(GD&TĐ) - Nước Việt mến yêu, Chân dung thủ tướng Võ Văn Kiệt, Từ Nguyễn Tất Thành tới Hồ Chủ tịch, 12 con giáp, Thế giới người già, Thế giới trẻ thơ, Thế giới động thực vật, Danh nhân Việt Nam, Danh nhân thế giới, Từ điển địa danh mọi miền đất nước, Thăng Long Hà Nội nghìn năm yêu dấu… Đó chưa phải là nhiều so với hàng trăm cuốn bách khoa thư mà nhà sưu tập bình dân Đào Đăng hiện có.
Ông Đào Đăng và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Cái duyên với sưu tầm tranh ảnh báo chí
Bước vào ngôi nhà tại số 22/387C, đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM chúng tôi được ông dẫn lên phòng làm việc. Căn phòng khá nhỏ nhưng bên trong chật ních những bộ sưu tập đang làm dang dở. Ngồi xem ông làm việc, chúng tôi không nghĩ rằng ông đã bước vào cái tuổi 73, một con người trước đây đã phải chạy đủ nghề mưu sinh như: bán bong bóng, kẹo kéo, phụ việc cho vợ… Giờ đây, ông vẫn rất hăng say cho cái niềm đam mê từ hơn 20 năm trước là sưu tầm tranh, ảnh từ những tờ báo, tạp chí. Ông cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi đều viết các bài báo về các con giáp, năm thì viết về khỉ, về chó, gà, heo… Năm nay, tôi cũng đã viết nhiều bài về rồng cho các báo”. Khi được hỏi về mối lương duyên của ông với công việc sưu tập, ông nói: “Do say mê các hình ảnh trong sách giáo khoa thư từ những năm học lớp nhất, lớp nhì ở ngoài Bắc nên tôi luôn muốn sưu tầm tất cả các hình ảnh mà tôi tìm thấy”. Sau đó, đến năm 1954, ông vào Sài Gòn thấy báo chí đăng nhiều hình ảnh đẹp về non nước, đồng quê, biển, thành phố… nên bỏ công cắt những ảnh đó và dán lại, ban đầu chỉ để chơi, để tự thưởng ngoạn. Năm 1990, con trai út của ông lên 12 tuổi, ông muốn làm một cái gì tặng cho đứa con tuổi ngựa của mình. Do không có điều kiện mua quà cho con, ông đã bỏ công sưu tầm các tấm hình về ngựa để tặng. Vào lúc đó, báo Phụ nữ TPHCM có tổ chức cuộc thi “Sưu tầm ảnh ngựa đẹp và lạ” nên ông đã gửi 40 tấm hình về ngựa mà ông sưu tầm được dự thi. Bất ngờ, ông đoạt giải nhất, với phần thưởng là những quyển tiểu thuyết, sách văn học, thơ và báo, tuy không nhiều nhưng đó là niềm động lực giúp ông làm công việc này tới ngày hôm nay. Trong hơn 20 năm miệt mài với công việc của mình, ông đã sưu tập và thực hiện được hơn 150 tủ, thùng sách, với trên 400 đầu sách có giá trị về văn hóa, lịch sử. Ông cho biết bộ sưu tập đầu tay của ông là Nước Việt mến yêu gồm hai tập sách, có 1.244 bức ảnh của 298 tác giả, với đầy đủ chú thích đăng trên 75 tờ báo, tạp chí. Nhất là những bộ sưu tầm về Bác Hồ như Từ Nguyễn Tất Thành tới Hồ Chủ tịch, gồm trên 700 bức ảnh về Người, những sưu tập về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay về các tướng lĩnh… Bên cạnh đó, không thể không kể tới gần 3.000 con tem, cả trong nước và nước ngoài mà ông sưu tầm được. Chính công việc sưu tầm đã giúp ông có nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người muốn tìm hiểu về công việc của ông. Người đầu tiên đưa ông đến với báo chí là nhà báo –nhà nhiếp ảnh Đồng Đức Thành, và sau đó đã có nhiều người tìm đến với những bộ sưu tập “bách khoa” của ông cả trong và ngoài nước. Năm 2003, ông Jan Eggen, một người Na Uy, đã gửi cho ông một bức thư và sau đó đến tận nhà đề nghị ông hợp tác thành lập ngân hàng dữ liệu thông tin, chủ yếu cung cấp thông tin về Việt Nam, nhưng ông đã từ chối. Ngoài ra, báo Việt Nam News còn thường xuyên gửi báo tặng cho ông để giúp ông cập nhật những thông tin bằng tiếng Anh. Năm 2009, ông được HTV mời tham gia chương trình “Mỗi tuần một nhân vật” phát sóng trên HTV7.
