Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng tràn đầy năng lượng với nghề

GD&TĐ - Gặp nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Phó Trưởng ban Thời Nay, báo Nhân Dân) lúc nào cũng thấy anh tràn đầy năng lượng với nghề và cuộc đời.

Bìa các cuốn sách của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: NVCC
Bìa các cuốn sách của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: NVCC

Dù bận bịu với công việc “chăm lo” bài vở mảng văn hóa, văn nghệ và xã hội cho báo Thời Nay nhưng có những thời điểm thấy gần như mỗi ngày lại thấy anh đăng lên Facebook một bài thơ mới.

Từ từ mà tiến

Trong mắt nhiều người, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng luôn gần gũi, cởi mở, thân thiện, dễ mến. Ở đâu đó trong những hội, nhóm phóng viên theo dõi mảng văn hóa, văn nghệ lại nhắc về anh như một người bạn, người đồng nghiệp thân thiết.

Anh luôn sẵn sàng ngồi lại lắng nghe, trao đổi với đồng nghiệp về những vấn đề của đời sống văn hóa, văn nghệ. Những chia sẻ của người làm báo lâu năm như anh luôn là chỗ dựa tin cậy để đồng nghiệp tham khảo. Đặc biệt, anh không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết với những đồng nghiệp trẻ.

Nguyễn Quang Hưng làm thơ hay, viết báo sắc sảo và sở hữu giọng hát cũng rất trữ tình. Có lần nghe anh hát bài “Sông Lô chiều cuối năm” của nhạc sĩ Minh Quang trong một hội thi ca hát của các cơ quan Đảng mà cứ ngỡ ca sĩ chuyên nghiệp hát vậy. Không những vậy, anh còn có duyên hát quan họ mà nhiều người cứ ngỡ anh sinh ra ở làng quan họ nào đó trên miền quê Kinh Bắc.

Chẳng những thế mà nhiều người gọi vui là anh hai Hưng. Thực ra, nhân duyên đó đến với Quang Hưng từ khi là sinh viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh có những dịp “xách cặp” theo thầy giáo - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ về thực địa một số làng quan họ.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học, một người bạn, người đồng nghiệp lâu năm của anh, khi nhìn thấy sự phát triển của Nguyễn Quang Hưng, liền “tặng” anh cụm từ “từ từ mà tiến” trong một bài viết. Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã yêu thơ, làm thơ và từng xuất bản chung tập thơ với 3 bạn cùng lớp. Ngày ấy, nhiều bạn bè cùng lứa thích mấy câu thơ của anh:

“Em em chị chị làm gì

Lòng tơ hiu hắt chỉ vì chị em

(...)Yếm kia buộc chị với chồng

Buộc em với luống cải ngồng

xót xa”.

Ra trường, chàng trai yêu thơ này đã thử sức ở nhiều cơ quan báo chí, như: Tạp chí Người bảo trợ, Tạp chí Sân khấu, Báo Nông thôn ngày nay và “bến đỗ” hiện nay là ấn phẩm Thời Nay của báo Nhân Dân.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng trong chuyến công tác ở Trường Sa. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng trong chuyến công tác ở Trường Sa. Ảnh: NVCC.

Yêu Hà Nội qua từng trang viết

Dễ dàng cảm nhận trong thơ và tản văn của anh là hai mảng lớn với những sắc màu, không gian của phố phường và thôn quê. Đó là một Hà Nội linh thiêng, hào hoa với sự “căng mình” đón thêm các dòng chảy văn hóa đậm bản sắc từ miền Sơn Nam Thượng, xứ Đoài, xứ Đông, xứ Bắc...

Cũng đúng thôi, nguyên quán anh ở phố Hàng Mành (Hà Nội), còn quê ngoại anh ở làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội), gia đình anh nhiều năm sống ở phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội).

Mỗi chuyến đi đi về về giữa quê nội, quê ngoại đã giúp anh có những chiêm nghiệm về con người, vùng đất và văn hóa của quê hương nghìn tuổi. Những bài tản văn, bài thơ và bài báo của anh tha thiết, nồng đượm, mang nhiều tâm tư, tình cảm và cả những trăn trở, day dứt về một Hà Nội đẹp và chưa đẹp.

Qua đó, mỗi người thấy một Hà Nội thân thuộc, gần gũi, thấy thêm yêu Hà Nội hơn và mỗi người cũng thấy cần phải làm gì cho Hà Nội trước những “vấn nạn” dai dẳng nhiều năm.

Có thể thấy tuổi thơ và cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho đến hôm nay đều được bao bọc trong “bầu không khí” của Hà Nội. Anh từng tâm sự, anh yêu thương Hà Nội cũng như mỗi người có gia đình, quê hương ở nơi này, nhưng yêu không có nghĩa là cái gì cũng ngợi ca một cách thái quá.

Yêu còn thể hiện ở trách nhiệm của người cầm bút trước những vấn đề “trái tai gai mắt”. Anh sử dụng trang viết như một ý kiến góp ý, phản biện tích cực, mong việc xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Trong mảng sáng tác thơ ca về Hà Nội, anh cũng không thể thiếu nhiều “ca từ” hay, đẹp cho Hà Đông yêu dấu của mình.

Anh đã không ít lần đem “thị xã Hà Đông” vào trong thơ với ký ức và hoài niệm khiến bạn đọc phải ứa nước mắt. Với anh, thì Hà Đông dù đã trở thành quận của Hà Nội 15 năm nay, dù đã có sự phát triển vượt bậc nhưng vẫn là một thị xã thân thuộc, gần gũi, bình dị, nơi chứa đựng, chứng kiến cả một thời ngây thơ, vụng dại của mình.

