Nhà khoa học - giáo dục đa năng

GD&TĐ -Sự nghiệp của Rudolf Steiner Joseph Lorenz (2/1861 - 3/1925) rất đa dạng: Nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội, kiến trúc sư và thần học

Mô hình trường Waldorf phát triển rộng khắp trên thế giới.
Mô hình trường Waldorf phát triển rộng khắp trên thế giới.

Người xưa cho rằng: Ai có “Trán phẳng dựng đứng, chứng tỏ tư duy cao rộng; động tác thích khoát tay, hay dùng miệng lưỡi, cưới vợ nhiều lần, thần khí hài hòa, qua nhiều trắc trở vẫn nổi danh”.

Những lời tổng kết nhân dạng đó, có vẻ đúng với Rudolf Steiner Joseph Lorenz (người Áo). Sự nghiệp của ông (2/1861 - 3/1925) đa dạng: Nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội, kiến trúc sư và thần học.

Tuy nhiên, ban đầu ông được ghi nhận là một nhà phê bình văn học và văn hóa triết học, rồi tìm tòi, mở rộng sang các lĩnh vực khác. Vào đầu thế kỷ XX, ông đã thành lập một phong trào tâm linh bí truyền gắn với nhân trí học, có nguồn gốc từ triết học duy tâm và thông thiên học của Đức.

Khớp nối mảnh ghép khoa học và tâm linh

Trong giai đoạn đầu thiên về triết học của phong trào này, Steiner đã cố gắng tìm ra sự tổng hợp giữa khoa học và tâm linh. Tác phẩm triết học của ông trong những năm này, được gọi là “khoa học tâm linh”, tìm cách cung cấp mối liên hệ giữa con đường nhận thức của triết học phương Tây và các nhu cầu tâm linh và nội tại của loài người.

Trong giai đoạn 2, bắt đầu từ khoảng năm 1907, ông bắt đầu cộng tác và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông nghệ thuật, bao gồm cả kịch, nghệ thuật chuyển động (phát triển một hình thức nghệ thuật mới gọi là Eurythmy) và kiến trúc, mà đỉnh cao là việc xây dựng một trung tâm văn hóa Goetheanum dành cho các tác phẩm nghệ thuật.

Ngay sau Đại chiến Thế giới thứ nhất, Steiner đã hoạt động như một giảng viên về cải cách xã hội. Một kiến nghị diễn đạt ý tưởng cơ bản về xã hội của ông đã được lưu hành rộng rãi và có chữ ký của nhiều danh nhân văn hóa đương thời, bao gồm Hermann Hesse (nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Đức, 1877 - 1962, nhận Nobel Văn học và Giải Goethe năm 1946).

Trong cuốn sách chính của Steiner về cải cách xã hội, hướng tới đổi mới xã hội (Toward Social Renewal), ông cho rằng các lĩnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế của xã hội cần phải làm việc với nhau với tư cách hợp tác nhưng độc lập, mỗi mảng có một nhiệm vụ cụ thể: Các tổ chức chính trị cần thiết lập sự bình đẳng về chính trị và bảo vệ các quyền cho con người; các tổ chức văn hóa nên nuôi dưỡng và phát triển tự do các lĩnh vực: Khoa học, nghệ thuật, giáo dục và tôn giáo; và các tổ chức kinh tế nên cho phép các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng hợp tác để cung cấp hiệu quả cho nhu cầu của xã hội.

Ông thấy việc phân chia trách nhiệm như vậy, thứ ông gọi là ba trật tự xã hội, là một nhiệm vụ quan trọng sẽ tạo ra xu hướng lịch sử hướng tới sự độc lập lẫn nhau của ba lĩnh vực.

Ngoài ra, Steiner cũng đề nghị nhiều cải cách xã hội cụ thể, ông đã thực hiện các Dự án đa dạng về giáo dục Waldorf, nông nghiệp, y học, nhân trí cũng như các định hướng mới trong các lĩnh vực khác đều mang lại những thành công nhất định.

Riêng về nông nghiệp, cách tiếp cận mang tính sinh thái và bền vững của Steiner đã nhanh chóng lan rộng và được đưa vào thử nghiệm quốc tế. Nông nghiệp biodynamic hiện tại được áp dụng ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và Úc. Về kiến trúc và nghệ thuật thị giác, Steiner đã thiết kế 17 tòa nhà, bao gồm cả tòa nhà Goetheanums đầu tiên và thứ hai.

Hai tòa nhà này được xây dựng tại Dornach, Thụy Sĩ, ban đầu được dự định để làm không gian sân khấu cũng như một “trường học cho khoa học tâm linh”. Ba tòa nhà Steiner đã được coi là những tác phẩm quan trọng nhất của kiến trúc hiện đại.

Một lớp học theo mô hình trường Steiner Waldorf tại Việt Nam.

