Nhà sàn bằng đất ở làng Kleng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trải qua thăng trầm của thời gian, làng Kleng (thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) chỉ còn lác đác vài ngôi nhà sàn bằng đất, được lợp mái ngói…

Ngôi nhà sàn bằng đất 32 năm tuổi của gia đình bà Y Hinh.
Ngôi nhà sàn bằng đất 32 năm tuổi của gia đình bà Y Hinh.

Cả làng chung tay dựng nhà

Mặt trời dần khuất sau bóng núi, làn khói lam chiều lững lờ trên nóc nhà, bà Y Hinh (71 tuổi), ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngồi trước nhà chồ (phần hiên phía trước) đợi các con trên nương trở về. Gương mặt bà chi chít nếp nhăn…

Hứng chịu nắng mưa hơn 30 năm nhưng căn nhà sàn bằng đất của bà Y Hinh vẫn vững chãi, lác đác có vài lỗ hổng do lũ chuột đào hang. Hướng mắt nhìn về cửa chính bà Y Hinh cho biết, căn nhà này được xây dựng vào ngày 27/1/1990. Thế nhưng nó vẫn chắc chắn, chẳng bị nắng chiếu hay mưa tạt vào. Nơi đây đã chứa đựng biết bao kỷ niệm của gia đình nên bà không muốn dỡ bỏ.

Theo Bà Y Hinh, ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Jrai gồm 3 phần: Nhà chồ, nhà ngang và nhà nhỏ phía sau. Phần sàn cao hơn mặt đất khoảng 1,5m. Phần khung chính được làm từ gỗ cà chít vì nó có vị đắng, cứng và chắc nên ít bị mối mọt. Phần khung cửa được làm bằng cây bò ma và những tấm ván sàn được làm từ gỗ pờ lũ.

Thiết kế nguyên bản nhà ở của người Jrai là phên vách được đan bằng tre, nứa hoặc le và lợp bằng cỏ tranh. Khi đánh tranh phải chọn loại tốt, to, dài và bắt buộc phải là tranh già thì mới mới bền chắc.

Trước khi đưa tranh lên lợp phải khéo léo chải sạch cỏ rác rồi cẩn thận bó thành từng bó. Khi đánh tranh phải dùng hai thanh cây le chẻ đôi kẹp lại rồi dùng dây lạt mềm, dẻo buộc chặt mới lợp.

Tuy nhiên, hàng chục năm trước bà con ở đây học hỏi lối kiến trúc của người Ba Na là vách đất và mái ngói. Để xây đựng căn nhà này bà Hinh cho biết phải huy động sức lực của cả dân làng.

Người thì đục, đẽo gỗ còn những nhóm khác đào đất ở sân nhà rồi trộn với nước, đạp cùng rơm khô. Trong đó, công đoạn khó nhất là trộn đất và rơm với nhau vì đòi hỏi phải đúng tỷ lệ để khi hoàn thiện căn nhà được chắc chắn, vững chãi.

“Xưa kia, để làm được căn nhà này mình tốn khoảng 18 con bò, chủ yếu là tiền mua cột, ván. Còn dân làng góp sức giúp mình dựng nhà, trét đất. Đông người nên trộn rơm rồi đắp đất chỉ vỏn vẹn một ngày là hoàn thành. Khi xong xuôi mình mổ heo, gà mời bà con một bữa cơm ấm cúng”, bà Y Hinh chia sẻ.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Căn nhà được hỏi mua với giá 300 triệu đồng nhưng ông A Glach nhất quyết không bán.

Căn nhà được hỏi mua với giá 300 triệu đồng nhưng ông A Glach nhất quyết không bán.

Cách nhà Y Hinh không xa, nhà sàn bằng đất của bà Y Anh cũng tồn tại được hơn 20 năm. Căn nhà của bà Y Anh rộng chừng 80m2, cũng với 3 phần, gồm: Nhà chồ, nhà ngang và nhà nhỏ phía sau. Nơi đây là chỗ che mưa, che nắng của 4 người trong gia đình bà.

