(GD&TĐ) - Thí sinh Đoàn Thị Minh Hoàn, sinh năm 1984 đã mang đến một màn trình diễn đầy khắc khoải, trong tập đầu tiên Vietnam’s Got Talent 2012. “Tôi thà chọn 20% năng lực mạnh nhất trong người mình hơn là sự đồng tình 80% của người xung quanh cho những cái nhạt nhòa”. Giải thích về phần thi của mình – họa sỹ trẻ nói: “Nền công nghiệp càng phát triển, sinh vật sinh ra đã ốm đau và đã chết” và “Nghệ thuật không có cái mới là nghệ thuật chết”. Câu trả lời này gây sự chú ý với công chúng.
Tốt nghiệp khoa Thiết kế nội thất Đại học Mở, song với Đoàn Minh Hoàn múa như đã ăn sâu vào máu thịt chị từ nhỏ. Tốt nghiệp phổ thông, gia đình khuyên Hoàn vào một trường kỹ thuật cho yên bề gia thất. Thế là Hoàn phải từ bỏ ước mơ múa, để học ngành thiết kế nội thất. Nay Hoàn đã là một người phụ nữ trưởng thành, có một baby 4 tuổi, thu nhập ổn định tự trang trải cho mình và nuôi con. “Em có khả năng hãy thử đăng ký dự thi Vietnams Got Talent một lần xem sao!”. Được chị gái động viên, Hoàn lại nổi máu đam mê và tham gia thử sức xem khả năng của mình.
PV: Không học múa ở một môi trường chuyên nghiệp nào, vậy chị tự học ra sao?
Đoàn Thị Minh Hoàn: Tôi đam mê múa từ bé. Ngày còn bé, tôi mê mệt khi xem nghệ sỹ Lê Vi múa Chim công. Nhiều lần xin bố mẹ cho đi học múa, thậm chí khóc ròng nhiều ngày để được theo học nhưng theo quan điểm của bố mẹ tôi thì múa là một nghề không ổn định và không có tương lai.
Mặc dù không được theo nghiệp múa nhưng tôi vẫn luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với múa. Bất cứ khi nào biết ở đâu có múa và có cơ hội được xem là tôi có mặt. Khi xem các diễn viên múa biểu diễn, tôi hay có thói quen vô thức là cứ sửa tạo hình của họ trong đầu rồi về nhà múa lại theo tư duy về hình của bản thân mình. Tình yêu đối với múa luôn âm ỉ cháy và tôi luôn có những giấc mơ nhiều đêm về việc mình đứng trên sân khấu. Tôi đã từng học và thi HSK tại Trung Quốc, từng được xem nghệ sỹ múa Jang Li Ping biểu diễn.
Vậy chị đã từng theo học những nghệ sỹ nào, ai là người đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách biểu diễn của chị?
- Năm 2007, tôi được mời đến Colorodo (Mỹ) để giới thiệu văn hóa Việt tại Vietnamese Heritage Camp. Trong thời gian ở New York tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật đường phố. Khi quay về Việt Nam, tôi lần xem tất cả các đường link về múa trên mạng.
Tuy nhiên, mốc đánh dấu quan trọng nhất đối với con đường theo múa phải kể đến lần gặp định mệnh với nghệ sỹ Đào Anh Khánh, ngày 30/8/2011 khi nghệ sỹ trình diễn trong sinh nhật của mình. Khi ấy, tôi hoàn toàn bị thuyết phục không chỉ bởi tạo hình rất gần với điêu khắc, hội họa mà còn bởi tính cảm xúc mạnh mẽ.
Đáo xuân 7, ngày 24/2/2013 tôi là một trong số những diễn viên chính được nghệ sỹ mời biểu diễn. Sau đó, tôi nhận được rất nhiều lời khen từ các nghệ sỹ, khiến mình thêm niềm tin và tình yêu vào múa. Sau đó em có đăng kí thi Vietnam got talent và nhận được sự ủng hộ, khen ngợi từ ban giám khảo và nhiều khán giả. Ngày 24/2/2013 tôi tham gia Đáo xuân 8 với vai trò diễn viên chính đồng đạo diễn với nghệ sỹ Đào Anh Khánh.
Giới chuyên môn đánh giá thế nào về khả năng của chị?
- Tôi có gửi cho biên đạo múa người Đức Anna Konjetzky phần diễn của mình và được bà cũng dành nhiều lời động viên “Hãy theo đuổi đam mê nghệ thuật - Nghề múa đã chọn bạn”.
Trước Đáo xuân 8, tối 21/02/2013 tại Viện Goethe HN, Hoàn có cuộc trò chuyện với biên đạo múa Anna Konjetzky và chuyên gia múa ba lê Sahra Huby. Qua đó, người ta có thể nhận thấy một Đoàn Minh Hoàn với hướng đi riêng rất riêng. Với chị múa không thuần túy là dẻo như trong nghệ thuật chèo truyền thống, những động tác của chị từng thể hiện là những tạo hình (có đạo cụ kèm theo) nhằm diễn tả một ý tưởng xuyên suốt. Ngôn ngữ múa của Đoàn Minh Hoàn gần như nghệ thuật kịch câm trong đó có thành tố Múa đương đại trên nền nhạc điện tử, nhằm hướng tới công chúng một cách nhìn trực diện nhiều mặt trong đời sống công nghiệp, môi trường…
Đáo xuân 8 vừa kết thúc (cầm tấm vé vào vòng trong) NS Đoàn Minh Hoàn lại tất bật chuẩn bị cho một cuộc chiến mới vào đêm bán kết, ngày 31/3/2013 tới. Chị sẽ đem tới cho khán giả điều bất ngờ gì đây, song chắc hẳn sẽ không lặp lại ở lần trước. Có thể chị sẽ hóa thân thành “cô Tấm” để thêu mình trong tranh “Chợ quê” của HS Nguyễn Thân, hay sẽ là một “thiên nga” trắng muốt xải dài đôi cánh để vươn tới trời cao.
Khải Nguyên (Thực hiện)