Nhà khoa học hiến kế “điều hòa” thời tiết

GD&TĐ - PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho rằng, để xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng là do chưa biết khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước.

PGS.TS Đoàn Văn Cánh cùng đông nghiệp khảo sát thực địa.
PGS.TS Đoàn Văn Cánh cùng đông nghiệp khảo sát thực địa.

Chuyển nước từ mùa mưa sang mùa khô

Một nghịch lý ở nhiều nơi hiện nay là mùa mưa thì ngập úng nhưng mùa khô lại hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Khu vực Tây Nguyên là một ví dụ. Nơi đây thực ra không thiếu nước. Vấn đề chỉ là không biết cách giữ nước.

Theo kết quả khảo sát thì Tây Nguyên có lượng mưa trung bình là 84,81 - 93,79 tỷ m3/năm. Lượng mưa tạo nên lượng dòng chảy mặt cỡ 46 - 49 tỷ m3/năm. Dòng ngầm là  6,61 tỷ m3/năm. Lượng nước mưa bình quân đầu người gần 15.000 m3/năm.

Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới thì Tây Nguyên nằm ngoài vùng căng thẳng về nước (bình quân đầu người 2500 m3/năm là vùng căng thẳng về nước). Như vậy đây không phải vùng thiếu nước.

Nhưng Tây Nguyên đang không giữ được lượng nước từ mùa mưa sang mùa khô. Tây Nguyên có đặc điểm riêng không giống nơi nào khác. Đó là toàn bộ hệ thống sông và nước dưới đất đều hình thành từ nước mưa. Nơi đây không nhận nguồn nước từ Lào, Campuchia hay Trung Quốc.

Gần 80% lượng nước mưa xuống thoát ra dòng chảy mặt trên các hệ thống sông chính là Sê San, Sêrêpok đưa nước sang sông Mekong, Đồng Nai và Sông Ba chảy ra biển. Một phần trong đó bốc hơi và chỉ còn một chút ngấm xuống đất. Lượng nước ngấm xuống lại liên tục bị hút lên rất nhanh cạn.

Như vậy, vấn đề ở đây là Tây Nguyên thiếu giải pháp quy hoạch, điều phối nguồn nước giữa các mùa. Nơi đây đang thiếu giải pháp về công nghệ lưu giữ để nguồn nước mùa mưa được khai thác sử dụng vào mùa khô. Vì vậy, việc cần phải làm chính là giữ lượng nước dồi dào này và cho nó ngấm xuống đất. Cách tiếp cận này không chỉ cấp thiết với Tây Nguyên mà còn cần cho nhiều vùng nữa.

“Vấn đề mấu chốt là phải biết chuyển nước từ mùa này sang mùa kia, từ lưu vực này sang lưu vực kia, từ dạng này sang dạng khác: Từ nước mưa xuống lòng đất, từ nước mặt vào lòng đất. Chúng tôi đã đề xuất phương án phải bổ cập nước vào lòng đất thông qua bể chứa và các mũi khoan đưa nước từ trên mặt đất vào tầng chứa nước để chống úng ngập mặt đất và lấp đầy khoảng không gian tầng chứa nước “bị tháo khô” do hạ thấp mực nước trong quá trình khai thác nước", PGS.TS Đoàn Văn Cánh nói.

Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, khu đô thị sẽ gom nước mưa từ các nhà cao tầng, đường phố, sân vận động, đất trống... để đưa vào các mũi khoan. Loại nước mưa thu gom từ mái nhà có chất lượng hoàn toàn thỏa mãn với yêu cầu nước dùng làm nguồn phục vụ cấp nước. Còn nước trên vỉa hè, đường phố, trước khi cho thoát xuống dưới lòng đất cần tập trung trong các giao thông hào, hố đào để lắng lọc sơ bộ sau đó lọc rồi cho chảy vào các lỗ khoan.

Giải pháp này có thể được thực hiện ở các thành phố, đặc biệt ở Hà Nội. Một mặt thoát được nước mưa nhanh chóng xuống lòng đất ngay tại vị trí úng ngập bằng những công trình đơn giản, không chiếm diện tích trên mặt, mặt khác chính lượng nước đó có thể bổ sung cho phần nước dưới đất đã bị lấy đi.

“Đối với các khu vực rộng, có nhiều diện tích như Tây Nguyên thì cần làm nhiều hồ chứa lớn nhỏ sau đó đưa nước bổ cập vào tầng chứa nước. Song song với đó, dọc theo các trục đường và trong các trang trại cà phê có thể tạo rãnh thoát nước, đưa nước mưa vào hố lọc, xử lý sạch rồi bổ cập xuống lòng đất. Tôi nhấn mạnh là với địa hình của Tây Nguyên thì càng nhiều lỗ khoan, giếng đào bổ cập càng tốt”, PGS.TS Đoàn Văn Cánh nói.

“Đũa thần” giảm ngập cho Hà Nội?

“Chúng tôi đã làm nhiều rồi. Ở Tây Nguyên, chúng tôi xây dựng các công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất tại năm địa điểm thuộc các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng. Ví dụ chúng tôi đã làm ba lỗ khoan, trong đó có hai lỗ khoan đưa nước xuống, một lỗ khai thác nước lên ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Một ví dụ khác ở Chư Pah, Gia Lai, ngay trường dân tộc nội trú, nơi bao nhiêu năm không có nước, chúng tôi tiến hành khoan hai lỗ, một lỗ khoan đưa nước xuống, biến tầng chứa nước nghèo nước thành tầng có thể khai thác được, một lỗ khoan đưa nước lên để sử dụng”, PGS.TS Đoàn Văn Cánh chia sẻ.

Tại Hà Nội, đã có khảo sát, đánh giá tính khả thi, thử nghiệm một lỗ khoan sâu 90 mét, đưa nước vào tầng nước ngầm ở một tòa nhà số 36A trên đường Phạm Văn Đồng. Nước mưa được thu gom và xử lý lọc, sau đó đưa mẫu nước mưa đi xét nghiệm, bảo đảm chất lượng.

“Tôi tiếc nhất là mặc dù đã kiến nghị nhiều năm nay, tại nhiều diễn đàn khoa học nhưng Hà Nội không triển khai được các giải pháp này. Hà Nội rất cần thu gom nước, không chỉ trả nước lại cho tầng ngậm nước mà sẽ giải quyết ngay được tình trạng lụt lội do úng nước mưa lâu nay (nói thêm một chút là điều kiện tầng chứa nước đang khai thác sử dụng của Hà Nội có thành phần cuội sỏi, khi khoan xuống sẽ hút nước nhanh, rất phù hợp cho giải pháp này)”, PGS.TS Đoàn Văn Cánh tiếc nuối khi nói về ý tưởng.

PGS.TS Đoàn Văn Cánh đã xác lập được cơ sở khoa học của giải pháp thu gom nước mưa đưa vào lưu trữ trong lòng đất ở Tây Nguyên. Đó là cơ sở cho việc xây dựng các công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất quy mô rộng tới mọi hộ gia đình, cơ quan trong thực tế. Cách thức này phù hợp với những vùng dư thừa nước mặt, thiếu trong lòng đất như Hà Nội, Tây Nguyên…
Những vùng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…, Những vùng nghèo nước hay không có nước vào mùa khô hạn như Đăk Nông, vùng địa hình karst Đông Bắc Việt Nam, vùng ven biển Trung và Nam Trung Bộ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.