Giữ nếp nhà sàn truyền thống bên dòng Nậm Luông

GD&TĐ - Trải qua hàng trăm năm sinh sống bên dòng Nậm Luông, đồng bào Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) đã tạo dựng một kho tàng văn hoá đa dạng, phong phú và lưu truyền cho tới ngày nay. 

Giữ nếp nhà sàn truyền thống bên dòng Nậm Luông

Nhà sàn là một nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Vùng đất này được xem là miền đất thiêng, là xứ sở của những căn nhà sàn truyền thống. Trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, đồng bào Tày nơi đây gìn giữ nếp nhà sàn cổ truyền như “báu vật” văn hóa của dân tộc mình…

“Báu vật” văn hóa của bản Tày

Nghệ nhân dân gian người Tày Ma Thanh Sợi - Bản Rịa (Nghĩa Đô) hào hứng và tự hào giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất và con người vùng Nghĩa Đô từ cổ xưa. Ông Sợi cho biết: “Ngay từ thuở xưa đó, người Tày Nghĩa Đô đã có phong tục làm nhà sàn rồi”.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong các bản Tày ở Nghĩa Đô thì những ngôi nhà sàn cổ còn lại ở thung lũng Nghĩa Đô ngày nay được dựng bằng những loại gỗ quý từ những cây gỗ to trên rừng sâu. Để chuẩn bị đủ các nguyên vật liệu như cột, ván, sàn, cọ... người Tày Nghĩa Đô phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm.

Ông Nguyễn Văn Sư, chủ nhân ngôi nhà sàn cổ trên 50 năm ở bản Thâm Luông cho biết, ngôi nhà sàn của tổ tiên để lại xưa kia được làm từ gỗ của một cây gỗ lim duy nhất trên rừng sâu. Phải mất đến 5 tháng, gia đình ông mới chặt, mang gỗ về nhà được.

Người Tày Nghĩa Đô thường dựng nhà sàn ở sườn núi hoặc lưng đồi, ít khi dựng ở bãi đất thấp. Bởi theo quan niệm của họ, ở trên cao sẽ thoáng mát, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh được lụt lội và lưng tựa vào núi vững chắc. Còn hướng nhà thường chọn nhìn ra suối. Bởi suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Chính vì vậy, những căn nhà sàn cổ ở Nghĩa Đô hiện nay có địa thế hết sức đẹp, vững chãi, sơn thủy hữu tình. Trong hơn 200 ngôi nhà sàn quần tụ dưới thung lũng, có một nhà sàn cổ đã tồn tại gần 70 năm của gia đình ông Ma Văn Nhung. Ngôi nhà sàn của đại gia đình ông Ma Văn Nhung ở bản Hón được coi là một trong những ngôi nhà sản cổ nhất của xã, với bốn thế hệ cùng chung sống nhưng vẫn giữ nguyên được nét truyền thống, trên cửa ra vào có dán tấm giấy đỏ với ý nghĩa ngăn chặn tà ma, kẻ xấu vào nhà.

Đồng bào Tày Nghĩa Đô thường đặt bếp lửa trong nhà sàn, ngoài đun nấu thức ăn những ngày đông giá rét, bếp lửa lại có tác dụng sưởi ấm và trở thành nơi quây quần của cả gia đình sau mỗi bữa cơm.

Với những gia đình trưởng họ thì nhà sàn chính là nơi bà con trong dòng tộc gặp gỡ hội họp, tuyên truyền cho mọi người thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng các quy ước, hương ước cho dòng họ mình. “Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc được sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên.

Cho nên, dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, nhân dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình ở các bản Tày Nghĩa Đô vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền cho thế hệ sau”, ông Ma Kim Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết. Và đó cũng chính là lý do vì sao, ở Nghĩa Đô cho đến nay vẫn còn đó những căn nhà sàn cổ vững chãi bên dòng suối Nậm Luông.

Gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Nghĩa Đô vốn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Trong đó vốn văn hóa cổ truyền được đồng bào Tày hình thành, gìn giữ từ bao đời nay là yếu tố đặc biệt quan trọng để vùng đất này phát triển du lịch cộng đồng. Để làm nên bản sắc riêng của du lịch Nghĩa Đô thì những căn nhà sàn cổ đóng vai trò quan trọng.

Những năm gần đây, xã Nghĩa Đô đã triển khai tới từng thôn bản, từng gia đình người Tày về lộ trình phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, 100% các gia đình người Tày đã chủ động gìn giữ, sửa chữa, làm mới căn nhà sàn của gia đình mình, vừa để ở, vừa để tạo ra không gian thoáng mát, gần gũi, dân dã cho khách du lịch khi về với Nghĩa Đô.

Ông Ma Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Trong những năm gần đây, người dân Tày Nghĩa Đô gìn giữ những ngôi nhà sàn cổ như những báu vật của cả vùng. Đồng thời, coi đây là không gian văn hóa để địa phương phát triển du lịch làng bản, gắn với hành trình du lịch về cội nguồn”.

Mỗi khi có đoàn khách du lịch dừng chân ở Nghĩa Đô, người dân địa phương lại dẫn khách đi tham quan cảnh sắc thiên nhiên và làng bản ở vùng đất này. Nhiều du khách đã cảm thấy rất hài lòng khi đến Nghĩa Đô, họ thích thú với dòng nước trong mát của suối Nậm Luông, với những cọn nước quay đều dẫn nước về ruộng rồi đứng từ trên cao ngắm nhìn những bản Tày thơ mộng, bình yên với những căn nhà sàn xinh xắn quần tụ dưới chân núi.

Những người có sở thích khám phá kiến trúc, văn hóa nhà sàn sẽ được người dân dẫn đi sâu vào trong các bản để giới thiệu, thuyết minh về nhà sàn với bao điều lý thú về triết lý nhân sinh của người Tày.

Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc được sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên. Cho nên, dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, nhân dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...