Bà Y Anh bảo rằng, để nhà chắc chắn và không bị mối mọt ăn thì công đoạn chọn vật liệu rất quan trọng. Bên cạnh những cây gỗ chắc chắn như cà chít, bò ma và pờ lũ thì khung nứa, le giữ đất cũng được lựa chọn kĩ càng.

“Trước khi làm nhà, thanh niên trai tráng lên rừng chặt le già đưa về. Le sẽ được phơi khô và ngâm nước suốt 1 tháng để hạn chế mối mọt. Khi le đảm bảo khô, chắc chắn thì mọi người sẽ đan các thanh lại với nhau rồi cố định vào khung của ngôi nhà. Sau đó là công đoạn trộn đất và rơm lại với nhau theo tỷ lệ 1:1 rồi thêm nước cho chúng kết dính. Đất được đắp lên nhà dày khoảng 5 - 7cm nhằm tránh nắng mưa và hư hỏng”, bà Y Anh chia sẻ.

Qua thời gian, vách đất bị chuột cắn phá.

Qua thời gian, vách đất bị chuột cắn phá.

Người phụ nữ Jrai bảo rằng, trước kia cả làng Kleng đa số là nhà đất và mái ngói. Thế nhưng những năm gần đây cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, kinh tế đi lên nên người dân phá nhà cũ để làm nhà kiên cố. Bởi nhà sàn làm bằng đất qua một thời gian sẽ bị chuột cắn phá, tạo thành các lỗ hổng.

Bên cạnh đó, mưa nắng kéo dài cũng sẽ xuất hiện vết nứt trên vách tường. Do đó, sau một thời gian sinh sống bà con phải tu sửa để không bị mưa tạt, hay gió lùa. Chính vì vậy, giờ đây cả làng chỉ còn khoảng 4 - 5 hộ còn lưu giữ căn nhà sàn bằng đất truyền thống.

Ông A Glach (54 tuổi), người làng Kleng nói rằng, căn nhà của ông có chiều dài 12m, rộng 6m. Cách đây không lâu đã có người tìm đến hỏi mua với giá 300 triệu đồng. Với một gia đình làm nông, cày bừa quanh năm cũng chỉ đủ ăn thì đây là số tiền khá lớn. Thế nhưng, ông A Glach chẳng đồng ý vì căn nhà sàn bằng đất đã gắn bó với gia đình qua nhiều thế hệ.

“Khi hay tin có người hỏi mua nhà với giá cao, các con ở xa liên tục gọi về ngăn không cho vợ chồng mình bán. Mình cũng chẳng có dự định bán căn nhà này đi bởi nơi đây chất chứa biết bao kỷ niệm.

Ngôi nhà này đã có từ lâu đời, thời cha ông còn sống và là giá trị truyền thống của dân tộc nên không thể bán. Sau này nếu có tiền mình cũng chẳng phá để xây nhà mới mà chỉ đắp đất lại để nơi đây được kiên cố hơn”, ông A Glach bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) cho biết, trước kia, nhà sàn bằng đất ở làng Kleng rất nhiều. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội người dân dần dỡ bỏ nhà sàn bằng đất để làm nhà xây kiên cố. Hiện tại trên địa bàn thị trấn chỉ còn lác đác vài căn nhà sàn bằng đất với tuổi đời hàng chục năm mà người dân còn lưu giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nhiều người bị thiếu ngủ kinh niên do thức quá khuya. (Ảnh: ITN)

Mắc bệnh tim vì thiếu ngủ?

GD&TĐ - Thường xuyên ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm có thể làm trầm trọng thêm huyết áp, lượng đường trong máu và các nguy cơ khác liên quan đến tim.
Bất kể mối quan hệ của bạn với người mà bạn yêu thương diễn ra như thế nào thì khi chia tay, bạn luôn cần có một khoảng thời gian để vượt qua. (Ảnh: ITN).

Cách vượt qua nỗi đau khi tình yêu tan vỡ

GD&TĐ - Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn đang đắm chìm trong tình yêu với một ai đó, nhưng khi mối quan hệ đó kết thúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn...