Từ những trải nghiệm trong ngành GD&ĐT với vai trò là cán bộ quản lý, ông Trần Nguyễn Minh Thành - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng và bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) đều xây dựng chương trình hành động gắn với những chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục.
Theo đó, để chung tay viết nên câu chuyện tử tế trong ngành giáo dục, không chỉ dừng lại ở nỗ lực cải thiện các điều kiện, CSVC dạy – học, tạo môi trường thuận lợi để HS phát triển toàn diện mà còn ở các chính sách đối với giáo viên, trong sự minh bạch về thông tin, trong những chủ trương tạo cảm hứng, động lực cho việc dạy và học…
Ông Trần Nguyễn Minh Thành: Đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng trường lớp
"Là ứng viên của ngành GD&ĐT thành phố, tôi sẽ tham mưu cùng lãnh đạo Sở tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học. Để làm được điều này thì đòi hỏi cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ" - ông Thành cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trước hết, sẽ tiếp tục đề xuất thành phố quan tâm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng trường lớp mà Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 do Sở GD&ĐT tham mưu triển khai đã thể hiện được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố.
Trong đó, quận Hải Châu có 49 trường được đầu tư xây dựng, mở rộng và bổ sung trang thiết bị dạy học; riêng trong năm 2021, quận Hải Châu có 22 công trình trường học được bố trí kế hoạch vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu. Chúng tôi sẽ phối hợp thật tốt với lãnh đạo quận để triển khai Đề án hiệu quả cũng như sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo thành phố nhiều chương trình, đề án thiết thực hơn nữa cho ngành giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục Hải Châu nói riêng.
Giải pháp tiếp theo trong chương trình hành động của ông Thành là triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới mà cụ thể là chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc, công bằng, khách quan, hiệu quả các quy trình về lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn chuyên môn giáo viên, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học…
Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài mà thiết thực nhất là phối hợp với các hội, đoàn thể, địa phương vận động, hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống được đến trường.
"Là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục thành phố, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để phản ánh kịp thời những yêu cầu cấp thiết của nhà giáo, người lao động ngành giáo dục đến các cấp có thẩm quyền; cũng như đảm bảo thực hiện tốt các chương trình cụ thể của ngành nhằm cải thiện cuộc sống của nhà giáo, người lao động, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục địa phương".
Phó Giám đốc Trần Nguyễn Minh Thành
Ngoài ra, ông Thành cũng quan tâm đến việc tăng cường công tác phối hợp nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Đây là vấn đề quan trọng được cả xã hội hội quan tâm và nhiều ứng viên HĐND thành phố đã đề cập trong chương trình hành động của mình. Với chức năng của ngành, chúng tôi sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên.
"Làm tốt những nhiệm vụ trên là chúng tôi đã góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng thành phố “5 không, 3 có, 4 an” - ông Thành khẳng định.
Ông Thành chia sẻ: "Tôi luôn quan tâm và trăn trở về điều kiện được học tập, về công ăn việc làm, về tham gia các hoạt động xã hội của thế hệ trẻ. Tôi mong muốn được bầu chọn để có cơ hội tham mưu, đề xuất những chính sách ưu tiên thế hệ trẻ, đặc biệt trong học tập và giải quyết việc làm; đồng thời, với chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tôi sẽ quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục kĩ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, định hướng công việc, định hướng tương lai… cho học sinh, đặc biệt là các em HS cuối cấp".
Bà Trần Thị Thúy Hà: Tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo
Ứng cử viên Trần Thị Thúy Hà nhấn mạnh đến những giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới và thay SGK giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
"Ngoài giám sát việc lựa chọn SGK đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho HS, để thực hiện CTGDPT mới, cần xác định rõ giáo viên là nhân tố quyết định quá trình đổi mới, vì thế phải tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh HS để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT theo quy định".
Trong chương trình hành động của mình, bà Trần Thị Thúy Hà dành nhiều quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HS.
"Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong các trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phần lớn HS đều có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS, SV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra. Vì vậy cần có những giải phát đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ này" - bà Hà nhận xét.
Theo bà Trần Thị Thúy Hà, trước hết, ở các trường cần đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh như: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, trên cơ sở lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại.
Thứ hai, tăng cường giáo dục kỹ năng sống để hs có thể tự chủ trong mọi tình huống xảy ra, nhất là những tình huống tiêu cực. Thứ ba, phải tăng cường công tác phối hợp nhà trường với gia đình và xã hội. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn như mong muốn.