trò. Sự nỗ lực từ phía các thầy cô là tất yếu nhưng sự nỗ lực của mỗi sinh viên trong từng buổi học mới chính là nền tảng quan trọng nhất để cải thiện chất lượng tích luỹ kiến thức.
N.N