Bắt đầu từ thập niên 2000, quốc đảo chứng kiến sự gia tăng của loại hình nhà ở có sân vườn độc quyền: Nhà gỗ hạng sang (good class bungalows – GCB) siêu đắt đỏ, trung bình 21,3 triệu đô la Singapore/ngôi nhà (hơn 350 tỷ đồng).
Mấy năm vừa qua, lượng giới trẻ Singapore đầu tư GCB đột ngột tăng mạnh. Họ thúc đẩy cả số lượng giao dịch lẫn giá bán, khiến giá thành GCB ngày càng tăng vọt.
Thượng hạng và độc quyền
Singapore có diện tích 728,6 km² và dân số khoảng 5,7 triệu người. Mật độ dân số Singapore khá cao, 8.099 người/km², gấp 25 lần Việt Nam (319 người/km²).
Phần lớn cư dân Singapore sinh sống trong các chung cư và khu phức hợp chung cư (khoảng 80%). Đây là giải pháp nhà ở tất yếu trong quốc gia thiếu thốn mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, cũng chính trong Singapore, xuất hiện loại hình nhà vườn với diện tích khổng lồ, ngoài 1.400 m². Người ta gọi chúng là GCB.
GCB đặc trưng bởi nhà ở bằng gỗ (chỉ được phép chiếm dưới 35% diện tích khu đất) sang trọng, tiện nghi, sân vườn xanh sạch, rộng rãi. “Toàn bộ khu nhà vườn rộng đến nỗi, chủ nhà không thể nhìn thấy hàng xóm của mình”, Steve Tay (Singapore) giới thiệu.
Ngoài sân vườn nhiều cây xanh (có quy định về lượng cây xanh tối thiểu), GCB còn có hồ bơi và nhiều tính năng tuyệt vời khác. Ví dụ GCB tên Ewart Park nằm tại Quận 10 giàu có. Nó rộng đến 20 nghìn m², nhà gỗ 8 phòng ngủ, 1 khu để xe 2 tầng chứa được 20 ô tô, hồ bơi, bếp ngoài trời…
“Hầu hết các GCB đều có diện tích từ 1.400 – 2.600 m². Nhìn toàn cảnh, nó giống như một khu bảo tồn cá nhân”, Tay nói tiếp.
Diện tích càng rộng, giá trị GCB càng cao. Hiện, giá trị niêm yết của GCB diện tích 3.530 m² đang là 64,2 triệu đô la Singapore (hơn 1 nghìn tỷ đồng).
Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore (Singapore’s Urban Redevelopment Authority - URA) quy hoạch 39 khu vực dành riêng cho GCB. Tại các khu vực này, URA cấm xây dựng bất kỳ loại hình nhà ở dân cư nào khác.
Nhờ quy định của URA, giá trị và uy tín GCB ngày càng tăng. Theo số liệu giao dịch năm 2021, giá trị trung bình của GCB là 21,3 triệu đô la Singapore/ngôi nhà (tương đương 360 tỷ đồng).
Nhà gỗ hạng sang (GCB) Singapore là loại hình biệt thự sân vườn rộng, thoáng, siêu đẹp. |
Hút giới trẻ
Hiện, Singapore có khoảng 2.800 GCB, chủ yếu tập trung tại các khu vực giàu có nhất như Orchard, Holland, Bukit Timah… Với mức giá “trên trời”, GCB khét tiếng “bất động sản khó mua”, ngay cả tầng lớp thượng lưu cũng phải e dè vì “vượt quá ngân sách cho phép”.
Cuối năm 2021, công ty nghiên cứu bất động sản Knight Frank (Singapore) báo cáo: Số lượng GCB bán ra nhảy vọt, cao gấp 3 lần năm 2019. Đặc biệt, đa số người mua là thanh niên Singapore.
“Trước đây, phần lớn người mua GCB là các thương nhân, luật sư, bác sĩ... luống tuổi và vô cùng giàu có. Bây giờ, đa phần họ lại là những thương nhân, nhà sáng lập, khởi nghiệp trẻ, ví dụ như giám đốc công ty thương mại điện tử” - Henry Lim, nhân viên công ty bất động sản PropNex Realty (Singapore) cho biết.
Tháng 12/2021, Su Zhu (30 tuổi) – Giám đốc điều hành quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital “chốt” GCB ở khu Bukit Timah với giá gần 49 triệu đô la Singapore (tương đương 828 tỷ đồng).
Cùng thời điểm, Tommy Ong (30 tuổi) – người sáng lập nền tảng tiếp thị thương mại điện tử Stamped.io bán GCB đang sở hữu với giá 110 triệu đô la (2.550 tỷ đồng). Giám đốc công ty khởi nghiệp Secretlab, Ian Ang (29 tuổi) thì đầu tư 36 triệu đô la Singapore (tương đương 608,8 tỷ đồng) vào GCB.
Giá trị của 1 GCB có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. |
Đầu tư chắc thắng
Singapore quy định, chỉ công dân Singapore mới có quyền mua GCB. Với các chủ sở hữu GCB, đây là lợi thế độc quyền và cơ hội tăng giá bán. So với năm 2019, giá trung bình của GCB tăng gần 1/4, lên 1.725 đô la Singapore/1 feet vuông (tương đương 29,2 triệu đồng).
“GCB là lựa chọn đầu tư bất động sản yên ổn và chắc thắng nhất”, Mary Sai (Knight Frank) khẳng định. Ngay cả dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá trị của GCB vẫn tăng đều đặn và không có vẻ gì sẽ chững lại.
Tháng 12/2021, Singapore áp dụng quy định thuế mua bán GCB mới nhằm hạ nhiệt thị trường. Có điều, hành động này không ngăn được những người mua trẻ đang giàu nhanh. “Họ có tiền và họ thèm muốn GCB, mối đầu tư vừa tốt vừa ít biến động hơn cổ phiếu”, Sai phân tích. Chỉ cần trong tầm tay, giới trẻ Singapore không ngần ngại mua ngay GCB.
“Trong khi người giàu cao tuổi ngày càng không chấp nhận nổi sự tăng giá của GCB, thế hệ trẻ siêu giàu, kiếm tiền nhờ các lĩnh vực kinh doanh, nghề nghiệp mới mẻ lại bị thu hút. Họ thúc đẩy lượng giao dịch và tiếp tục khiến GCB tăng giá”, Lim phản ánh.