Nhà tạm lánh ở Thanh Hóa chưa phát huy hiệu quả?

GD&TĐ - Nhiều căn nhà tạm lánh cho người bị bạo hành ở Thanh Hóa 'ế khách'.

'Địa chỉ tin cậy' ế khách.
'Địa chỉ tin cậy' ế khách.

Nạn nhân không dám lên tiếng

Dư luận vẫn chưa quên vụ án nữ kế toán Trường Tiểu học Tân Phúc (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, cuối năm 2022) bị chính chồng cũ dùng dao chém nhiều nhát. Hệ quả, nạn nhân bị tổn hại 63% sức khoẻ.

Trước đó, thời điểm chưa ly hôn, chị L.T.Q. và chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn và bạo hành. Không chịu đựng được, sau đó cả hai ra toà ly hôn. Thế nhưng, người chồng cũ này liên tục điện thoại, nhắn tin, chửi bới, đe dọa giết nếu chị Q. không rời khỏi huyện Lang Chánh đến nơi khác sinh sống.

Thực hiện đúng như lời đe doạ, vào ngày 5/9/2022, chồng chị Q. là Chu Thành Tiến đã đến tận trường – nơi chị Q. làm việc, dùng 1 con dao (dạng dao rựa) chém nhiều nhát vào người chị, trong đó có 1 nhát trúng vào vùng đầu. Do chị Q. đội mũ bảo hiểm nên nhát chém đã không tước đoạt được mạng sống của chị Q. Chị Q. bị tổn hại 63% sức khỏe.

Chu Thành Tiến đã phạm tội Giết người và bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt hơn 13 năm tù giam.

Dù chị L.T.T. (xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) liên tục bị người chồng nghiện rượu chửi mắng, đánh đập, nhưng vì thương các con, chị T. cứ nhẫn nhịn chịu đựng mà không hề phản kháng hay có ý định nhờ chính quyền can thiệp.

Không chấp nhận chứng kiến mẹ liên tục bị bố bạo hành, con gái chị T. đã gọi điện tới “đường dây nóng” của “địa chỉ tin cậy” nhờ “giải cứu” mẹ mình.

“Bị chồng chửi, tôi chỉ biết im lặng chịu đựng. Tuy nhiên, càng nhẫn nhịn, anh ấy càng đập phá, chửi, đánh nhiều hơn. Nhiều lần, tôi muốn chấm dứt cuộc sống hôn nhân nhưng dừng lại vì thương các con. Năm ngoái, thấy bố mẹ như vậy, con gái tôi đã gọi cho tổ địa chỉ tin cậy nhờ giúp đỡ”, chị T. kể lại.

Thực tế cho thấy, những năm qua, toà án nhân dân các huyện miền núi tại Thanh Hóa vẫn thụ lý, giải quyết hàng trăm vụ việc hôn nhân gia đình, trong đó, hàng chục vụ được xác định nguyên nhân dẫn đến ly hôn xuất phát từ vấn nạn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nạn nhân lên tiếng cầu cứu đến “địa chỉ tin cậy từ cộng đồng” là không nhiều.

nha tam lanh o thanh hoa xem lai hieu qua (1).jpg
Những vật dụng trong căn nhà tạm lánh cho người bị bạo hành vẫn còn được cất trong tủ, chưa dùng đến.

“Địa chỉ tin cậy” ế khách

Được trang bị đầy đủ đồ dùng như một gia đình thu nhỏ, nhưng nhiều ngôi nhà tạm lánh thuộc mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ở Thanh Hóa đang trong tình trạng cửa đóng, then cài.

Bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh cho biết, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ở địa phương được thành lập tháng 12/2022, gồm 31 thành viên, địa điểm được đặt tại Trạm Y tế xã Tân Phúc.

Theo bà Xuân, tại mỗi địa chỉ tin cậy đều trang bị nhà tạm lánh, với đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và người báo tin.

Nạn nhân đến nhà tạm lánh được bảo vệ, khám sức khỏe, lo ăn uống, tư vấn miễn phí; phân tích các hành vi bạo lực, vòng tròn bạo lực, cách xử lý và ứng phó khi bạo lực xảy ra. Qua đó giúp nạn nhân dần ổn định tâm lý, nhận thức rõ vấn đề của mình và có hướng giải quyết.

Gần 2 năm đi vào hoạt động, các đồ dùng trong nhà tạm lánh ở địa phương này vẫn còn nguyên trong hộp; phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ như khách sạn, nhưng các thành viên trong tổ chưa phải mở cửa đón tiếp một nạn nhân nào.

“Mỗi lần đi tuyên truyền, chúng tôi đều nhấn mạnh khi xảy ra bạo lực, các nạn nhân hãy tìm đến “Địa chỉ tin cậy”. Song gần 2 năm qua, tất cả các tình huống tổ nhận được đều giải quyết bằng cách hòa giải, không ai phải đến nhà tạm lánh”, bà Xuân nói.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phúc cho hay, nếu như với những người làm dịch vụ khác, càng có nhiều khách càng tốt, thì đối với các thành viên trong tổ “Địa chỉ tin cậy”, nhà tạm lánh “ế khách” lại càng vui. Điều đó chứng tỏ nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên.

Nhà tạm lánh của “Địa chỉ tin cậy” xã Yên Khương, huyện Lang Chánh được đặt tại Trạm Y tế xã này cũng chung tình trạng trên.

Bà Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khương cho biết, các thành viên trong tổ ai cũng vui khi đồ đạc phục vụ cho các nạn nhân đến tránh trú tại ngôi nhà tạm lánh vẫn cất ở trong kho, chưa phải dùng đến.

Thống kê của Hội LHPN xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho thấy, gần 2 năm qua, “đường dây nóng” của “Địa chỉ tin cậy” xã Thanh Sơn chỉ nhận vỏn vẹn 1 cuộc điện thoại.

Ông Lương Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, những năm qua, nhờ mô hình “Địa chỉ tin cậy” số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn giảm mạnh.

“Năm 2021 trên địa bàn xã ghi nhận 22 vụ, đến năm 2023 giảm còn 6 vụ. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay chưa ghi nhận trường hợp nào. Nguyên nhân các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, rượu bia, cờ bạc, đói nghèo…”, ông Nhất thông tin.

Vốn là “điểm nóng” về bạo lực gia đình nên xã Thanh Quân, huyện Như Xuân có đến 2 “Địa chỉ tin cậy”. Bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Quân vừa mừng vừa lo khi hơn 2 năm qua nhà tạm lánh vắng khách và số cuộc gọi đến “đường dây nóng” chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo bà Tình, khi bị bạo lực, tâm lý của chị em phụ nữ vùng cao còn cam chịu, không dám gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ, đến tránh trú ở nhà tạm lánh. Những người phụ nữ này thường sợ chồng bị công an bắt, phải bỏ tiền nộp phạt cho chồng. Chính các chị em đang tiếp tay cho bạo lực gia đình và chưa biết cách bảo vệ mình.

Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân cho biết, trên địa bàn huyện có 4 mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Đến thời điểm này, may mắn tất cả các nhà tạm lánh chưa phải đón tiếp nạn nhân, ít cuộc gọi đến số “đường dây nóng”.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025). Mô hình là tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng. Mục đích là tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình; tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.