Nhà thu nhập thấp mòn mỏi chờ ưu đãi

Nhà thu nhập thấp mòn mỏi chờ ưu đãi
Nhiều dự án nhà ở xã hội bị đình trệ vì tắc đầu ra
Nhiều dự án nhà ở xã hội bị đình trệ vì tắc đầu ra

(GD&TĐ) - Vài năm trước, khi mà thị trường bất động sản sôi sùng sục, giới đầu cơ với tay sang cả thị trường nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp khiến việc mua loại nhà này vô cùng khó khăn. Nay khi thị trường nhà đất nguội lạnh thì người có nhu cầu thực sự đăng kí suất mua không còn khó. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất với họ là làm sao vay được tiền từ gói tín dụng ưu đãi…

Nhà giá rẻ vẫn quá sức người nghèo

Điều kiện để có thể đăng kí mua nhà thu nhập thấp tương đối khắt khe, ví dụ: Đối tượng thuộc diện được mua phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên; phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các quận và đối tượng hưởng lương ngân sách có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại các huyện; chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5m2 sử dụng/ người;  mỗi gia đình hoặc cá nhân chỉ được làm 1 bộ hồ sơ, khi khách hàng không đủ điều kiện mua tại dự án sẽ được trả lại bộ hồ sơ để nộp đăng kí vào dự án khác…

Đối tượng mua hạn hẹp như vậy nhưng chỉ cách đây vài năm, đăng kí mua nhà thu nhập thấp chỉ chờ “ăn may” vì số hồ sơ đăng kí gấp dăm lần số căn hộ cung ứng của các dự án. 

Tuy nhiên tình hình hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Giới đầu cơ đã “buông” thị trường nhà thu nhập thấp do thị trường bất động sản nguội lạnh, cộng với việc mua đi bán lại loại nhà này vướng mắc thủ tục pháp lí… Nghĩa là nhà thu nhập thấp đã trở về với đúng khách hàng “thu nhập thấp” của mình. Và khi mà đối tượng khách hàng chủ đạo của nhà thu nhập thấp không “với tay” tới được thì đương nhiên nhà thu nhập thấp rơi vào ế ẩm.

Trên địa bàn Hà Nội, các dự án nhà thu nhập thấp nằm tại những khu vực tương đối tiện lợi cho sinh hoạt và làm việc có giá dao động khoảng 11 – 13 triệu đồng/ m2 và như vậy thì giá mỗi căn hộ khoảng 70m2 cũng có giá tới gần 1 tỉ đồng.

Cho dù nếu có vay được từ gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà của Chính phủ thì với lãi suất 6% trong thời hạn 10 năm thì mỗi tháng cũng phải trả trung bình khoảng 5 triệu đồng – đây là khoản tiền tương đối lớn với cả những gia đình thu nhập ổn định chứ chưa nói tới hộ thu nhập thấp, không ổn định.

Trông chờ giải ngân nhanh gói tín dụng

Nhà thu nhập thấp làm ra không bán được, nhiều dự án không thể triển khai vì bế tắc đầu ra. Điều đó tạo ra hiện trạng thừa nhà “ảo” trong khi nhu cầu thực vô cùng lớn. Tính chung cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, trong đó TPHCM là khoảng 130.000 căn và Hà Nội khoảng 1.115.000 căn; nhu cầu cũng rất lớn ở các tỉnh phát triển công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương hoặc các vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Để mở lối thoát cho thị trường nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã quyết định dành gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/ năm để cho vay hỗ trợ nhà ở. Trong số này, có tới 20.000 tỉ đồng là dành hỗ trợ người dân có thu nhập thấp vay mua nhà để cải thiện chỗ ở. Tuy nhiên theo như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận thì việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi này vẫn còn chậm không như kỳ vọng.

Cũng theo ông Dũng thì trong thời gian tới, cũng khó kì vọng quá trình giải ngân nhanh bởi thủ tục giải ngân gói 30.000 tỉ đồng khá chặt chẽ. Đây là việc bắt buộc phải làm vì nguồn vốn ưu đãi này nhằm hỗ trợ một số đối tượng nhất định theo tiêu chí hỗ trợ.

Trong quá trình thẩm định, xét duyệt, nếu không làm chặt chẽ, sai đối tượng sẽ dẫn đến lợi dụng, tham nhũng, làm thất thoát và tạo dư luận xấu. Chẳng hạn, đối tượng đăng kí mua nhà thu nhập thấp khai là chưa có nhà ở, người kiểm tra chứng nhận phải đi kiểm tra.

Nếu trách nhiệm của chính quyền địa phương thì cán bộ ở đó phải đến xem là có thực hay không, phải chủ động quan tâm. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh trách nhiệm giải ngân nhanh không chỉ thuộc Bộ Xây dựng mà cả các ngân hàng, địa phương phải vào cuộc.

Trong quá trình giải ngân gói tín dụng, cũng cần có chính sách sửa đổi nhằm phù hợp hơn với khả năng chi trả tiền vay của đối tượng thu nhập thấp. Theo nhiều chuyên gia, nếu kéo dài thời hạn cho vay với đối tượng này lên 20 năm thay vì 10 năm thì mức trả mỗi tháng chỉ 2 – 3 triệu đồng/ tháng; cũng có thể xem xét hạ mức lãi suất 6% của gói 30.000 tỉ xuống 4 - 4,5%...

Đức Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