Nhà giáo tâm huyết với lĩnh vực bất động sản

GD&TĐ - Là một trong những thành viên tham gia chắp bút viết đề án xin mở ngành đào tạo, sau đó mở công ty nhận sinh viên vào thực tập, hơn 20 năm qua, nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng thuộc khoa Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) luôn dành nhiều tâm huyết đối với lĩnh vực bất động sản.

Nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng (thứ 3 từ phải qua) với sinh viên đi kiến tập tại khu căn hộ The Art do Savista quản lý
Nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng (thứ 3 từ phải qua) với sinh viên đi kiến tập tại khu căn hộ The Art do Savista quản lý

Đến với nghề giáo như một cơ duyên 

Hiện nay, ngoài vai trò là giảng viên, trưởng bộ môn của Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng còn giữ vai trò Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Triển vọng (SAVISTA). Tuy nhiên với phong thái của một nhà giáo nên khi gặp ít ai có thể đoán trúng anh là một doanh nhân.

Nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng
 Nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng

Nói về con đường dẫn đến với nghề giáo, anh chia sẻ: “Đây thật là một cơ duyên”. Khởi đầu, anh là sinh viên ngành xây dựng của Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Thời điểm lúc bấy giờ đi học cũng nhiều khó khăn, để có thể trang trải kinh phí cho việc học tập thì anh đi dạy kèm, luyện thi đại học cho học sinh cấp 3. Trong quá trình giảng dạy như thế anh thấy cũng thú vị và bản thân thích nghề sư phạm từ lúc nào không hay.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, được phòng đào tạo mời ở lại trường tham gia nghiên cứu, nhưng anh chọn đi dạy ở Trường Cao đẳng Xây dựng 2, sau đó thì chuyển về giảng dạy ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị tại Trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Trong quá trình giảng dạy thì anh vẫn tham gia các hoạt động bên ngoài như tư vấn nhưng cảm thấy kiến thức vẫn còn hạn chế. Vì vậy anh quyết định tiếp tục học thêm một chuyên ngành về luật để nâng cấp trình độ.

Rồi anh xin đầu quân về Trường ĐH Tài chính - Marketing giảng dạy cho đến bây giờ. Dù dạy học ở môi trường nào, nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng vẫn luôn thể hiện sự nhiệt tình của mình dành cho SV, cho ngành học.  

Họp với Trường CĐ Xây dựng 2 (TPHCM) nhằm thúc đẩy phát triển ngành quản lí nhà cao tầng
Họp với Trường CĐ Xây dựng 2 (TPHCM) nhằm thúc đẩy phát triển ngành quản lí nhà cao tầng

Nguyễn Thị Phượng Linh (cựu SV khóa 12 - khoa Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, Trường ĐH Tài chính - Marketing) vẫn còn nhớ như in ấn tượng về thầy Nguyễn Tiến Dũng ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học “với tiết học nhập môn của thầy không laptop, không slide bài giảng mà chỉ bảng đen và phấn trắng nhưng hấp dẫn lạ kỳ. Những tiết giảng của thấy cuốn hút từ đó.

Bởi trong quá trình giảng dạy thầy luôn lồng ghép những câu chuyện thực tế vào bài học, không chỉ dạy kiến thức trong sách với mà thầy dạy nghề. Thầy không bó hẹp bài học trong quyển giáo trình, mà chính thầy đã cho sinh viên có cái nhìn bao quát và định hướng tương lai của ngành Bất động sản bằng quy trình định hướng nghề nghiệp. 

“May mắn hơn khi Linh cũng 3 bạn cùng lớp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải Ba cấp trường: “Văn hóa chung cư Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong sự phát triển và hội nhập” dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Tiến Dũng. Dù bận việc trên công ty, công việc của khoa, nhưng thầy luôn dành thời gian gặp gỡ và giải đáp thắc mắc của sinh viên. Linh vẫn nhớ lần đó, khi cả 4 bạn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đều muốn từ bỏ, thầy đã động viên và dành thời gian trò chuyện và cùng giải quyết từng khó khăn thắc mắc của các bạn” - Phượng Linh chia sẻ. 

Duyên với lĩnh vực bất động sản

Ở Việt Nam, kinh doanh bất động sản là một ngành tương đối mới mẻ. Thời điểm vào những năm 2005 mới hình thành pháp luật về kinh doanh bất động sản. Trong quá trình vận động như thế đòi hỏi cần phải có một ngành nghề được đào tạo bài bản.

Là một trong những thành viên tham gia chắp bút viết đề án xin mở ngành đào tạo Kinh doanh bất động sản cho Trường ĐH Tài Chính – Marketing (TPHCM), thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Nguồn gốc của lĩnh vực này bắt nguồn từ khoa Thẩm định giá, trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu các thầy cô phát hiện ra một lĩnh vực mới mà cũng gần với thẩm định giá là ngành kinh doanh bất động sản, trên cơ sở đó dần thành lập những tổ tư vấn tham mưu cho nhà trường hình thành một ngành mới.

Tuy nhiên khi mới thành lập, ngành Kinh doanh bất động sản phải mượn lớp áo của ngành Quản trị kinh doanh để giảng dạy, phải đến 6 năm sau nó mới chính thức được công nhận”.Theo đó, Trường ĐH Tài chính – Marketing là một trong hai trường đào tạo ngành kinh doanh bất động sản đầu tiên ở Việt Nam.

