Họ sốt sắng đưa con lên Thủ đô xét nghiệm. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương quá tải ngay cả trong những ngày nghỉ. Số trẻ nhiễm sán lợn tăng qua từng ngày. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) liên tục có thông tin, khuyến cáo về bệnh sán lợn. Nhưng không chỉ phụ huynh xã Thanh Khương, nơi đầu tiên phát hiện ra sự việc mà cả huyện Thuận Thành đều lo lắng bởi nhà cung cấp thực phẩm cho các trường mầm non trên địa bàn huyện là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành (trụ sở đặt tại thành phố Bắc Ninh).
Nguyên nhân gây ra vụ bê bối trên bắt nguồn từ việc bếp ăn của Trường Mầm non Thanh Khương bị phát hiện dùng “thịt bẩn” chế biến thức ăn cho các cháu mầm non, khiến phụ huynh phẫn nộ. Nhiều nghi vấn được đặt ra trong việc cung cấp và kiểm soát thực phẩm cho các bếp ăn trường mầm non.
Và rồi, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Thuận Thành khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn cho các trường học; theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, hy vọng kết quả điều tra về vụ nhiễm sán lợn ở trẻ mầm non huyện Thuận Thành sẽ sớm được công bố.
Nhưng nghĩ rộng hơn, chuyện trẻ mầm non nhiễm sán lợn chỉ là vụ mới nhất liên quan đến việc cung cấp và kiểm soát thực phẩm trong xã hội, từ những “chợ cóc”, bếp ăn công nghiệp đến các trường học, thậm chí tại mỗi gia đình trên khắp cả nước. Những tác hại từ việc dân ta “đầu độc” đồng bào mình bằng nhiều hình thức khác nhau, bất chấp, xem thường đạo lý, lương tâm, luật pháp là khá phổ biến, nhẹ thì ngấm dần dần với nhiều loại bệnh tật có thể phát sinh, nặng thì có thể bị ngộ độc, cấp cứu, thậm chí tử vong.
Nhưng rồi, vụ việc sau lại nối tiếp những bê bối trước. Nguyên nhân, đối tượng, mức độ, sự nguy hiểm khác nhau, nhưng chung quy vẫn là nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm “bẩn” và sự thiếu lương tâm, đạo đức trong kinh doanh của những người sản xuất, cung ứng. Đó vẫn là những lỗ hổng, những kẽ hở trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm vấn đề an toàn thực phẩm…
Không nói quá, với tình hình hiện nay, chỉ khi bịt kín những lỗ hổng, kẽ hở kể trên mới có thể ngăn chặn những vụ việc bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm, không riêng gì tại các trường mầm non của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh…