Do sự mạnh tay trong các khoản mua sắm lớn như xe hơi và nhà cửa trong bối cảnh hàng hóa toàn cầu tăng giá giữa đại dịch, các hộ gia đình Mỹ đang phải gồng gánh các khoản nợ cao kỷ lục trong 15 năm qua ở quốc gia giàu có nhất thế giới này.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nợ hộ gia đình tại nước này đã tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2021, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009. Riêng trong quý IV năm 2021, nợ hộ gia đình đã tăng 333 tỷ USD, nâng tổng dư nợ lên 15.580 tỷ USD, mức tăng hàng quý lớn nhất sau hơn một thập kỷ qua.
Các chuyên gia của FED phân tích rằng, nợ thế chấp và các khoản cho vay để mua ô tô và nhà là những động lực chính dẫn đến sự gia tăng tổng khoản nợ gia đình kỷ lục nói trên tại Mỹ. Tổng số dư của các khoản vay thế chấp để mua hai loại tài sản này đã tăng mạnh vào năm 2021, tương ứng với sự tăng giá mạnh chưa từng có của giá nhà và xe hơi tại Mỹ năm qua.
Như vậy lạm phát tăng cao đang tác động trực tiếp đến tất cả các gia đình tại Mỹ, đặc biệt là các hộ có hoạt động vay mua tài sản. Trong khi đó, việc tăng giá ô tô tại nước này góp phần dẫn đến dư nợ hộ gia đình tăng cao cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ trong bức tranh giá cả hàng hóa leo thang trên toàn cầu trong năm 2021 do Covid-19 gây ra.
Hiện nay, giá cả hàng hóa nói chung, đặc biệt là các mặt hàng giao dịch quốc tế cơ bản như dầu thô, kim loại, ngũ cốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 27 năm qua.
Thị trường hàng hóa tại Mỹ và thế giới đều đang bị sức ép từ hai phía: Một mặt nhu cầu đang bùng nổ khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, mặt khác nguồn cung lại đang đứt gãy và bị cản trở bởi các yếu tố địa chính trị và Covid-19.
Theo chỉ số Refinitiv/Core Commodity CRB chuyên theo dõi biến động giá hàng hóa quốc tế đã ghi nhận tăng 46% vào thời điểm cuối tháng 1/2022, mức tăng cao nhất kể từ năm 1995. Một trong những động lực chính dẫn đến sự tăng giá chung này là do giá dầu thô tăng vọt do căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động cũng đang làm gia tăng áp lực lên cán cân cung – cầu của thế giới. Việc giá hàng hóa tăng cao không chỉ gây ra tình trạng nợ nần kỷ lục trong các hộ gia đình tại Mỹ mà còn đang đè nặng lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguy hiểm hơn, việc giá hàng hóa tăng cao còn có thể gây ra tình trạng bất ổn chính trị tại các nước nghèo và đang phát triển. Năm 2011, làn sóng thay đổi chính trị chấn động toàn khu vực Trung Đông, được mệnh danh là “Mùa xuân Ả Rập”, cũng khởi nguồn từ việc giá lương thực tăng cao đột biến trước đó.
Như vậy thực tế đã cho thấy, những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 kéo dài cũng như những bất ổn chính trị dẫn đến giá hàng hóa tăng cao đang không chỉ tác động đến các nước phát triển như Mỹ, mà còn tác động nặng nề đến đời sống của người dân tại các nước đang phát triển.
Đây chính là nguy cơ tiềm tàng không chỉ gói gọn trong các hộ gia đình Mỹ mà bao trùm toàn cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.