Cũng trong quá trình thiết lập ngành học này thì anh mở công ty. Hiện nay công ty Savista của thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng đã phát triển rất nhiều về quy mô lẫn doanh số so với lúc ban đầu mới thành lập. Công ty đã đã tiếp nhận không biết bao nhiêu lượt sinh viên vào thực tập và nhiều sinh viên sau khi ra trường tiếp tục được nhận vào làm việc tại đây.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, ông chủ Savista kiêm nhà giáo này đã từng có một thời gian khởi nghiệp thất bại, suýt phải tán gia bại sản. Điều mà anh rút ra bài học kinh nghiệm sau này là: “Vào thời điểm mình làm doanh nghiệp lúc đó khoảng 25 - 26 tuổi,  khi ấy thì chỉ tự tin về mặt kiến thức, kỹ thuật, tuy nhiên để lãnh đạo một doanh nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố hơn. Và quá trình mà mình vận hành doanh nghiệp thì vướng phải  sự cố tranh chấp nội bộ bởi không am hiểu về vấn đề pháp lý”.

Chia sẻ về nguồn động lực giúp mình vượt qua những lúc khó khăn, thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi khó khăn vấp ngã thì gia đình và bạn bè chính là những điểm tựa vững chắc. “Vào thời điểm thất bại ấy để có thể trụ được với nghề giáo không phải là một điều dễ dàng. Bạn bè cùng trang lứa đi làm chỗ này, chỗ kia, bản thân mình chỉ thui thủi đi dạy với đồng lương ít ỏi, đâm ra nhiều lúc cũng tủi thân” – anh chia sẻ.

Anh thoáng bâng khuâng khi tôi hỏi “giữa giáo dục và kinh doanh, anh thành công  nhất ở lĩnh vực nào”? Rồi có lẽ mọi thứ đã ngấm vào máu thịt, anh trả lời: “Tôi cảm thấy bản thân đều hài lòng với hai lĩnh vực mà mình đã chọn. Thành công của một nhà giáo không phải ở những chức vụ, học hàm của họ mà nó thể hiện ở thành tích của sinh viên, những đóng góp của học trò đối với xã hội”.

Chị Phạm Ngọc Điền 

Nhiều sinh viên đến với ngành Kinh doanh bất động sản Trường ĐH Tài chính-Marketing có duyên học thầy Nguyễn Tiến Dũng, đi thực tập rồi làm việc tại công ty của thầy.

Chị Phạm Ngọc Điền – một chuyên viên bất động sản – (cựu sinh viên khóa 12 của trường) - đã có quá trình thực tập và trở thành nhân viên chính thức của công ty, chia sẻ: “Khi còn học tại trường thầy Dũng luôn rất nhiệt tình hướng dẫn, chỉ dạy giúp chúng tôi nắm vững các kiến thức chuyên ngành. Không những vậy thầy luôn cố gắng tạo điều kiện cho sinh viên được đi quan sát, trải nghiệm thực tế.

Rồi đến lúc thực tập thấy chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty thầy xin cho  Khi đến làm việc tại công ty, tôi được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp với rất nhiều áp lực, rất nhiều điều cần phải học hỏi và cải thiện thêm. Nhưng với sự quan tâm và động viên của thầy tôi cùng với các bạn luôn tự tin vững bước trên con đường đã chọn. Thầy thật sự đã trao cho tôi một hành trang kiến thức và con đường sự nghiệp rộng mở”.

Những tấm thiệp của SV luôn được anh cất giữ cẩn thận
 Những tấm thiệp của SV luôn được anh cất giữ cẩn thận

Thỉnh thoảng nhận được tin nhắn, điện thoại, email của các bạn sinh viên, thậm chí những người đã ra trường trưởng thành hỏi thăm, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống với thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.

Chẳng hạn như câu chuyện, trong một lần đi công tác ra Phan Thiết, trên đoạn đường qua Đồng Nai, anh và đoàn công tác dừng chân ở một nhà hàng để ăn trưa. Sau đó, phái đoàn có một số thắc mắc và muốn gặp bà chủ. Khi bà chủ xuất hiện thì gọi thầy ríu rít, khiến anh cũng hơi ngỡ ngàng. Sau đó thì mới nhận ra, bà chủ thuộc lứa SV đầu tiên của anh, ra trường đã 16 năm. Thời còn đi học đã suýt phải nghỉ học nửa chừng do không có tiền đóng học phí, may nhờ anh phát hiện kêu gọi thêm một số thầy cô khác cùng chung tay. 

Năm tháng trôi qua phủ lấp mọi thứ, nhưng tình cảm, nghĩa cử của những người thầy như nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng luôn là những viên ngọc lấp lánh, như lời anh từng chia sẻ với các sinh viên là nhân viên của mình: “Thầy mở công ty để tạo môi trường và cơ hội việc làm cho sinh viên, nhưng nghiệp của thầy mãi mãi là nhà giáo”.

"Thành công của một nhà giáo không phải ở những chức vụ, học hàm của họ mà nó thể hiện ở thành tích của sinh viên, những đóng góp của học trò đối với xã hội” - nhà giáo Nguyễn Tiến Dũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