​Vì sao Singapore có những đứa trẻ thông minh nhất thế giới?

Theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Singapore là nước có những học sinh trung học thông minh nhất thế giới.

Thế giới bây giờ chỉ tưởng thưởng cho những người biết sử dụng sáng tạo những kiến thức họ có chứ không phải chỉ học thuộc lòng. Ảnh: Business Insider
Thế giới bây giờ chỉ tưởng thưởng cho những người biết sử dụng sáng tạo những kiến thức họ có chứ không phải chỉ học thuộc lòng. Ảnh: Business Insider

Theo CNN, chính sự thành công trong lĩnh vực học thuật đã giúp Singapore vươn mình trở thành một nền kinh tế thịnh vượng. Và cách để quốc đảo sư tử xây dựng hệ thống giáo dục của họ có lẽ sẽ để lại nhiều bài học cho các quốc gia khác trên thế giới.

“Singapore là một trường hợp thú vị - Marc Tucker, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu giáo dục và kinh tế quốc gia Mỹ, nói - Trước Chiến tranh thế giới thứ 2, họ là một cảng lớn của Anh. 

Khi người Anh rút đi và đóng cửa căn cứ của họ, Singapore lâm vào tình trạng khủng khiếp. Nhưng ngày nay, họ là một trong những nền kinh tế hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Họ làm được điều đó phần lớn là dựa vào giáo dục và đào tạo”.

Nếu quá trình chuyển mình từ gian nan lên thịnh vượng của Singapore được xây dựng từ nền tảng giáo dục thì bí quyết của hệ thống giáo dục đó nằm ở chất lượng các giáo viên.

Chuyên gia Tucker lý giải: “Họ tạo nguồn giáo viên từ các học sinh giỏi nhất trong số những học sinh trung học tốt nghiệp của họ”.

“Sử dụng kiến thức một cách sáng tạo”

Ở Singapore, việc chăm lo giáo dục được tiến hành từ lúc trẻ ở độ tuổi mầm non. Ảnh: CNN
Ở Singapore, việc chăm lo giáo dục được tiến hành từ lúc trẻ ở độ tuổi mầm non. Ảnh: CNN

Trong những năm sau chiến tranh, Singapore mới có một thị trường lao động trình độ thấp, giá rẻ và chừng đó là đủ với một hệ thống giáo dục mới chỉ hướng tới mục tiêu phổ cập. Tuy nhiên bắt đầu từ những năm 1970, các nhu cầu kinh tế của Singapore thay đổi.

Quốc gia này mau chóng tiến tới các công việc đòi hỏi trình độ chất xám, công nghệ cao và buộc hệ thống giáo dục phải theo kịp nhu cầu đó.

Vậy nên họ sớm định hình mục tiêu hướng tới nền giáo dục đẳng cấp thế giới đối với mọi đứa trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là phải chuyển từ cách học thuộc lòng sang cách học khuyến khích tinh thần sáng tạo.

Giám đốc phụ trách giáo dục của OECD, ông Andreas Schleicher, nói: “Họ có một hệ thống chuyên sâu với chỉ một lựa chọn, cần phải mở rộng nền giáo dục nhanh chóng. 

Nhưng khi đã đạt được điều này, họ cũng là những người đầu tiên nghĩ tới việc: vậy điều gì là cần thiết với con cái chúng ta để chúng có thể thành công trong nền kinh tế của tương lai?”.

“Một điều rất rõ ràng với họ là nền kinh tế thế giới đã không còn tưởng thưởng cho ai đó chỉ vì những gì họ biết nữa. Google biết tất cả mọi thứ. Nền kinh tế thế giới bây giờ chỉ tưởng thưởng cho mọi người vì những gì họ có thể làm từ các kiến thức họ biết”.

“Sự nhấn mạnh vào tính ứng dụng, vào việc vận dụng sáng tạo kiến thức là điểm rất, rất mạnh ở Singapore và nhiều quốc gia châu Á khác”.

Dạy con từ thuở còn thơ

Ở Singapore, giáo dục được chăm chút ngay từ lứa tuổi rất nhỏ, trước khi trẻ bước vào tiểu học.

Diana Ong, hiệu trưởng Trường mầm non Pat"s Schoolhouse Sembawang Country Club, phía bắc Singapore, cho biết: “Tôi nghĩ về chúng tôi với tư cách là các nhà giáo dục mầm non, chúng tôi là những năm tháng nền tảng nhất. Chúng tôi tạo dựng nền tảng cơ bản.

Tôi nghĩ những năm tháng đầu đời của một đứa trẻ rất quan trọng. Vậy nên khi bạn có một đứa con rất tự tin, sự tự tin đó của đứa trẻ cũng sẽ đi theo cậu bé/cô bé đó vào tiểu học. Bạn không chỉ muốn có một đứa trẻ thông minh, bạn còn muốn nó là một đứa trẻ kiên cường nữa”.

Ông Schleicher cho rằng một phần trong văn hóa của nhiều nước châu Á là cha mẹ luôn ưu tiên việc đầu tư giáo dục cho con cái.

Ông giải thích: “Điều đó bắt đầu với những sự đầu tư, sự ưu tiên họ dành cho giáo dục. Ở những nước này, cha mẹ và ông bà luôn đầu tư những tài sản cuối cùng, những đồng tiền cuối cùng của họ vào việc học cho con cái”.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