Sáng tác thơ về đại dịch Covid-19

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: NVCC.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: NVCC.

Lấy cảm hứng từ cuộc sống trong mùa dịch Covid-19 và nhiều vấn đề “nóng” khác của xã hội, thiên nhiên, con người, của đất nước, trong ba năm 2020, 2021 và 2022, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng liên tục xuất bản “bộ ba” tập thơ “mùa” độc đáo: “Mùa biến động”, “Mùa biến ảo”, “Mùa biến thái”.

“Khi có gì thôi thúc, khi nhận thấy có thể viết gì ngay, sáng tạo ngay từ thực tiễn sôi động đang ập vào trước mặt, thì tại sao lại chậm trễ, tại sao lại chối từ cảm xúc và ý thức công dân của chính bản thân mình.

Và nữa, nếu những gì văn nghệ sĩ làm ra ngay trong bối cảnh ngặt nghèo của đời sống, trong tình thế quẫn bách của đồng bào, có thể góp phần thức tỉnh, thúc giục, kêu gọi mọi người nghĩ về, hướng đến, góp một phần sức lực với những gì đang nguy nan, thì rất nên chứ! Sự chân thành, nhiệt huyết và ý thức sáng tạo để phản ánh sinh động đời sống sẽ giúp ta nói sớm, nói cùng lúc, để cộng hưởng với hoàn cảnh”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cũng khẳng định, văn nghệ sĩ nói chung thì không thể tách rời cuộc sống. Thế nhưng, việc khai thác thực tế, xây dựng ý tưởng rồi sáng tác thì mỗi người lại có cách thức khác nhau, cũng như trong quá trình sáng tạo có những kinh nghiệm, kĩ năng khác nhau.

“Tôi nghĩ, văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc bằng văn học nghệ thuật, và tôi thực hiện trách nhiệm một cách nghệ thuật. Chính thời cuộc, chính đời sống này cung cấp cho ta nguyên liệu để sống, dữ liệu để ta tạo nên tác phẩm của mình.

Kể lại câu chuyện đời sống, kể lại sự cấp bách này một cách nghệ thuật, khiến cho bạn đọc cũng cảm thấy cuộc sống đang xô đẩy, đang va đập, đang truy đuổi chúng ta cấp bách lắm, và con người phải điều chỉnh hành vi, điều chỉnh suy nghĩ, quan niệm để mọi thứ của chúng ta, xung quanh chúng ta tốt hơn, bền vững hơn”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bộc bạch.

“Mùa biến động”, “Mùa biến ảo” và “Mùa biến thái” có những nét tương đồng về thời điểm, hoàn cảnh ra đời cũng như là lí do, cảm hứng sáng tác. Đó là, bối cảnh dịch bệnh tấn công, đời sống người dân gặp nhiều sự cố, bất an và vất vả trong những cơn biến động.

Đó là cái cớ để Quang Hưng viết thành thơ. Ngoài ra, tạo nên 3 tập thơ đó, còn là những sáng tác ra đời trong cảm hứng về thời tiết cực đoan, nắng nóng, bão lụt, về những đổi thay chóng mặt của cuộc sống như đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, suy thoái thiên nhiên, mai một các giá trị văn hóa... Trong mấy năm qua, nhiều cảm xúc của anh đến từ những biến cố khách quan, tạo nên một trạng thái sáng tác thường xuyên, có khi liên tục và sôi nổi.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, với “Mùa biến động”, để tạo nên không khí ngột ngạt, chen chúc với rất nhiều cái bất ổn, anh đã sử dụng nhiều câu thơ dung lượng dài, dồn nén, đồng hiện và liên tưởng nhanh giữa các sự vật hiện tượng, nhiều đoạn không dùng dấu câu để thể hiện trạng thái bề bộn, dồn nén.

Sang “Mùa biến ảo”, việc sử dụng câu chữ có sự co gọn để đi đến nhiều hình ảnh khái quát. “Mùa biến động” cho cảm giác viết một cách rất thoải, tràn chảy, còn “Mùa biến ảo” có xu hướng cô đúc, bật ra những nhận định, những sự nhận ra sau nhiều chứng kiến, trải nghiệm.

Trong tập thơ “Mùa biến thái”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã “dẫn dụ” người đọc bằng tựa đề có cái tên “lạ”, có phần chế giễu, mỉa mai. Nhà thơ chia ra bốn phần: “Luận tội virus”, “Đất đai tai biến”, “Mình ở đâu”, “Chờ thiên điểu”. Trong phần “Mình ở đâu”, anh đã có những bài thơ nói về công việc của lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, bộ đội.

Họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng để ra “tiền tuyến” cứu chữa cho bệnh nhân, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thông qua những vần thơ của mình, anh đã tô thắm, làm rõ hơn vẻ đẹp của những “thiên thần” áo trắng, áo xanh đã góp phần không nhỏ để đất nước sớm vượt qua đại dịch, trở lại cuộc sống yên bình hôm nay.

Ý thức trách nhiệm của một nhà báo, nhà thơ luôn thôi thúc Nguyễn Quang Hưng không ngơi nghỉ trong hành trình sáng tạo. Anh vẫn và sẽ tiếp tục chiêm nghiệm trước những vấn đề xã hội đặt ra để rồi những suy nghĩ, trăn trở đó tiếp tục đi vào trang viết một cách đầy đặn, sâu sắc, uyển chuyển với góc nhìn đa chiều. Với lợi thế của mình, anh đã và đang tiếp cận và mang đến cho độc giả sự sinh động, hấp dẫn qua các thể loại báo chí, thơ và tản văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