Một lớp học theo mô hình trường Steiner Waldorf tại Việt Nam.

Mô hình giáo dục Waldorf

Về cải cách giáo dục, Steiner đề xuất chương trình dạy học đặc thù cho một ngôi trường kiểu mới dành cho con em công nhân của nhà máy thuốc lá Waldorf Astoria ở Stuttgart (Đức). Quan điểm của Steiner là coi trọng sáng tạo và dựa vào các giai đoạn chính trong quá trình phát triển của trẻ em, làm nền tảng cho phương pháp tiếp cận với giáo dục.

Theo triết lý giáo dục của Steiner, sự linh động về mặt trí tuệ, đánh giá độc lập và lòng can đảm vì đạo đức sẽ là những yếu tố cần thiết để đứa trẻ trở thành những con người sáng tạo và có trách nhiệm trong tương lai.

Để nuôi dưỡng những phẩm chất này, chương trình của Waldorf thận trọng cân bằng giữa các hoạt động học thuật, nghệ thuật và thực tiễn nhằm kích thích trí tưởng tượng và chuẩn bị cho trẻ hành trang thích hợp bước vào cuộc sống. Thay vì dựa vào việc học vẹt những thông tin chuẩn hóa, giáo dục Waldorf tìm cách thu hút toàn bộ tâm trí, tinh thần đứa trẻ trong quá trình học tập.

Mỗi môn học đều được dạy một cách đầy nghệ thuật, bằng cách sử dụng những di chuyển (vũ đạo), hội họa, âm nhạc, kể chuyện và nhịp điệu, các giáo viên đưa kiến thức vào cuộc sống và nuôi dưỡng khả năng tò mò vô hạn và niềm vui học tập cho mỗi đứa trẻ.

Dù các em sẽ trở thành nhà nhân chủng học hay sinh vật học, nhà toán học hay nhạc sĩ..., thì khả năng sáng tạo được phát triển thông qua giáo dục Waldorf sẽ cho trẻ một nền tảng cần thiết để thành công và thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh thực tế cuộc sống.

Các giáo viên của Waldorf hiểu rằng, trẻ em sẽ trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, và những kiến thức hay cách hành xử mà các em được dạy cần phải cụ thể với từng độ tuổi. Sự hiểu biết này khiến giáo dục Waldorf khác với các cách tiếp cận khác. Một cách lý tưởng thì mỗi giáo viên sẽ đi theo một lớp học trong cả quá trình để giúp trẻ chuyển tiếp qua các giai đoạn một cách liên tục, lành mạnh nhất.

Nhờ triết lý và phương pháp sáng tạo của mình, Trường Waldorf nhanh chóng được công nhận trên thế giới và truyền cảm hứng để các ngôi trường mới được thành lập ở Đức và nhiều quốc gia khác.

Năm 1922, Steiner đã trình bày những ý tưởng mô hình này tại một cuộc họp ở Oxford do Giáo sư Millicent Mackenzie tổ chức. Hội nghị này đã dẫn đến việc thành lập các trường Waldorf đầu tiên ở Anh

Tám thập kỷ sau, giáo dục Waldorf là một phong trào độc lập trên toàn thế giới với hơn 700 ngôi trường ở 5 châu lục. Giáo dục Waldorf không đi theo một trật tự bó buộc, đóng khung nào, nó hoạt động để truyền cảm hứng cho tính đạo đức thực sự thông qua sự phát triển lòng biết ơn, sự tôn kính và tình yêu dành cho thế giới.

Theo đó, các lễ hội theo mùa được tổ chức trong suốt năm học, trong đó có các sự kiện theo truyền thống của người Do Thái và Ki-tô giáo, để các em quen với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hiểu biết niềm tin tôn giáo thuần khiết.

Kể từ khi ngôi trường Steiner đầu tiên được thành lập vào năm 1919, mô hình Waldorf đã có một số bước phát triển. Trong suốt cuộc đời của Steiner, các trường học dựa trên các nguyên tắc giáo dục của ông cũng đã được thành lập tại Hamburg, Essen, The Hague và London.

Hiện nay, cộng đồng trường học kiểu Waldorf đã phát triển lên tới hơn 1.200 ngôi trường ở 60 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1.200 trường học Waldorf và hơn 2.000 trường mầm non Waldorf (bao gồm cả ở Việt Nam).

Vì vậy, mô hình giáo dục Waldorf cũng đã tự xưng là “phong trào trường học tự do lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên từ góc nhìn cách mạng công nghiệp 4.0 và khoa học hiện đại, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, mô hình giáo dục Waldorf có những hạn chế, do bị chi phối bởi triết học duy tâm, siêu hình và niềm tin vào sự tái sinh...

Lớp học là nơi tạo hạnh phúc cho trẻ.

Lớp học là nơi tạo hạnh phúc cho trẻ.

