Nhà giáo tương lai và robot: Cuộc cạnh tranh trong vai trò dạy học

GD&TĐ - Robot đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục học sinh nhưng vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. Tuy nhiên, các thầy cô cũng cần phải thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đang hiện hữu.   

Học sinh hứng thú với các trải nghiệm robot. Ảnh: ITN
Học sinh hứng thú với các trải nghiệm robot. Ảnh: ITN

Bước tiến của trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy

Trong những năm gần đây, công nghệ mới và kết nối trực tuyến mang đến những thay đổi đáng kể cho cuộc sống hàng ngày của con người. Cùng những thành tựu đáng kể mà công nghệ góp phần vào các hoạt động của ngành GD là sự xuất hiện của robot đang hiện hữu trong nhiều lớp học tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi công nghệ bước vào phòng học, GV sẽ phải nhường chỗ cho robot. Thay đổi này đã gây khó khăn cho không ít nhà giáo và những người có quan điểm cho rằng GV, những người hướng dẫn, phân tích và tạo ra môi trường học tập quan trọng sẽ bị thay thế hoàn toàn hoặc phải hợp tác với công nghệ, với những thuật toán trong tương lai.

Tại Nhật Bản, từ đầu năm 2019, các robot thông minh đã tham gia giảng dạy nhằm giúp giáo viên và học sinh tại 500 lớp học cải thiện các kĩ năng tiếng Anh. Một số trường tiểu học và trung học tại Nhật đã tăng cường hơn công nghệ hiện đại trong giảng dạy Tiếng Anh và giới thiệu các robot nói tiếng Anh trong lớp học.

Còn tại Phần Lan, một GV- robot dạy Tiếng Anh có tên Elias được đưa vào giảng dạy tại một trường tiểu học từ năm 2018. Giáo viên Elias có khả năng hiểu và nói thành thạo 23 ngôn ngữ, đồng thời trang bị phần mềm thông minh cho phép hiểu những yêu cầu của HS, khích lệ các em học tập. Bên cạnh đó, thông qua những giờ học và tương tác với HS, Elias nhận biết mức độ kĩ năng của từng người để điều chỉnh bài giảng, câu hỏi cho phù hợp.

Tại Việt Nam, từ năm học 2017 - 2018, hệ thống trường quốc tế UK Academy đã ứng dụng robot Alexa Smart vào các giờ học Tiếng Anh. HS có thể tương tác, trò chuyện với

robot này để cải thiện kĩ năng nghe, nói bằng tiếng Anh. Robot Alexa Smart đã giúp nhà trường trong việc tạo hứng thú học tập, tăng cường sự tự tin cho HS cũng như nâng cao kết quả học tập của các em.

Sức mạnh và sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong những năm gần đây tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong các lớp học, trong ngành GD và tạo ra môi trường thuận lợi cho các thầy cô thay đổi. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ như Skype, Zoom, Hangout... việc kết nối thế giới nằm trong tầm tay.

Sự phát triển của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu robot có thể làm thay vai trò của người thầy? Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những giáo viên nào sẽ tiếp tục tồn tại? Để tiếp tục phát triển, người giáo viên tương lai cần chuẩn bị những hành trang gì?

Robot sẽ thay thế những giáo viên thụ động

Nhận định về những việc mà một robot làm tốt hơn GV, chuyên gia giáo dục Ngô Thành Nam đến từ TPHCM cho biết: Trong khi GV cố gắng để truyền tải một lượng kiến thức học tập với khía cạnh vận hành lớp học thì robot có thể mang lại sự phù hợp trong việc học, đánh giá cẩn thận mọi phản hồi để hiệu chỉnh khi nào nên tiếp tục với đề tài hiện tại và khi nào nên chuyển sang phần tiếp theo.

Những HS với khả năng học tập tốt hơn có thể được giao thêm bài tập, trong khi những HS cần trợ giúp sẽ nhận được sự hỗ trợ và tất cả đều diễn ra trong cùng một lớp học. Trí tuệ nhân tạo cung cấp cho robot các khả năng gần như không giới hạn về mặt xác định điểm mạnh và sở thích của HS, sau đó xây dựng và phát triển dựa trên thông tin có được.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, dù người máy có thông minh, hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế được con người. Người máy hay robot đóng vai trò quan trọng trong ngành GD vì giúp HS học tốt hơn, nhưng sẽ không bao giờ thay thế được GV. Robot có thể đẩy nhanh tiến độ giảng dạy nhưng sẽ không linh hoạt, tùy vào thực tế của lớp học nếu không được lập trình tốt.

Robot được theo dõi bởi trí tuệ nhân tạo, không gì khác ngoài sự thay thế các phản ứng cơ bản của con người - thứ mà robot đã bắt chước qua các giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Người máy có thể dạy tốt những môn không đòi hỏi hiểu biết rộng như dạy từ vựng và số nguyên tố. Tuy nhiên, robot có những giới hạn như khả năng hiểu tiếng nói và khả năng giao tiếp với con người sẽ khó không vượt qua được vai trò phụ giảng hay người dạy kèm trong tương lai gần.

Thầy Hà Văn Thắng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ: Khi không có công nghệ, mối quan hệ thầy trò trở nên tốt hơn, việc dạy học thoải mái, thời gian như dài hơn và có nhiều cơ hội để quan tâm đến HS, những ngày tháng trên bục giảng trở nên giàu cảm xúc. Thứ mà công nghệ không thể thay thế được là vai trò của người thầy trong việc truyền bá và lan tỏa những giá trị đến với học trò. Thầy Lê Hoàng Linh - Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Robot có thể thay thế những giáo viên chỉ có thói quen truyền đạt và kiểm tra một cách cơ học. Nếu GV chỉ đơn thuần giảng dạy kiến thức từ SGK, giao bài tập và kiểm tra HS mà không khuyến khích việc tìm tòi, phản biện và tạo ra kiến thức mới thì robot có thể hoàn toàn thay thế.

Tuy nhiên, robot sẽ khó thay thế được GV nếu họ mang đến những giá trị không lượng hóa được bằng điểm số như động lực học tập, khả năng tư duy phản biện, tình yêu, sự cảm thông, cộng tác và tinh thần lao động kỉ luật. Chính những GV này đang góp phần hình thành các kĩ năng của thế kỉ 21, tạo nền tảng để các em trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.