Nhà thơ định nghĩa về... cửu vạn

GD&TĐ - Nhà thơ Cao Xuân Sơn định nghĩa nghề Cửu vạn theo cách riêng của mình như thế này: “Cửu vạn làng hiến răng, gồng mình/ là bốc, vác, thồ, gùi.../suốt đời hộc tốc”.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Thiếu đủ thứ trên đời

Riêng món mồ hôi

cửu vạn không được phép

Đường dốc, đường rừng, đường đèo...     chấp tuốt

việc ít người nhiều

giá nào cũng kết

chủ hàng nào cũng là ông trời

Cũng khi khơ khớ vớ mối lời

bù ế chỏng nghìn cơn ngáp vặt

bước ngẩn, bước ngơ chợt lo vàng mắt

của khó người khôn

tiền dại sao tiền?

Nắng và mưa

ngày và đêm

xa xỉ những khái niệm rỗng toác

cửu vạn là nghiến răng, gồng mình

là bốc, vác, thồ, gùi...

suốt đời hộc tốc

Ma nháo miếng cơm bây giờ... ồ, nhẹ hều

nhẹ hều với ai kia

với cửu vạn lô hàng này quá sức

Cửu vạn giấc mơ bước trồi, bước sụt

cửu vạn số phận dặm dài hun hút

hành trình mỗi cuộc người

vui nhỉ

bở hơi tai...

Cao Xuân Sơn

Lời bình của Đặng Toán

Làm công việc lao động phổ thông, nghề cửu vạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Sức khỏe, thời tiết, nhu cầu người sử dụng và cả sự may rủi nữa... Vậy nên, thu nhập khi “khơ khớ vớ mối lời” khi “ế chỏng nghìn cơn ngáp vặt” cũng là chuyện hết sức bình thường.

Do đặc thù, tính chất công việc mà những người làm nghề cửu vạn đã kịp xác định cho mình một tâm thế, một thái độ biết chấp nhận: “Đường dốc, đường trơn, đường đèo... chấp tuốt/việc ít người nhiều/giá nào cũng kết/chủ hàng nào cũng là ông trời”.

Nghe cứ thản nhiên, tưng tửng như không mà ẩn chứa trong đó biết bao khó khăn, thậm chí là nguy hiểm của cái nghề không được phép thiếu món mồ hôi này. Chữ “chấp tuốt” tác giả dùng khá chuẩn, nó thể hiện được một tư thế hết sức chủ động trong công việc, sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan, khổ nhọc.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai trong bài “Chợ đêm Long Biên” cũng nói về thân phận những nữ cửu vạn với nhiều đồng cảm, xa xót: “Nữ nhi cửu vạn đêm dài/Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người”... Câu lục bát với hình ảnh gợi nhiều liên tưởng đã thực sự gây xúc động trong lòng người đọc. Cao Xuân Sơn lại khác.

Bằng thể thơ tự do khá tung tẩy với cách nói dân dã, hình ảnh chân thực thậm chí trần trụi. Nhà thơ khắc họa chân dung người lao động ở một góc nhìn nhẹ nhàng hơn song vẫn rất sắc nét với sự trân quý và đồng cảm.

Viết về một nghề mưu sinh nặng nhọc, nguy hiểm song bài thơ không hề có những câu, những chữ gây cảm giác chán nản, buồn bực hay than thân trách phận.

Ngược lại, những câu thơ giầu chiêm nghiệm: “Cửu vạn giấc mơ bước trồi, bước sụt/cửu vạn số phận dặm dài hun hút/hành trình mỗi cuộc người/vui nhỉ/bở hơi tai...” đã thể hiện sự thấu cảm và trên hết là một thái độ quý trọng đối với người laođộng.

Cũng cần nói thêm một chút về cách sử dụng từ ngữ của tác giả. Ngoài những chữ hết sức dân dã như lời ăn tiếng nói của người lao động: Chấp tuốt, vớ mối lời, ngáp vặt, nhẹ hều...

Những câu tục ngữ, thành ngữ cũng được biến hóa linh hoạt: Lo vàng mắt, của khó người khôn, manh áo miếng cơm, vui bở hơi tai... Đã khiến cho bài thơ hết sức mộc mạc, gần gũi đời thường mà vẫn không kém phần sinh động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