Môn nghệ thuật chuyển động Eurythmy

Eurythmy nghĩa chung là “chuyển động hài hòa” - được Steiner đề xướng vào năm 1912. Khoảng giữa các năm 1909 - 1913, Steiner đã viết bốn vở kịch thể nghiệm. Thông qua “nhạc cụ” là cơ thể con người, Eurythmy thể hiện các nguyên tắc sáng tạo ẩn dưới ngôn từ và âm nhạc trong các chuyển động nghệ thuật và ăn mặc quần áo màu sắc đa dạng đẹp đẽ.

Steiner cũng đưa ra một cách tiếp cận mới cho diễn xuất, kể chuyện, và đọc thơ. Khóa học công khai cuối cùng của ông, được đưa ra vào năm 1924, dưới dạng diễn văn và kịch. Các bài phát biểu về Anthroposophic (Trí tuệ nhân loại) thường kéo dài bốn năm và được cấp một văn bằng được công nhận.

Chủ đề bao gồm: Phân biệt các phong cách sử thi, lời thoại, thơ ca kịch, ngôn ngữ cử chỉ và lời nói; một cách khác có thể gọi là bài phát biểu sáng tạo hoặc định hình diễn văn (speech formation) (Sprachgestaltung). Sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng tốt nghiệp Goetheanum cho phép họ lựa chọn để theo đuổi một khóa huấn luyện về diễn thuyết theo hướng Anthroposophical.

Rudolf Steiner và đồng nghiệp còn phát triển nghệ thuật nhịp điệu (Eurythmy), đôi khi được gọi là “lời nói và bài hát có thể nhìn thấy” đưa vào bài học. Theo các nguyên tắc của nhịp điệu, có những nguyên mẫu dịch chuyển hoặc cử chỉ tương ứng với mọi khía cạnh của lời - những âm thanh (âm vị), nhịp điệu, và các chức năng ngữ pháp - dành cho mọi “chất lượng linh hồn” (niềm vui, nỗi tuyệt vọng, đau đớn, lạc quan)… cho đến mọi khía cạnh của âm nhạc (tông, nhịp, giai điệu và hòa âm).

Eurythmy phát triển như một nghệ thuật sân khấu và tiếp tục được bổ sung trong thực hành. Dần dần tiềm năng của môn này trong giáo dục được nhận ra và trở thành một phần cốt lõi của chương trình giảng dạy Steiner Waldorf.

Tới nay, Eurythmy được dạy cho trẻ em và thanh, thiếu niên trong các trường Steiner Waldorf trên khắp thế giới. Một ứng dụng gần đây là việc sử dụng Eurythmy ở nơi làm việc, đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển các cách làm việc nhóm Team mới.

Sau này giới chuyên môn còn phát triển thêm hướng Eurythmy chữa trị - một lĩnh vực sâu hơn của Eurythmy. Họ quan niệm khi cơ thể con người mất đi sự cân bằng và kết quả của mất cân bằng là bệnh có thể xảy ra. Eurythmy chữa trị nhằm hỗ trợ thay đổi để khôi phục sự cân bằng cho cơ thể.

Từ phong trào cải cách nghệ thuật múa truyền thống ở châu Âu mang màu sắc chủ nghĩa biểu hiện, Eurythmie đã trở thành một môn đặc biệt đầy biểu cảm sáng tạo của các trường học Waldorf nói riêng và môn Trí tuệ nhân loại (nhân trí học) nói chung.

Nội dung của nó thiên về sự biểu hiện bản chất ngôn ngữ và âm nhạc, cùng mục đích chính là biểu hiện cảm tính tinh thần của tâm hồn con người. Thường trong một cuộc biểu diễn Eurythmie có một hay một nhóm người mặc một loại áo dài mượt mà, rực rỡ màu sắc (để thể hiện tâm trạng - tâm lý, gây hiệu ứng của màn biểu diễn) và biểu diễn theo vũ đạo trên nền nhạc kinh điển.

Ở lớp lớn hơn (trung học phổ thông, trung học cơ sở), học sinh thường tự nghĩ ra vũ đạo hòa hợp với một bản nhạc cụ thể nào đó, mở rộng cả sáng tạo ra vũ đạo cho cả nhạc kinh điển lẫn nhạc đương đại như rock, pop, rap, dân ca, ca khúc phù hợp...

Dù Steiner có danh tiếng và nhiều ý tưởng, quan điểm khoa học của ông được ứng dụng lúc sinh thời và cả trong thời hiện đại, nhưng cuộc đời ông không yên ả. Cuối đời, Steiner bị Adolf Hitler chỉ trích, phê phán nặng nề, sau này khi lên cầm quyền Hitler cấm các trường Steiner hoạt động ở Đức. Tháng 3/1925, ông qua đời ở tuổi 64 ở Dornach, Thụy Sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