Bên bộ sưu tập |
Những cuốn bách khoa để đời
Chúng tôi được ông dẫn lên lầu, đây mới thật sự là thế giới riêng, một thư viện bách khoa mini, tâm huyết của ông suốt hơn 20 năm sưu tập. Ông cho chúng tôi xem hai cuốn mà ông nói là tâm huyết cả đời mình: Từ điển địa danh mọi miền đất nước. Bộ sưu tập này ông thực hiện đã hơn 20 năm kể từ khi ông làm công việc sưu tầm, ghi lại tất cả những địa danh mọi miền của 64 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Khi hỏi về quá trình thực hiện, ông bật mí: “Trước kia thì sưu tập đọc, suy nghĩ, cắt dán, sắp xếp theo chủ đề... miệt mài từ sáng cho đến tận 1 - 2 giờ khuya. Nhưng giờ thì nhờ con trai làm trên máy tính cũng đỡ vất vả”. Bộ sưu tập này khi hoàn thành, ông muốn in ra cho mọi người cùng biết, vì đây là cuốn sách có giá trị với tất cả mọi người. Nhưng giá một cuốn từ điển như thế này giá thành cũng đến cả trăm ngàn, mà không có người tài trợ thì không thể làm được. Ngoài cuốn trên, ông còn khoe vừa hoàn thành công trình mới nhất của mình là Thăng Long Hà Nội nghìn năm yêu dấu, gồm 2 tập, nặng tới hơn 8kg, được thực hiện bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh. Đây cũng là tâm huyết hơn 10 năm của ông, tập hợp những tranh ảnh, bài báo về Hà Nội, được chia ra nhiều chủ đề như: Phong tục, phố phường, chùa chiền, lễ hội, hồ, chợ Hà Nội, đường sá, giao thông… từ xưa tới nay. Ông nói: “Đây là công trình công phu nhất trong cuộc đời sưu tập của tôi. Trong dịp đại lễ, ngày nào tôi cũng tìm mua cả 20 tờ báo để thực hiện công trình của mình chỉ để mong mang ra Hà Nội giới thiệu cho mọi người cùng biết”. Nhưng tới ngày đại lễ, vì lí do kinh tế, ông không thể thực hiện được ước nguyện. Một trong những cuốn sách hiếm hoi của ông được in là “Câu lạc bộ sinh đôi” do Nhà xuất bản Nghệ thuật in năm 2007, tuyển tập rất nhiều cặp sinh đôi cả trong nước và thế giới, một bộ sưu tập thú vị của ông. Năm 2006, ông cũng làm một cuốn sách về chính bản thân mình trong quá trình sưu tập đã qua, mang tên “Kỉ niệm”, gồm nhiều phần như: sưu tầm, nhiếp ảnh, viết báo…
Kỷ niệm gắn với cuộc đời sưu tập
Làm việc bên chồng tư liệu |
“Lúc trước tôi cũng làm đủ mọi thứ để vừa nuôi gia đình, vừa có tiền phục vụ cho thú vui sưu tầm tranh ảnh. Sau khi theo học 2 lớp nghiệp vụ báo chí, tôi viết bài gửi cho một số báo. Tiền nhuận bút tôi dành để phụ giúp gia đình, còn một phần mua báo phục vụ cho công việc sưu tầm. Tôi rất biết ơn bà xã của mình vì bà ấy đã giúp tôi rất nhiều trong việc chăm lo con cái, kinh tế, để tôi có thể tập trung cho công việc” – ông Đăng cho biết. Ông chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh ông chụp cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nói đó là kỷ niệm mà suốt đời ông không bao giờ quên: “Một hôm có người gọi điện cho tôi xưng là thư kí của Thủ tướng, và nói Thủ tướng sẽ ghé thăm nhà. Đúng như vậy, một ngày sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới thăm nhà tôi. Sau khi trả lời Thủ tướng về chuyện gia đình, công việc, tôi dẫn ông đi thăm thư viện Bách khoa mini của mình. Khi Thủ tướng xem cuốn sách sưu tập về cuộc đời mình, ông rất xúc động vì tôi là một người bình thường mà lại quan tâm nhiều đến ông như vậy”. Ông cho biết sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, ông đã hoàn thành cuốn Album gồm 777 tấm hình, ghi lại quãng đời từ khi cố Thủ tướng đang ở cùng gia đình, làng xóm, khi tham gia các cuộc kháng chiến, tới khi làm Thủ tướng, rồi các buổi tiếp đối nội, đối ngoại, tiếp dân, các sự kiện quan trọng và sau khi nghỉ hưu, tới sau khi Thủ tướng mất. Khi hoàn thành, ông đã gửi tặng lại cho gia đình cố Thủ tướng. Sau đó 2 năm, ông được con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Võ Hiếu Dân tới nhà thăm vì cảm động tình cảm của ông đối với cha mình. Ông bảo chỉ khi nào mình không thể cầm kéo cắt những hình ảnh độc đáo, không thể nhìn thấy gì và sức khỏe không cho phép, ông mới ngưng công việc này lại. Với một nhà sưu tập tay ngang thì đó là những kỷ lục đáng được vinh danh, bởi ngay cả một nhà sưu tập thực thụ cũng khó có thể làm được như ông: công phu, và làm về tất cả mọi thứ từ con người, tôn giáo, thế giới động thực vật, du lịch, văn hóa, lịch sử… Điều ông còn băn khoăn là các con ông không ai có niềm đam mê giống ông cả. Ông mong có người tài trợ để bảo quản những tài sản vô giá này nhằm giúp ích cho tuổi trẻ Việt Nam.
Tuấn Minh - Đại Nghĩa