Ông Ngô Trường Thi (ảnh: GD&TĐ) |
P.V: Thưa ông, việc các doanh nghiệp, Tổng cty tham gia vào quá trình hỗ trợ XĐGN hiện nay, liệu có phải là cuộc vận động mang tính chất phong trào?
Ông Ngô Trường Thi: Đến nay, còn 5 huyện/ 62 huyện nghèo chưa nhận dược sự tài trợ, đỡ đầu của các “mạnh thường quân”. Việc các doanh nghiệp, Tổng cty tham gia hỗ trợ địa phương nghèo không phải là phong trào mà đó chính là một nội dung quan trọng trong quá trình triển khai Nghị quyết 30a (tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp mà mức hỗ trợ đối với các địa phương cũng khác nhau). Do vậy, không nên hiểu đây là một việc làm có tính chất phong trào, bởi nếu là phong trào có nghĩa là chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn, rồi nó sẽ lắng xuống. Trong khi chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững sẽ được thực hiện trong một thời gian dài, từ nay cho tới năm 2020.
P.V: Để việc hỗ trợ của các doanh nghiệp đi vào thực chất hơn, theo ông cần triển khai thế nào để giúp cho việc XĐGN đảm bảo được mục tiêu vừa “nhanh” vừa “bền vững”?
Ông Ngô Trường Thi: Mục tiêu của Nghị quyết 30 a đã được Chính phủ đặt ra rất rõ là giảm nghèo nhanh và bền vững. “Nhanh” tức là trước hết phải tạo nguồn thu nhập trực tiếp cho bà con để giúp cải thiện cuộc sống khó khăn hiện nay của họ. Đơn cử như việc Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa hỗ trợ sức sản xuất cho bà con 2 huyện nghèo ở Hà Giang. Cùng với đó, đảm bảo tính “bền vững, lâu dài” trong quá trình thực hiện XĐGN có nghĩa là phải nâng cao dân trí cho người nghèo, trong đó có việc tập trung cho giáo dục – đào tạo. Để đạt được hiệu quả cao nhất, công cuộc XĐGN phải có bước đi trước mắt và hướng đi lâu dài.
P.V: Trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết 30 a sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Ngô Trường Thi: Tới đây, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tiến độ thực hiện NQ 30 a. Thời gian vừa qua mới chỉ là giai đoạn triển khai đề án, xây dựng chương trình. Sắp tới chúng ta mới bàn việc tổ chức thực hiện cụ thể. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo một số nội dung trước mắt phải làm (kể cả những đề án chưa được phê duyệt). Theo đó, yêu cầu quan trọng nhất là sự trợ giúp của các doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng nhà ở kiên cố cho người nghèo; hỗ trợ về nguồn vốn để người dân nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo cho các hộ ở khu vực biên giới… Ngoài ra, còn có sự kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ khác để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo theo đúng tiến độ đã đặt ra.
P.V: Thưa ông, việc giám sát cam kết hỗ trợ của doanh nghiệp với các huyện nghèo sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Ngô Trường Thi: Dù còn đang trong quá trình triển khai, nhưng Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản qui định về hướng dẫn tạm thời về kiểm tra báo cáo, đồng thời Chính phủ đã giao 8 Bộ/Ngành có trách nhiệm theo dõi các địa phương trong quá trình triển khai cũng như tổ chức thực hiện. Đó là việc tổ chức các đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát từ địa phương nhận hỗ trợ, đặc biệt là sự tham gia đánh giá của chính người dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Trần Nhật ( thực hiện)
Bình luận