Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn của nhiều trẻ mầm non tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào chiều 15/3, hàng trăm phụ huynh hoang mang, lo lắng, tiếp tục đưa các cháu đi làm các xét nghiệm tại Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương khiến lượng trẻ đăng ký khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế này trong ngày hôm nay (16/3) tăng đột biến.
Số lượng trẻ đăng ký khám tăng đột biến
Ghi nhận tại Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét - ký sinh trùng – Côn trùng Trung Ương trong buổi sáng 16/3, số lượng trẻ mầm non và phụ huynh đến từ các xã trên địa bàn huyện Thuận Thành tăng đột biến, gấp nhiều lần số trẻ em và thân nhân đến khám và làm các xét nghiệm trong ngày hôm trước. Hàng trăm phụ huynh và trẻ nhỏ tập trung ở khu vực chờ, ngoài hành lang và các phòng lấy mẫu xét nghiệm với trạng thái mệt mỏi và lo lắng.
Tính đến thời điểm 15h ngày 16/3 đã có 11/105 cháu có kết quả dương tính với sán lợn. |
Tính đến 15h ngày 16/3, đã có 535 cháu đăng ký khám. Trong số 105 cháu làm xét nghiệm thì có 11 cháu có kết luận dương tính với sán lợn. Chị Nguyễn Thị Luân, phụ huynh của cháu Biện Minh Đạt đến từ xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành cho biết, chị và em dâu đưa 2 cháu đi từ 5 giờ sáng để đến khám và làm các xét nghiệm để có kết quả sớm, nhưng khi đến viện thì lượng người tập trung chờ đợi tại đây đã rất đông.
“Mình thấy rất hoang mang và lo lắng khi hay tin ngày hôm qua có nhiều cháu đã bị nhiễm sán lợn nên hôm nay quyết định cho các con đi khám,xét nghiệm để kiểm tra xem thế nào, cũng mong là không sao”, chị Luân chia sẻ.
Phụ huynh không nên quá lo lắng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung Ương thì nguồn lây bệnh sán lợn chủ yếu là qua đường ăn uống, qua thức ăn. Nhiễm bệnh thường có 2 loại gồm nhiễm sán trưởng thành, ví dụ như ăn phải lợn gạo, hoặc gan lợn có chứa ấu trùng, khi ăn vào thì ấu trùng sẽ phát triển và thành con sán trưởng thành, ký sinh trong ruột và gây bệnh.
TS Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện Trưởng Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung Ương khẳng định bệnh sán lợn có thể chữa khỏi hoàn toàn. |
Trường hợp thứ 2 là khi ăn phải trứng sán ở trong môi trường ví dụ như rau hoặc thức ăn thì trứng sán sẽ vào trong cơ thể và phát triển thành ấu trùng và ấu trùng sẽ di chuyển trong máu, đến các cơ quan và có thể gây bệnh ở não, ở cơ hoặc dưới da. Đối với cả người lớn và trẻ nhỏ nếu nhiễm sán trưởng thành thì có thể sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, đau bụng, đi ngoài ra nước sán. Trường hợp mắc ấu trùng sán lợn, nếu mắc dưới da thì có thể thấy các nốt sán ở dưới da, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nếu phát triển ở trong cơ hoặc não thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe - nhưng nếu điều trị đúng liệu trình thì sẽ khỏi hoàn toàn.
“Hiện tại, đã có phác đồ chẩn đoán điều trị cho những trường hợp nhiễm sán lợn do Bộ y tế ban hành. Đối với những trường hợp mắc sán trưởng thành thì chúng tôi điều trị bằng một liều duy nhất là thuốc tẩy sán. Còn đối với trường hợp mắc ấu trùng sán lợn thì chúng tôi điều trị bằng liệu trình dài ngày hơn, có thể sẽ phải điều trị nhiều đợt và trong quá trình điều trị vẫn phải theo dõi tiến triển của bệnh như thế nào để có những chỉ định tiến trình điều trị phù hợp”, tiến sỹ Nguyễn Quang Thiều cho hay.